Áo kiểu nào, ve vào kiểu ấy

Thời trang là không giới hạn?

Đúng, tôi công nhận điều đó vì “nó” luôn xoay vần. Nhưng thời trang xoay theo một trục, một bộ quy tắc, mà với những người bảo thủ thì nhiều chuyện muốn chấp nhận à, còn phải xem đã…

Đây là chiếc jacket đến từ bộ suit của Dior – thương hiệu có lẽ tôi với bạn đều chẳng còn lạ lẫm.

Bạn “chấp nhận” được chiếc áo này điểm mấy trên thang 10? Tạm bỏ một bên quan điểm yêu ghét về màu sắc hay những chi tiết đai, túi cách điệu mang tính thời trang, hôm nay tôi chỉ muốn bàn đến một điểm trong những jacket nếu theo đúng tinh thần Âu phục cổ điển, đó là ve áo. Và lỡ đâu đọc hết bài, chiếc áo này lại “giảm điểm” đối với bạn thì sao?

Xét về kiểu dáng trong các loại jacket (áo khoác dáng lửng, thường đủ trùm qua mông) trong Âu phục cổ điển (Classic Menswear), chúng ta thường sẽ nhận biết và phân biệt dựa trên số hàng khuy chạy dọc trên mặt trước của áo, và sẽ có hai loại phổ biến: Single Breasted jacket (SB – jacket một hàng khuy) và Double Breasted jacket (DB – jacket hai hàng khuy)

DB jacket (trái) và SB jacket (phải) (Ảnh: Misiu Academy)

Để tôi mô tả ngắn gọn về hai loại áo này như sau:

Single Breasted jacket (SB jacket):

  • Khuy giao tại điểm giữa cơ thể nếu cài cúc
  • Thường có 1, 2 hoặc 3 khuy (phân biệt với Safari jacket có thể có nhiều hơn), hiện nay phổ biến với hai khuy
  • Có thể dùng với ba kiểu ve là ve K (Notch lapel), ve nhọn (Peak lapel) và ve sam (Shawl lapel); trong đó thường thấy với ve K
  • Độ trang trọng: thấp hơn DB jacket
Nhận diện ba loại ve áo cơ bản (Ảnh: Suits Expert)

Double Breasted jacket (DB jacket):

  • Khuy giao tại hai bên sườn, trong đó vạt phải thường sẽ nằm phía dưới và cài cúc phía trong, vạt trái thường sẽ nằm phía trên và cài cúc bên ngoài
  • Thường có 2, 4, 6 khuy (phân biệt với 6 khuy trở lên nếu thuộc các loại coat – áo khoác dáng dài); số cúc chẵn, đối xứng hai bên thân áo
  • Có thể dùng với hai kiểu ve là ve nhọn và ve sam
  • Độ trang trọng: cao hơn SB jacket

Từ diễn giải trên và nhìn lại “món áo hồng” từ Dior, chiếc DB jacket đó đang SAI nếu tính theo tiêu chuẩn Âu phục cổ điển; nhưng may mắn (hoặc cởi mở hơn trong suy nghĩ) thì hãy coi đó là một món đồ thời trang phá vỡ các quy chuẩn, vậy là xong! Còn với anh em bắt đầu tìm hiểu về phong cách Sartorial cũng như muốn đậm nét tinh thần cổ điển, thì tôi cần lưu ý thêm thế này:

  • Sở dĩ, DB jacket chỉ dùng với 2/3 loại ve áo phổ biến (vâng, xin được nhắc là “phổ biến”, vì tôi cũng không rõ chúng còn thêm biến thể nào hay không) này vì ve Notch được coi là ít trang trọng và chỉ hợp với SB jacket. Tôi cũng chưa tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của quy tắc này, nhưng từ những nguồn thông tin lớn và uy tín như Gentleman’s Gazette, Real Men Real Style hay Kirby Allison thì có thể khẳng định cùng các bạn, thông tin này chính xác.
  • Ve sam (Shawl lapel) dùng với DB jacket, nhưng thường thấy nhất là với DB Dinner Jacket – áo của bộ Tuxedo, nằm trong Black Tie dress code. Nhắc đến dress code này khá nhiều và bản thân tôi cũng vô cùng yêu thích, có lẽ cần biên bài thật sớm thôi; và cũng lưu ý với các bạn rằng mặc DB với ve sam thường ngày sẽ hơi “dị” đó nhé.
  • Về độ rộng ve áo, nên phù hợp với cơ thể là một nhẽ, nhưng dù bạn khá mảnh khảnh cũng không nên để ve áo quá nhỏ. Người chơi Sartorial có “quy định ngầm” là vậy đó, đầu tiên cứ nhìn lapel bé tí tẹo là nhận ra: thường sẽ là hàng may sẵn không được chất lượng cho lắm.

Chuyện áo nào ve nấy, hiểu là cần thiết. Để nếu đã chơi thì cần rõ ràng thế này: một là thời trang toàn tập hẳn đi, bỏ những tư duy truyền thống để nhẹ nhàng hơn; hoặc không sang hai là chơi cho “đúng chuẩn” tránh mắc phải những lỗi cơ bản trong chi tiết. Về với trang phục của Dior, tôi không nhận xét món đồ đó Đúng hay Sai, chỉ là chiếc jacket kia không tuân theo tinh thần cổ điển, vậy thôi.

Nhẹ nhàng nhìn nhận mọi thứ, cuộc sống sẽ “dễ thở” hơn thật nhiều. Chào các bạn!

Bình luận trong “Áo kiểu nào, ve vào kiểu ấy

  1. Được nhắc tới trong: Đọc tên áo hai hàng khuy - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Black Tie - "khó" nhưng đầy hấp dẫn - Sartorial

  3. Được nhắc tới trong: Một số kiểu ve áo cực "nghệ" gần như biến mất khỏi giới Menswear

  4. Được nhắc tới trong: Một chu trình may đo cơ bản - Sartorial

  5. Được nhắc tới trong: "Giải phẫu" cà vạt: Phân biệt từ chi tiết - Sartorial

  6. Được nhắc tới trong: Paddock Suit - ừ thì... cài hết khuy! - Sartorial

  7. Được nhắc tới trong: Runaway Collar: Nhìn thì nhiều nhưng mặc cho “đúng kiểu”!

  8. Được nhắc tới trong: Sửa được gì trên một bộ suit? - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *