Tôi (đã lại) chọn may đồ cơ bản

Nói về hành trình trải nghiệm ăn vận của mỗi cá nhân, theo tôi đều sẽ có đôi phần khác biệt. Sở dĩ ở tiêu đề bài viết này tôi dùng chữ “đã lại” là vì trước đây, không phải là tôi chưa từng may những món đồ “an toàn” (quần đen, xám và jacket trơn màu, thậm chí hai bộ suit may đo hoàn chỉnh đầu tiên cũng là nâu và navy đậm kẻ sọc – thực ra món này xem chừng không phổ biến cho lắm) nhưng sau đó lại là những lựa chọn nổi bật và cá tính hơn như loạt Dinner jacket vải nhung màu cam, hồng hoặc xanh sáng, nên thành thử việc trở về cùng sự cơ bản theo quan điểm của nhiều người, chính ra cũng phải dần “tập tành” trở lại để thành một thói quen.

Thêm chiếc Vespa đồng màu thì bảo sao, cả phố chẳng quay ra nhìn…

Việc ta khoác lên bộ đồ màu sắc thế nào hẳn chẳng phải ngẫu nhiên mà đều hàm chứa nhiều tính toán. Ở bộ suit gần đây nhất của tôi được thực hiện bởi Carlo Pham – nhà may yêu thích mà tôi gửi trọn niềm tin trong khoảng 4 năm gần đây, quyết định được đưa ra có vẻ đã rất phổ biến: bộ navy suit một hàng khuy, hai cúc ve nhọn với túi nắp đơn giản, quần sidetab có lơ-vê không thể phổ thông hơn, tuy vậy vẫn sẽ có ở đây điểm “hay ho” mà chỉ nhìn ảnh dưới thôi là bạn thấy được ngay tức khắc.

Để nói về lý do cho lựa chọn giản đơn này, tôi có thể đơn giản chỉ dùng một từ “Đa Dụng”, ngoài ra sẽ thử diễn giải thêm đôi chút để xem rằng quý bạn có đồng tình. Ý kiến của tôi là như sau:

Đồ cơ bản dễ để “ẩn thân”

Tôi nghĩ cuộc chơi Âu phục cũng sẽ thiên biến vạn hoá trong cách chơi. Có người thì chọn may thật nhiều hãng vải dù chỉ cùng một màu yêu thích và coi đó là niềm vui trong trải nghiệm, còn như tôi (cũng tin rằng đây sẽ là cách mà đa phần anh em lựa chọn) khoái việc may đa dạng màu sắc và hoạ tiết để có được những diện mạo khác nhau, cùng với đó mang thêm nhiều cảm hứng khác lạ trong chuyện mặc. Tuy nhiên, sau những diện mạo có phần nổi bật mà tôi đã trải qua, có đôi lần tôi nhận thấy việc thu hút được ánh nhìn không hẳn đã là điều cần thiết.

Chọn may một màu quá đỗi an toàn như navy giúp tôi thực hiện được mục tiêu “ẩn thân” trong vài trường hợp: ví dụ khi ta chỉ là khách đến tham dự tiệc và không có nhu cầu thể hiện bất cứ điều gì thì hẳn hãy nên an toàn để chủ tiệc có thể “bung lụa” hết mình cùng bất-cứ-màu-nào mà họ yêu thích. Thử nghĩ xem ở một tiệc tối cocktail chỉ đề cập nhẹ nhàng tới việc mặc đồ lịch sự, chủ tiệc diện Black Tie dress code với chiếc áo nhung hồng, ta chỉ lựa đồ navy hoặc xám, chẳng phải là “biết ý” bao nhiêu rồi đúng không nào?

Một sự kiện trang trọng cần đến sự “biết ý” rất nhiều (Ảnh: Mark Witter Photography)

Đồ cơ bản dễ dàng “mặc lại”

Mở rộng thêm chuyện bớt được sự chú ý không cần thiết kể trên, những món đồ với màu sắc cơ bản, trung tính sẽ giúp chúng ta hạn chế được ánh nhìn hơn các trang phục tựa như tấm biển hiệu “Hello, hãy ngắm nghía tôi đi!” rất rất nhiều. Chẳng hạn bạn có một bộ suit… vàng chanh xem sao, liệu rằng bạn (dám) mặc bao nhiêu lần bộ đồ đó, hay kể cả tách lẻ áo quần ra thì xem chừng vẫn… khó! Tôi biết, nhiều “nghệ sĩ” trong và ngoài nước thực sự đã dùng cách hút mắt này trước truyền thông nhưng để ý mà xem, càng khoái trí với sự chú ý thì họ lại càng cần nhiều áo quần để thay đổi chứ chẳng dại mặc đi mặc lại mãi một bộ đồ để được gọi là hà tiện. Còn chúng ta – cứ xác định với nhau rằng chỉ là những người chơi bình thường mà thôi – việc đầu tư cho bộ cánh “vụt sáng” đắt tiền chỉ dùng một hoặc rất ít lần liệu có xứng đáng?

Màu “an toàn” sẽ giúp những người thích an toàn được an toàn. Ta chẳng ngại khi trong tuần đến cả ba, bốn ngày mặc một chiếc quần đen (trừ khi đã quá bẩn và lên mùi khó chịu), kể cả việc khi bạn tách lẻ bộ suit ra thành những mảnh lẻ để pha phối cũng sẽ nhẹ gánh hơn rất nhiều. Color wheel – bánh xe màu sắc tuy đã cũ nhưng muôn đời luôn đúng; nhất là ở những màu khá “dễ” thế này thì ngại gì mà không thử nghiệm đa dạng các cách phối tuỳ theo sở thích của bạn trong từng thời điểm. Già trẻ, vui buồn thể hiện nhiều ngay từ kết hợp quần áo, để ý xem có sai không nhé!

Đồ cơ bản vẫn có cách vui của nó!

Đảo lại phần đầu của bài viết tôi đã nhắc tới ngay, nếu từng là một chú rể may navy suit cho hôn sự trọng đại thì bạn đã nhận ra, bộ đồ của tôi khác biệt ở dãy cúc đồng. Vẫn với cúc trên ngực lớn hơn các cúc tay, và chỉ vậy thôi đã đủ mang tính “chơi” hơn đa phần những bộ đồ cưới của chúng ta. Tôi chọn chi tiết này để làm điểm nhấn cho trang phục, nhưng bạn hãy thử sáng tạo theo lối của riêng mình xem sao. Một màu chỉ thùa khuyết ve hay hình dáng lỗ khuyết khác đi, tăng số lượng đường nét hoặc thêm màu cho đường đột và di bọ chẳng hạn, cũng là trò vui để bạn có thể “tạo nét” cho từng bộ đồ độc bản. Nhưng dù gì cũng nên nhớ rằng, có nhấn nhá cũng nên vừa đủ thôi đấy.


Cần nhắc lại, đã nói tới quan điểm thì không nên phân định đúng sai và tôn trọng góc nhìn của từng cá nhân. Không phải từ nay tôi sẽ chẳng mặc tới bộ cánh nhung cam đã từng (và vẫn) rất yêu thích, cũng không phải tôi cứ lặp đi lặp lại mãi những món đồ “cơ bản” theo cách gọi của nhiều người đến mãi về sau; mà qua thời gian trải nghiệm đủ để thấy được bản thân mình hiện đang cần gì, tôi hiện chọn thêm những màu phổ biến cho tủ đồ của mình và chia sẻ suy nghĩ tới quý bạn thông qua bài viết này.

Nói vậy chứ, hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 4, kết thúc bằng hơn một ngàn từ đầy tâm huyết. Ấy thế mà sang tháng tới thôi, tôi lại có vài “của lạ” để tiếp tục phân tích cùng anh em; vẫn là cái áo cái quần, đôi giày mơi mới với mấy gam đã nhắc tới trong bài đăng nhưng xem chừng lại đầy cảm hứng cho ngày hè, đến cả tôi cũng đang chờ để hoàn thiện thì mời quý vị hãy giữ chắc điện thoại trong tay và thường xuyên theo dõi những cập nhật tiếp theo tại Sartorial Vietnam!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *