“Sartorial” và cuộc chơi vẫn còn dài hơi…

Sartorial, Classic Menswear là gì? Tôi sợ sự quy chụp mà người ta đặt ra cho những từ/cụm từ này, nhất là với nhiều cá nhân chỉ-ưa-nhìn-vào-bề-nổi.

Theo từ điển Cambridge – một trong những “nguồn định nghĩa” tôi tin là uy tín nhất thế giới, thì “Sartorial” là một tính từ, được dịch theo nghĩa “liên quan đến may mặc (thường là dành cho nam giới) hoặc chỉ một cách ăn mặc (relating to the making of clothes, usually men’s clothes, or to a way of dressing)”. Tuy vậy với cá nhân tôi, một người đi cùng Sartorial Guys – cộng đồng khởi tạo trên Facebook nói về “cái món ăn mặc” này đã được hơn 3 năm tính đến thời điểm viết bài vào tháng 03/2023, “Sartorial” là một tính từ có nghĩa “thuộc về may đo theo phong cách Âu phục cổ điển (Classic Menswear)”. Vậy nên có thể nói, “Sartorial style” là phong cách may đo Âu phục để đạt sự vừa vặn, chú trọng các chi tiết trên trang phục theo đúng chuẩn; hay cũng tương tự khi nhắc tới “Classic Menswear” – một cụm từ có vẻ đã “quen tai” với các bạn hơn rất nhiều.

Ấy vậy mà từ định nghĩa này, lại phát sinh ra lắm những kỳ khôi. Là phong cách hướng đến sự chỉn chu, lịch sự với ngôn ngữ trang phục cổ điển phương Tây, Sartorial được người chơi Việt Nam chú ý tới không phải chỉ trong thời gian gần đây. Gọi là “người chơi” có lẽ sẽ có đôi phần thất lễ, khi mà bậc chú bác, thậm chí các cụ của chúng ta từ lâu đã diện Âu phục rất chuẩn chỉnh; để mà thời nay nhìn lại, chúng ta vẫn có thể học được từ các bậc tiền bối rất nhiều.

Từ những thế hệ trước đây…

Hoàng tử Bảo Đại trong trang phục dạ hội tại Pháp năm 1932. (Ảnh: hinhanhvietnam.com)

Tuy không có được số liệu tổng hợp chính xác nhưng theo hiểu biết cá nhân, một số nhà may tại Việt Nam (đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) đã tồn tại tới hàng chục năm. Điển hình trong số đó là Cao Minh – một thương hiệu nhà may veston cao cấp được sáng lập từ năm 1948, hay tôi có cơ hội biết tới những nghệ nhân và người làm nghề có thời gian hoạt động lên tới trên 40 năm. Với tôi, đây là những nhà may, tiệm may thuộc “thế hệ cũ”, có tập khách hàng trung thành trung và cao tuổi; cách truyền thông – marketing của họ đa phần là từ giới thiệu cá nhân và “cha truyền con nối” từ người làm nghề cho đến khách hàng. Tức là, người thợ cắt của thương hiệu lại truyền cho con cháu nối nghề, và các cụ lớn tuổi lại dẫn thế hệ kế cận trong gia đình tới để sửa soạn cho trang phục. Và với tư duy cùng cách kinh doanh đó, thế hệ “nhà may cũ” này không xuất hiện trên quá nhiều các mạng xã hội hiện đại, hay sử dụng các chiến lược truyền thông – marketing “đúng trend” để chạm tới được người trẻ, điều mà tôi sẽ tiếp tục nói tới ngay bên dưới đây.

… cho tới lứa kế cận đang phát triển

Alain Tân tại sự kiện Sartorial Guys
Enjoy the Sartorial Life! – Chú Alain Tân tại Sartorial Guys HCMC Offline – 10/2020

Khoảng từ 2015, người trẻ lại nghiêm túc chú ý về Âu phục! Tôi lúc đó đang ở tuổi 22 và cũng không thể đao to búa lớn để nói quá xa nhưng nếu nhìn từ góc độ cung – cầu, hẳn đã có một nhóm người quan tâm đến ngôn ngữ thời trang này, để từ đây người thì chọn đi vào kinh doanh, người thì ở các cấp độ “chơi” khác nhau và lan toả rộng rãi hơn đến phương tiện truyền thông chúng ta dễ dàng được tiếp cận. Điển hình như vào ngày 29/12/2015, Hội Giày Tây đã được thành lập, trở thành một trong những cộng đồng đầu tiên dành cho những người có quan tâm đến các món đồ thuộc về Âu phục cổ điển tại Việt Nam; tiếp bước là Dress Up, Dress Down (đến nay đã bị huỷ bỏ), Menswear Tips & Hints, và duy trì tới thời điểm hiện tại vẫn còn Sartorial Guys và Classic Storytellers là hai cộng đồng có được số lượng thành viên đông đảo nhất cũng như tần suất bài đăng của thành viên vẫn còn đều đặn. Nói đến mốc năm 2015, xung quanh khoảng thời gian đó, một số nhà may do “người trẻ” sáng lập như Duy Nguyễn, IClassic Tailor, Veneta Bespoke, lùi sau một chút là Carlo Pham, Văn Hùng Tailor, Tailor Bros,… đều đã được khởi tạo và tái định vị với một tinh thần trẻ rất “Sartorial” phù hợp với xu hướng Âu phục đương đại trên thế giới. Các thương hiệu này cũng có chiến lược kinh doanh và phát triển khác với thế hệ “nhà may cũ” được nhắc đến ở phần trên, khi mà họ chọn các kênh truyền thông – marketing hiện đại như mạng xã hội, đi bài báo chí, sản xuất các tư liệu truyền thông như hình ảnh, video hướng tới đúng tập khách hàng trẻ tuổi đại chúng, khác với chuyện “cha truyền con nối” tôi đã đề cập tới phía trên. Tóm lại cũng từ cung – cầu, người cần thì dịch vụ có, và hai bên của cán cân này cứ tiếp tục nặng dần để làm thị trường ngày càng sôi động.

Điểm lại “dòng lịch sử” của phong cách Sartorial tại Việt Nam tạm thời như vậy đã, tôi lại cần nói về những “kỳ khôi”, hay thẳng thắn ra là những quy chụp, định kiến của phần đông những người chưa tìm hiểu hoặc không hề muốn tìm hiểu về Sartorial đang mang lại. Qua quá trình nghiêm túc coi đây (phát triển cộng đồng và truyền tải văn hoá liên quan tới phong cách) là công việc trong khoảng hơn 3 năm, tôi nhận được những câu hỏi – cũng chẳng rõ có phải là hỏi hay không, điển hình như:

  • Mặc thế này để đi đám cưới à?
  • Là ca sĩ hay MC mà ăn diện thế?
  • Mặc thế này chắc ngốt lắm nhỉ, không thấy nóng à?
  • Quần áo kiểu này chắc tốn nhiều tiền lắm nhỉ?

hay “xấu tính” hơn là những lời phán xét như kiểu: mặc như đa cấp (với một ý không tốt đẹp gì cho cam), “trưởng giả học làm sang” hoặc đại loại như thế. Cũng đã có nhiều lần gửi tới quý bạn, hãy hiểu đơn giản đây là một trong số nhiều các phong cách thời trang mà thế giới này hiện có. Sartorial có nhiều cách áp dụng, từ Dress Up với những bộ suit mang bộ trang trọng cao để dành cho những dịp quan trọng, hay Dress Down với các trang phục thường ngày được chú trọng đến chi tiết để phù hợp với các tiêu chuẩn cổ điển xưa nay đã được công nhận. Và tôi sợ nhất sự chụp mũ “mặc Sartorial là quý ông gien-tồ-mừn”, vì một: tôi và những người chơi “chân chính” chưa từng nhận mình là những quý ông, và hai: như vừa nói, quần áo là thời trang, còn người dùng thời trang này để coi mình là “quý ông” thì tôi không chắc bản chất của họ sẽ thế nào, các bạn ạ…

Thật tâm từ đầu, tôi nghĩ sẽ biên một bài ngắn gọn để giải nghĩa về “Sartorial”, nhưng nhìn lại đã nhắc tới khá nhiều điểm như đôi phần về lịch sử và các định kiến về phong cách mà tôi đang theo đuổi. Nhưng thà một lần trình bày rõ ràng để chúng ta cùng hiểu, còn hơn cứ cần nhắc lại mãi khi cũng chẳng rõ ai nghe, đúng không.

“Sartorial Vietnam – A Bespoke Lifestyle”, hy vọng những gì chúng tôi đã, đang và sẽ làm sẽ dần diễn giải và thể hiện được ra quan điểm này. Cùng theo dõi Sartorial Vietnam, ở những kỳ kế tiếp.

Bình luận trong ““Sartorial” và cuộc chơi vẫn còn dài hơi…

  1. Được nhắc tới trong: Âu phục cổ điển - việc gì phải định kiến? - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Vì sao khó định nghĩa rõ "Sartorial" với phái nữ? - Sartorial

  3. Được nhắc tới trong: Những đặc điểm thường thấy của áo Polo phong cách Sartorial

  4. Được nhắc tới trong: Một chu trình may đo cơ bản - Sartorial

  5. Được nhắc tới trong: Để không bị "old" khi mặc quần Âu - Sartorial

  6. Được nhắc tới trong: Bắt đầu hành trình “Sartorial” với số tiền bao nhiêu? - Sartorial

  7. Được nhắc tới trong: Học được gì từ Sartorial? - Sartorial

  8. Được nhắc tới trong: Vì sao quần xếp ly ngày càng ít phổ biến? - Sartorial

  9. Được nhắc tới trong: H Tailor - Đến thùa khuyết cũng phải thật chi tiết! - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *