Một chu trình may đo cơ bản

Mùa hè – và thật ra, mùa nào cũng vậy – ta đều cần trang phục chỉn chu phù hợp với nhiều ngữ cảnh của cuộc sống. Những món đồ may đo “thân thiện” với ngày nóng thường sẽ là sơ mi, quần Âu, nhưng nay hãy cùng nhắc tới quá trình “từ vải lên hình” cơ bản của một bộ suit dành cho những ai đang và sẽ tìm hiểu sâu hơn vào Sartorial style – Âu phục cổ điển may đo vừa vặn, theo để ý từ đôi lần quan sát của cá nhân tôi.

1. Trao đổi đi từ nhu cầu thực tế

Bộ suit xấu hay đẹp còn ở thì tương lai, nhưng hiện tại, bạn cần rõ ràng về yêu cầu của mình đã. Suit ngày đông khác suit ngày hè, kiểu “giám đốc” khác cách người chơi phóng khoáng lên đồ, và cũng khác luôn cả bộ cánh cho ngày cưới hoặc chuyên dùng để đi dự sự kiện. Ở mỗi nhà may, đây là một trong những câu hỏi đầu tiên mà chuyên viên tư vấn sẽ hỏi bạn để rành mạch được mục đích, từ đó sẽ tới gợi ý cụ thể hơn sao cho thật phù hợp. Chúng ta sẽ dần quyết định:

  • Vải bề mặt: chất liệu, màu sắc, hoạ tiết và hiệu ứng mặt vải
  • Kiểu dáng, chi tiết trang phục: độ fit và hình thái tổng thể, tiếp đó:

Với áo: chọn SB hay DB jacket, cấu trúc áo, cách ráp vai áo, số lượng khuy áo và điểm đặt khuy, các chi tiết túi, đai, kiểu ve và độ lớn bản ve, màu sắc đường đột chỉ và thùa khuyết, những lựa chọn cho khuy áo, kiểu lót và vải lót áo,…

Với quần: chọn kiểu cạp quần, độ lớn cạp quần và gấu lật, cách xếp ly và số lượng cùng độ lớn xếp ly,…

Đôi khi may đồ mới chỉ vì… ưng mắt một mẫu vải (Ảnh: Sartorial Castle)

2. Lấy số đo, thống nhất quyết định

Bước này sẽ đỡ được khoản phân vân, khi việc của bạn giờ đây chỉ là chốt lại những gì đã lựa chọn. Tiếp đến, hãy đứng thẳng người trước gương và làm theo điều người thợ hướng dẫn để lấy số đo cho cả cơ thể; có thể là đôi lần giơ hạ cánh tay hoặc đứng lên ngồi xuống, xin đừng lấy làm lạ lẫm.

Lấy số đo, vì may đo cần như vậy (Ảnh: Hunar Online Courses)

3. Đặt cọc tiền, chốt lịch thử đồ

Trong kinh doanh, không gì “uy tín” bằng đồng tiền. Dù có quen thân nhau đến mấy, nhà may thường yêu cầu bạn đặt cọc một phần (30-50% giá trị hoá đơn) để lấy thứ “làm tin” khi xác nhận đơn hàng và tiến hành sản xuất. Ở phía người tiêu dùng, bạn nên lưu lại thêm bằng chứng về những sự xác nhận sau các bước bên trên; có thể là ảnh chụp các số đo và chi tiết đã được hai bên cùng thống nhất.

Đặt lịch thử đồ (fitting) cũng là note nhỏ quan trọng. Đồ may đo sẽ khác may sẵn là vậy, để đạt độ vừa vặn (fit) theo số đo của cơ thể khách hàng, thì bạn chớ ngại nếu cần di chuyển thử đồ trước khi hoàn thiện.

4. Thử đồ

Tuỳ theo trao đổi, giá trị bộ đồ và mức độ phức tạp muốn thực hiện, quá trình fitting này sẽ thường từ 1-2 lần ở các nhà may. Lần fitting đầu tiên thường sau khoảng 10 ngày từ khi chốt lịch, áo và quần trong lần này thường giữ nguyên chỉ lược tạm cố định các đường may trông khá lạ mắt. Với jacket, chúng ta cũng thường thấy chỉ có thân áo cùng một bên tay, và sau lần này rồi thì người thợ mới tra tay và hoàn thiện cho bộ đồ.

Lưu ý, dù là “chốt thử” nhưng không phải yêu cầu nào cũng có thể sửa được, thường sẽ là chỉnh sửa về độ fit tổng thể, rộng eo, dài tay. Ngay từ những bước trước đó, việc trao đổi kĩ càng sẽ giúp bạn tránh gợn lòng nếu không theo ý muốn trong ngày fitting.

Một chiếc jacket còn nguyên chỉ lược (Ảnh: McCann Bespoke)

5. Nhận thành phẩm

Sau khoảng 10 ngày tiếp theo từ khi kết thúc fitting, bạn sẽ nhận được thành phẩm cho bộ đồ của mình. Thường sơ mi và quần sẽ được hoàn thiện trước jacket nên bạn có thể tới lấy sớm để kịp cho nhu cầu sử dụng, và khi nhận được đồ cũng nên thử lại thêm lần nữa để có những tinh chỉnh nho nhỏ đạt độ ưng ý cao nhất. Tới đây, bộ đồ đã hoàn thiện và về tới tay chủ nhân (nên nhớ hãy thanh toán phần còn lại cho nhà may đấy nhé).


Vì sao suit may đo đắt tiền?

Thật sự, tôi không giải thích được tỏ tường để thuyết phục mọi người; điều này sẽ phụ thuộc vào độ lớn của thương hiệu, độ đắt đỏ của chất liệu cũng như độ kỳ công – như vừa mô tả sơ lược qua các bước trong bài viết – để tạo nên bộ đồ đậm chất thủ công đúng theo tinh thần Sartorial. Như đã nhắc tới đôi lần ở những bài viết trước đây, một nhà may nên là người bạn của khách hàng để trao đổi được trọn vẹn và thấu hiểu mong muốn, và khách hàng cũng hãy cho nhà may thêm cơ hội nếu bộ suit đầu tiên chưa hoàn toàn “trọn vẹn”.

Và hành trình Sartorial vẫn sẽ còn dài hơi…

Bình luận trong “Một chu trình may đo cơ bản

  1. Được nhắc tới trong: Những điểm cần lưu ý khi may đo - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *