Lại bàn về màu sắc…

Cách phối đồ – từ những loại trang phục, họa tiết, màu sắc – đầu tiên là từ sở thích của mỗi người. Cũng từ sở thích cùng trải nghiệm của bản thân, tôi muốn chia sẻ quan điểm cá nhân và hiểu biết về việc kết hợp sắc màu sao cho phù hợp, đồng thời cũng muốn mang lại loạt khái niệm “mới” đối với một số bạn còn e dè, lối chơi đang có phần rập khuôn. Hãy cùng xem, những điều dưới đây có phải là băn khoăn của các bạn hay không!

Nguyên tắc 3 màu?

Tôi nghe một số “chuyên gia” trên các diễn đàn phân tích thế này: bộ trang phục mà bạn mặc không được phép nhiều hơn 3 màu. Thật sự không rõ cơ sở của nguyên tắc này từ đâu, có giống với thiết kế không được quá 3 font chữ như hồi mình được học hay sao, nhưng nếu bạn rập khuôn theo tư duy này thì có phần quá là… nhàm chán. Dạo qua các tạp chí uy tín về thời trang trên thế giới, và qua tài khoản mạng xã hội của các fashion icon thời đại hiện nay, bạn sẽ tự mình thấy được quan điểm phía trên là vô căn cứ. Và vì lý do gì, tôi xin trình bày ở những ý tiếp theo đây.

Thời trang “ít màu” nhưng thật nổi bật? (Ảnh: Harper’s Bazaar)

Bánh xe màu sắc

Bánh xe màu sắc (Color Wheel) phiên bản đầu tiên được phát minh vào năm 1666 bởi Isaac Newton. Ông đã ánh xạ phổ màu lên một vòng tròn, tạo nên một công cụ tham chiếu màu sắc được sử dụng nhiều nhất trong thiết kế. Đây là cơ sở của lý thuyết màu sắc, bởi nó cho thấy mối quan hệ rõ ràng nhất giữa các màu, và cũng là “kim chỉ nam” bất biến trong việc phối kết hợp các nhóm màu trở nên hài hòa hoặc gây ấn tượng có chủ đích.

Color wheel phiên bản “đơn giản” với 12 nhóm màu chủ đạo

Đi sâu vào phân tích, có thể nói “Nguyên tắc 3 màu” kể trên bị cứng nhắc là do họ chưa tìm hiểu về Tint & Shade – những màu nhạt/màu bóng khi pha trắng/đen của 12 màu cơ bản được chia trên Color Wheel, và cũng không biết về “họ màu” gần nhau trên bánh xe này trong việc mix match. Từ đó, chúng ta áp dụng những nguyên lý phối hợp như phối màu đối xứng, liền kề, bổ sung, đơn sắc, trung tính,… để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh; không chỉ dừng lại ở quần áo mà còn là những ấn phẩm thiết kế, phối hợp lớn nhỏ khác áp dụng cho nhà cửa, hội họa,… theo cách bài bản và hợp lý.

Vậy, bao nhiêu là đủ?

Dù việc kết hợp màu như vừa diễn giải là muôn hình vạn trạng, nhưng để áp dụng lên một “phối hợp nhỏ” là bộ trang phục mặc hàng ngày, tôi chọn con số 6 là số màu tối đa cho việc nhặt nhạnh trước giờ đi ra đường.

Với tối đa 3 màu chính cho trang phục, từ đó phát triển thêm những họ màu có liên quan để thành con số không quá lớn mà cũng chẳng quá nhỏ, tôi nghĩ như vậy là vừa vặn. Thử để ý chút xíu mà xem, việc biến bản thân trở thành một chú công quá sặc sỡ sẽ là con dao hai lưỡi nếu bạn chưa nắm rõ được ngữ cảnh và tâm lý của người nhìn. Mặc cho mình vui, ok; nhưng những lần cần “mặc cho người” thì chúng ta lưu ý cẩn thận hơn, bạn nhé!

Và note nhỏ dành cho một số chi tiết Classic Menswear

Tất trùng màu quần để tạo hiệu ứng chân dài hơn: Tôi thấy có những bình luận như vậy, từ kinh nghiệm thực tế xin đính chính lại là chúng ta nên chọn tất GẦN với màu quần hoặc màu giày (vẫn theo tint & shade đã được nhắc tới) để ra được sự kết hợp hiệu quả.

Tie & Pocket Square cùng màu để tạo sự đồng nhất: Vụ này khiến nhiều anh em chọn luôn Tie (cà vạt, nơ) và Pocket Square cùng vải, cùng họa tiết, và điều này là không nên – theo như tư vấn của những “đồng Nghệ” chơi lâu năm. Nhiều trường hợp thấy Tie và khăn túi ngực này chơi hẳn những nhóm màu tương phản với nhau luôn, nói chung vụ này phải xét trên cả bộ trang phục mới tính được.

Sự kết hợp tổng thể: Tôi có xu hướng chọn sơ mi gần màu giày, hoặc Tie gần màu tất và giày, cũng thấy đây là cách mix nhiều anh em ưa dùng. Giờ đã thành bốc đồ không còn tính toán, nhưng nhìn lại vẫn theo xu hướng trước giờ đã quen, có lẽ đã ăn vào tiềm thức nên cứ thế tự động lựa chọn mà thôi.

Một sự kết hợp “hỡi ôi, xin đừng”…

Chính ra theo quan điểm của đại bộ phận, Âu phục cần tạo được sự liền mạch, đồng nhất – đồng ý, nhưng phẳng phiu từ trên xuống dưới thì để xem lại đã. Như Necktie phải “dúm” lại nhờ dimple thanh thoát, đột ve cũng nhăn chút xíu, và như bây giờ là sắc màu cũng sẽ đa dạng hơn chứ chẳng còn bó cứng lại là từ đầu đến chân giống nhau cả (trừ khi bạn vẫn mê đắm với cách phối đơn sắc).

Những nguyên tắc là thứ an toàn để chúng ta học theo khi chưa nắm vững căn bản, còn sự sáng tạo sẽ giúp chúng ta định nghĩa được một bản thân khác biệt đối với số đông còn lại. Hãy chơi có chọn lọc, chơi vui, đúng tinh thần Enjoy the Sartorial Life là ổn cả thôi!

Bình luận trong “Lại bàn về màu sắc…

  1. Được nhắc tới trong: Những lưu ý khi tách lẻ bộ suit - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Tôi (đã lại) chọn may đồ cơ bản - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *