Black Tie/ Tuxedo – “Khó” nhưng đầy hấp dẫn

Ngày nay ở Việt Nam, không khó để nhận biết được một người đàn ông sắp trở thành chú rể khi thấy họ diện những bộ Tuxedo cùng cô dâu chụp ảnh cưới. Nhưng cần tìm về nguyên bản, Black Tie, Tuxedo, Dinner Jacket là gì, và chúng ta liệu có đang mặc đúng trang phục này?

Black Tie (và cả White Tie, tôi sẽ nhắc tới ở những kỳ kế tiếp) là hai kiểu trang phục được gọi chung là “trang phục dạ hội”, có truyền thống hàng trăm năm ở những nước nơi xuất xứ của Âu phục. Gọi là “dạ hội” – dĩ nhiên, kiểu trang phục này chỉ mặc vào buổi tối, sau 6:00 chiều theo ý kiến của các chuyên gia về nghi thức phương Tây cho biết. Trích từ Gentleman’s Gazette – một kênh kiến thức uy tín của toàn thế giới về Âu phục cổ điển, thì: “In either case, unless he is working as a waiter, the only excuse for a man to be seen in a tuxedo during the day is if he is traveling to an evening event or attending certain European state functions.” (tạm dịch: Trong cả hai trường hợp (nói tới câu văn trước đó), trừ khi anh ta đang làm bồi bàn, lý do duy nhất để người ta nhìn thấy một người đàn ông trong bộ Tuxedo vào ban ngày là anh ta chuẩn bị dự một sự kiện buổi tối hoặc tham dự một số hoạt động khác, nếu ở các nước châu Âu.)

Diện mạo “đầy đủ” với Black Tie dress code

Đến nay, Black Tie vẫn được coi như dress code trang trọng bậc nhất trong những sự kiện tối, với mức độ trang trọng được tính là semi-formal (xếp sau White Tie – formal dress), thể hiện những yêu cầu khắt khe của các sự kiện yêu cầu, cũng như độ hiểu biết kĩ càng của người tham dự diện tới kiểu trang phục này. Ở cuối đoạn văn trên theo lời dịch từ Gentleman’s Gazette, chúng ta có thể thấy đoạn “bồi bàn mặc Black Tie”; điều này không hề xung đột với độ trang trọng của kiểu trang phục chúng ta đang nhắc tới vì đơn giản, các nhà hàng yêu cầu bồi bàn ăn vận như vậy cũng rất trang trọng rồi. Và sau chiến tranh, những bộ suit công sở được chấp nhận trong những dịp trang trọng cả ngày lẫn đêm, càng phân định rõ ràng cho Black & White Tie là những dress code có mức độ trang trọng khác biệt và nhấn mạnh: Chỉ dùng trong buổi tối.

Ai sẽ mặc tới kiểu trang phục này? Chú rể, đúng, nhưng ngoài ra trở về với tính chất “dạ tiệc”, thì những người trưởng thành đều có thể nghĩ tới Black Tie – nếu sự kiện bạn tham gia có yêu cầu. Từ Encyclopedia of Etiquette, “Theo nguyên tắc chung, con trai không mặc Dinner Jacket (chiếc áo khoác trong Black Tie dress code) trước mười lăm tuổi, hoặc áo đuôi tôm (áo khoác dáng dài trong White Tie dress code) trước tuổi mười tám.” Mặc dù được xuất bản vào năm 1967, nhưng lời khuyên này vẫn hoàn toàn phù hợp vì đây là độ tuổi mà nam thanh niên thay quần áo trẻ trung “đúng tuổi” để mặc lấy trang phục của người trưởng thành trong các buổi lễ trưởng thành phương Tây.

 

Từ đây, cần quay trở lại đầu bài để trả lời ngắn gọn cho câu hỏi:

“Black Tie cụ thể là trang phục thế nào?”

thì xin trả lời: Black Tie là một kiểu trang phục dành cho nam giới, bao gồm bộ Tuxedo truyền thống và các phụ kiện đi kèm: Dinner Jacket màu đen và quần phù hợp, áo gi-lê trang trọng màu đen hoặc Cummerbund đen, áo sơ mi trang trọng (dùng riêng của kiểu trang phục này) màu trắng, nơ đen hoặc cà-vạt dài màu đen (hiếm thấy dùng cà-vạt), tất đen và giày trang trọng màu đen. Với thời tiết nóng bức, có thể thay thế một chiếc Dinner Jacket màu trắng và Cummerbund là trang phục che eo được ưu tiên.

Nếu bạn thấy định nghĩa này còn quá khó hiểu, thì dưới đây là diễn giải (cảnh báo bài viết dài) về các mảnh trang phục và phụ kiện thuộc Black Tie dress code. Hãy cài chắc dây an toàn, và bắt đầu nào!

Ở Black Tie dress code truyền thống:

I/ Dinner Jacket (áo khoác)

1. Màu sắc (fabric):

  • Màu đen là tiêu chuẩn, ngoài ra midnight blue (màu sẫm như màu đen, có ánh xanh) được chấp nhận
  • Các màu sắc khác được phát triển sau đó, được chấp nhận với dress code này ở thời điểm hiện tại

2. Kiểu dáng (model): một hàng khuy (SB jacket) và hai hàng khuy (DB jacket). Với DB jacket, các áp dụng tiêu chuẩn sẽ là 4×1, 4×2 và 2×1 (tham khảo lại bài viết trước đó về đọc tên cho kiểu áo này)

3. Ve áo (lapel): ve nhọn, ve sam (ve K được thấy xuất hiện ở những kiểu áo hiện đại, nhưng không được chấp nhận trong truyền thống)

4. Bề mặt ve áo (lapel facing): phủ satin hoặc grossgain

5. Xẻ tà (vent): không xẻ là loại trang trọng nhất, ngoài ra còn thấy các loại xẻ tà cho jacket nhưng độ trang trọng sẽ không bằng

6. Số lượng khuy áo trước ngực: một khuy theo truyền thống, ngày nay thấy hai khuy

7. Túi sườn (pocket): là túi jetted (không lộ nắp túi)

Single Breasted Dinner Jacket tiêu chuẩn màu đen, phủ ve

II/ Tuxedo trousers (quần Tuxedo)

1. Chất liệu: cùng chất liệu với jacket, có thể là màu đen để mặc cùng Dinner Jacket nhiều màu hoặc cùng màu jacket; có một đường chạy dọc (braid) phủ bên ngoài đường may mặt ngoài mỗi bên ống quần được phủ cùng chất liệu với bề mặt ve áo

2. Lật gấu (cuffs): thường không thấy lật gấu; đôi khi thấy lật gấu tại Anh quốc

Quần trong Black Tie dress code với đường phủ cùng chất liệu bề mặt ve áo (Ảnh: Walters of Oxford)

III/ Vest (waistcoat/ áo gile) hoặc Cummerbund – phụ kiện che phần eo: được sử dụng nếu sử dụng Single Breasted Dinner Jacket, vì jacket hai hàng khuy được đóng cúc không thấy phần eo này

  • Low-cut Evening waistcoat (áo gile tiệc tối) được hạ thấp xuống cho phần ngực để lộ ra studs sử dụng cùng áo sơ mi
  • Cummerbund cùng chất liệu với bề mặt ve áo, khi đeo hướng mặt xếp ly lên trên (theo truyền thống dùng để cài các tấm vé khi dự các buổi giao hưởng tại nhà hát)
Low-cut Evening waistcoat & Cummberbund

IV/ Tuxedo shirt (áo sơ mi Tuxedo)

  • Vải màu trắng, sử dụng cổ bẻ (turndown collar) hoặc cổ wing (wing collar)
  • Phần ngực áo xếp ly hoặc nhám
  • Có các khuyết cài dùng để đính studs thay vì khuy áo thông thường; hoặc sử dụng nẹp giấu khuy (fly front) nếu không dùng studs
  • Dùng khuy măng séc đúp ở cổ tay (French cuff)
Tuxedo shirt với phần xếp ly và cài studs (khuy rời)

V/ Neckwear (phụ kiện phần cổ)

Nơ tự thắt chất liệu tương đồng cùng bề mặt ve áo. Necktie (cà-vạt) màu đen đã thấy được sử dụng, nhưng không đúng với truyền thống.

VI/ Footwear (mang dưới chân)

1. Giày:

  • Giày màu đen, da bóng (patent leather) hoặc được đánh với độ bóng cao
  • Sử dụng Wholecut Oxford (giày Oxford làm từ một mảnh không ghép nối), đôi khi thấy Captoe Oxford không trang trọng bằng – là những lựa chọn thông dụng; phần dây giày sử dụng chất liệu tương đồng với bề mặt ve áo (satin hoặc grossgain)
  • Sử dụng Pumps (giày thẩm phán) – là lựa chọn mang độ trang trọng cao nhất

2. Tất: tất cao cổ màu đen, được khuyến nghị chất liệu lụa

VII/ Phụ kiện khác

  • Cufflinks (khuy cài dùng ở tay áo) và studs (khuy ngực rời) chất liệu, màu sắc tương đồng
  • Suspenders (dây đeo qua vai, dùng để giữ quần) bằng lụa đen hoặc trắng
  • Pocketsquare (khăn túi ngực) chất liệu linen hoặc lụa trắng (tuỳ chọn có hoặc không)
  • Boutonniere (hoa cài ve áo) màu đỏ hoặc trắng (tuỳ chọn có hoặc không)
Cufflinks và studs đồng bộ về kiểu dáng, chất liệu
Các phụ kiện khác: nơ, hoa cài ve áo

Với khí hậu nóng bức như Việt Nam, Black Tie dress code có thể áp dụng jacket màu trắng hoặc trắng ngà, ưu tiên sử dụng các chất liệu vải nhẹ, thoáng mát để phù hợp thời tiết và không sử dụng waistcoat trong trường hợp này. Trên đây là cơ bản các thành phần cấu thành nên một trong những dress code “khó” mà thú vị và trang trọng bậc nhất; chỉn chu hay không, cứ nhìn họ mặc Black Tie xem cẩn thận tới đâu.

Không khó để thấy trong điện ảnh phương Tây, Black Tie và White Tie xuất hiện khá thường xuyên ở các bộ phim với bối cảnh những thập kỷ trước như Titanic (1997), Allied (2016). Một điểm lưu ý, vì đây là kiểu trang phục trang trọng bậc nhất, bạn nên may đo để phù hợp với hình thể cá nhân thay vì đi thuê hoặc sửa lại đồ may sẵn, cho dù ít dịp cần dùng tới nhưng thà mặc đúng còn hơn mặc ẩu, đúng không?

Với tôi, đây là dress code tôi đã tìm hiểu một thời gian, hiện có khá nhiều Dinner Jacket trong tủ đồ để thay đổi. Vì tôi yêu cảm giác được tỉ mỉ chỉnh tề này, lâu dần cũng thành thói quen để đôi khi lại tìm tới chiếc jacket mới. Còn bạn, bạn yêu thích trang phục như thế nào, cùng chia sẻ với Sartorial Vietnam đi thôi!

(Tham khảo, lược dịch từ Gentleman’s Gazette & tác giả Hwang Tuấn Anh)

Bình luận trong “Black Tie/ Tuxedo – “Khó” nhưng đầy hấp dẫn

  1. Được nhắc tới trong: Nhận biết Sơ mi trang trọng và Sơ mi thường ngày - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: "Dress Code" và những nhầm lẫn đáng tiếc - Sartorial

  3. Được nhắc tới trong: Bốn đôi giày da chúng ta nên có - Sartorial

  4. Được nhắc tới trong: Cost Per Wear và những cân nhắc trong khi mua sắm - Sartorial

  5. Được nhắc tới trong: Về Tartan - họ hoạ tiết đồ sộ và phức tạp bậc nhất thế giới! - Sartorial

  6. Được nhắc tới trong: Tôi (đã lại) chọn may đồ cơ bản - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *