Chiếc jacket không dành cho bạn

May đo đã đành (dù vẫn có rủi ro), nhưng khi chọn lựa jacket may sẵn thì thế nào mới là “vừa vặn”?

Dấu hiệu cơ bản để chỉ ra: món này là của người khác! (Ảnh: Hall Madden)

Dù tự tay mua sắm, hay được tặng những chiếc áo đắt tiền và đáng quý nhưng nếu không vừa vặn, bạn nên “để dành” cho người khác. Dưới đây là một số chi tiết nên lưu ý để kiểm tra xem jacket có vừa với bạn hay không – thậm chí, hãy check lại thêm một lần tủ đồ hiện có của mình!

  • Vai

Đây là điểm đầu tiên chúng ta nên nhìn khi khoác lên một chiếc áo. Dư vai hay thiếu vai đều là không vừa vặn, ngoại trừ một số trường hợp cố ý để vai dư theo yêu cầu của người mặc. Thông thường, áo “vừa vai” mang nghĩa điểm giao giữa phần vai và cánh tay khớp với cánh tay tự nhiên của bạn, không gây kích, không tạo cảm giác chật khi cử động tay vai. Phải nói thêm, cảm giác chật này còn đến từ độ rộng của cửa tay và ống tay áo, đây cũng là điều cần lưu ý và tôi sẽ không tách riêng ra để nhắc tới.

Dư vai và độn vai quá dày sẽ gây cảm giác “già” và cứng, còn thiếu vai thì dẫn đến cảm giác dúm dó, nhăn nhúm cho chiếc áo – cũng một phần đến từ vài điểm mà tôi sẽ tiếp tục ngay dưới đây.

  • Độ dài rộng

Áo chật thì “X”. Nôm na, lỗi X này sẽ xuất hiện khi bạn cài cúc cho chiếc jacket có số đo nhỏ hơn cơ thể như ảnh minh hoạ trên đầu bài, ngay phần cúc cài cảm giác như sắp bị bung ra (vì đã quá chật) và thể hiện bằng thị giác là sự co dúm từ cúc cài lan ra cả hai bên thân áo. Chưa kể, jacket quá chật hoặc quá rộng sẽ còn gây ra hiện tượng Collar gap (nhấc cổ) và Chest gap (nhấc ngực) – cũng liên quan đến độ xuôi vai và kỹ thuật cắt từ người thợ (tôi không phải dân kỹ thuật nên không dám bàn quá nhiều)

Collar Gap – hiện tượng nhấc cổ đầy “xấu xí” (Ảnh: Beckett Simonon)

Và cần nhắc tới chiều dài áo cho cả vạt trước sau. Vạt quá ngắn thì dĩ nhiên là “thiếu size”, còn vạt dài quá mức cũng sẽ gây cảm giác luộm thuộm. Vừa đủ chỉ nên trùm qua mông cho vạt sau, còn vạt trước sẽ dài hơn một chút.

  • Dài tay

Lưu ý tiếp theo đặc biệt khi bạn chọn áo may sẵn là đây. Hiện tượng jacket dài tay so với người Việt là không hiếm (vì thể trạng của dân phương Tây khác với chúng ta), thế nên thà rằng ngay từ đầu đừng mắc phải lỗi khi lựa chọn này, dù là sửa được. Đúng vậy, có những câu hỏi trên cộng đồng của chúng tôi về việc tay áo dài sửa được hay không thì câu trả lời là CÓ ở một số trường hợp, ví dụ cổ tay với khuyết xẻ giả sẽ dễ “cứu” hơn, còn xẻ thật để cài cúc thì chỉ có cách cắt bớt từ cửa tay (phần ráp phía trên với thân áo). Tuy vậy, chi phí cho khoản “cứu cánh” này sẽ cao và rất cao, bạn có sẵn lòng chi trả về chiếc áo mình còn chưa chọn lựa?

Khuyết xẻ giả – nhìn như một đường khâu máy (Ảnh: Alex Bros Jewellers)
  • Các chi tiết và lựa chọn cá nhân

Tôi để điều này cuối cùng nhưng cũng sẽ không kém phần quan trọng. Về các chi tiết, “vừa vặn” không phải chỉ là ở các số đo mà còn ở xu hướng “nhặt nhạnh” của bạn nữa, nôm na là ở bài toán được tặng đồ lại tặng đúng chiếc người nhận không thích, cũng chẳng ổn rồi. Ve áo quá nhỏ so với một thân hình đầy đặn hoặc ngược lại, màu và hoạ tiết, chất liệu vải không phù hợp với tủ đồ hiện có,… đều là những “bài toán khó” cần cân đo đong đếm, tính toán kĩ càng trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Cái này là tôi lưu ý trước, còn đâu là ở bạn mà thôi.

Đó là còn thêm nhiều vụ phát sinh nếu bạn mua đồ đã qua sử dụng như tình trạng chiếc áo còn tốt hay không, hay đến từ thương hiệu uy tín thế nào,… sẽ phát sinh qua quá trình shopping thực tế. Để chơi, để mua sắm cho “vui” thì ít nhiều cần trang bị kiến thức, tránh tiền mất tật mang còn… có sức mà chơi tiếp, đúng không nào?

Chúc bạn luôn thật hài lòng với cuộc chơi trường kỳ này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *