Những điểm cần lưu ý khi may đo

Dạo trước, tôi đã chia sẻ bài viết “Một chu trình may đo cơ bản”, để từ góc độ khách hàng như chúng ta biết được rằng chu trình này sẽ diễn ra thế nào – vì dù gì nắm trước thông tin cũng sẽ tốt hơn. Còn hôm nay, chúng ta hãy cùng đến với những điểm nên lưu ý để quá trình may đo được thuận tiện và tránh những khúc mắc không đáng có.

Tìm hiểu về nhà may

Điều đầu tiên theo tôi đó là tìm hiểu về nhà may. Tôi nghĩ với ai may đo lần đầu cũng vậy, chúng ta có lẽ đều là những người “nhập môn” không quá dư dả về tài chính, kiểu như tản bộ qua một tiệm may thấy ưng mắt nên vào chỉ trỏ và… quẹt thẻ, nghe chừng hành vi này khá cao hứng và không được thông thái cho lắm! Nhất là khi Âu phục với tôi như ngôn ngữ trang phục với mặt bằng giá thành khá cao, thế nên việc tìm hiểu về nhà may trước khi mua sắm có thể coi như là điều hiển nhiên.

Một câu hỏi mà nhiều bạn cũng thường xuyên đặt ra trên kênh cá nhân của tôi: vì lẽ nào mà cùng là những dòng vải như nhau, nhưng có nhà đặt giá hoàn thiện bộ đồ cao gấp đôi các nhà may khác? Theo tôi, mọi sự đều có lý do của nó, để nôm na thì hãy nhắc tới cụm từ “giá trị thương hiệu”.

Tìm hiểu về nhà may, bạn không cần phải cuống cuồng với nghiệp vụ thám tử mà có lẽ chỉ nên xem xét ở vài khía cạnh như sau. Một là, sự thể hiện trên truyền thông của các nhà về hình ảnh, tính cách như thế nào – theo bạn đủ chuyên nghiệp và “thân thiện” để sẵn sàng chi trả và tương xứng với sự chi trả đó không. Thứ hai, chính là những cảm nhận thực tế của khách hàng (thay vì đánh giá có thể làm giả mà thương hiệu giờ đây thường đăng tải trên fanpage); nếu bạn bè xung quanh đã từng trải nghiệm thì thật tuyệt vời, đó chính là ý kiến xác đáng ta có thể tham khảo. Quan trọng nhất là điểm thứ ba: cảm nhận của bạn sau vòng “scan” này ra sao, thấy hình thái bộ đồ cùng tổng thể những điều trên phù hợp với mình hay không, theo tôi bạn sẽ dần đưa ra quyết định thật sự phù hợp.

Xác định khả năng cùng nhu cầu của bản thân

Tiếp theo đây, chúng ta cũng cần phải thành thật với nhau về điểm hai này. Đó là bạn cần xác định được một khoảng chi phí sẵn sàng chi ra cho bộ đồ, đồng thời nên chủ động hình dung theo nhu cầu cho trang phục bạn muốn có.

Ví dụ thế này hơi xa, nhưng thử tưởng tượng tới một trong những quyết định lớn của đời người là mua nhà hoặc mua xe. Trong tài khoản cùng các nguồn có thể huy động của bạn chỉ với con số A là ngân sách, nhưng lại cố gắng tham khảo lựa chọn chạm tới số tiền B cao gấp nhiều lần – thì với tôi đây là hành động thừa thãi vì vừa tốn thời gian, vừa gây nhụt chí cho những thực bạn chưa (hoặc không) thực sự cần tới và không hề phù hợp.

Trở về câu chuyện may đo cũng vậy, tôi đã gặp một số trường hợp đến nhà may cũng chỉ biết cười trừ. Đại khái là có cặp vợ chồng tới may gấp cho bộ đồ cưới, kết phiên tư vấn họ cọc trước nửa tiền để thực hiện quá trình cắt may; nhưng đến ngày đồ thử đã được dựng nên, vì lý do nào đó của cá nhân mà chú rể hỏi rằng có thể đổi xuống với vải thấp hơn kha khá tiền không. Đồ thì đã lên để chờ hoàn thiện mà giờ phải làm lại từ đầu, thì những phí tổn này ai sẽ là người phải chịu?

Thế nên để thấy, bạn cần chủ động xác định và thành thật về chi phí sẵn sàng chi trả, không thể ép mình cho những thứ vượt khỏi tính toán, cũng như hiểu được bản thân cần trang phục thế nào, dùng vào dịp gì. Khách hàng tới với cửa tiệm khi chưa hề có khái niệm về bộ đồ muốn may, thì quá trình tư vấn sẽ ngốn của bạn rất nhiều thời gian, thậm chí bạn sẽ ra về tay trắng nếu còn muốn tham khảo ở nhiều nơi khác cũng như vẫn mơ hồ sau quá trình tư vấn. Ít nhất, hãy cho người bạn đang trò chuyện cùng hiểu về nhu cầu: bạn muốn mặc đi làm, cho đám cưới, hay đơn giản là trang phục không quá trang trọng để diện lên hàng ngày; với những nhu cầu càng cụ thể, bạn sẽ nhận được đáp án càng “chính xác”.

Chú ý quá trình tư vấn

Đến với nhà may, tự hiểu bản thân là một chuyện, nhưng hãy còn xem chuyện nhà may hiểu mình như thế nào. Nhiều tư vấn viên trẻ thật sự chưa ổn về cung cách làm việc bao gồm chuyên môn và cách giao tiếp, có cảm giác bạn như một người đang mặc lên bộ đồ thuộc phong cách này rồi ngồi tại nhà may, chứ chưa phải một người nghiêm túc coi đây là làm việc và đang gặp gỡ khách hàng. Tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này để tránh việc “phân biệt tuổi tác”, nhưng thái độ và kiến thức từ đầu người bán là rất quan trọng khi ảnh hưởng tới quyết định mua hàng nơi người mua.

Bạn là người mới tới cần tư vấn khi hiện đang mường tượng được nhu cầu cơ bản, ấy vậy mà người bán bảo vải nào cũng đẹp, cũng hay, cũng hợp, thì… cần tư vấn làm cái nỗi gì cơ chứ. Theo tôi, tư vấn cho người thuộc độ tuổi 20 mong muốn mặc đồ cổ điển mà vẫn trẻ trung sẽ khác xa với việc tâm tình với các chú, các bác lớn tuổi; chí ít cũng nên phân tích màu sắc, kiểu dáng này hợp với phong thái muốn hướng tới thế nào, có kị với da khách hàng hay không, tính chất vải khác gì với những bunch khác giá,… Nhất là khi ở đây, phía khách hàng mới chỉ nhìn thấy một mảnh vải to ngang ngửa với bàn tay đôi chút, việc hình dung lên cả bộ đồ là một điều hết sức khó khăn.

Nếu cảm thấy sự tư vấn không chạm đến điểm khiến bạn hài lòng, hãy đặt câu hỏi để phản hồi ngay lập tức. Và sau nhiều giờ phút kiên nhẫn mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết, theo tôi, bạn có thể đứng dậy ra về mà không cần cảm thấy áy náy – nếu quá trình tư vấn này đã làm bạn quá phiền lòng.

Nhắc lại, kiến thức là điều mà cả người bán lẫn người mua cần luôn trau dồi vì luôn cần thiết.

Cân nhắc trong quá trình hoàn thiện

Vậy là sau những bước trên ổn thoả, bạn đã bắt đầu xuống tiền để thực hiện may một bộ đồ. Thời gian đợi tới ngày fitting lần đầu thường khoảng 3 tuần, vậy nên trong giai đoạn này, hãy tiếp tục theo dõi xem liệu nhà may có đang chăm sóc đơn hàng đủ tốt hay không.

Một ví dụ của cá nhân tôi, tôi thường mất đi rất nhiều thiện cảm với các lịch hẹn bị trễ mà không hề thông báo. Bạn được hẹn sau 3 tuần tới fitting, ghi hẳn trong giấy nhắc, rồi tới đúng ngày tới cửa tiệm mới báo lại rằng chưa có đồ và lại ra về; cũng không hề gọi điện báo lại để tránh công di chuyển của khách hàng. Tôi biết, không có nhiều khách hàng thảnh thơi như người chơi “đồ em bao giờ cũng được” mà luôn cần bộ suit cho ngày trọng đại, thế nên lịch trình cần được tôn trọng tuyệt đối; việc trễ hẹn vừa tốn công, vừa gây bực mình, vừa lỡ việc không chỉ của một con người.

Kế đến ở lần fitting, hãy phản hồi lại những điểm chưa hợp lý và cẩn thận hỏi nhà may xem bộ đồ có thể chỉnh sửa gì về sau này. Thường các nhà đều để một biên độ điều chỉnh khi khách hàng tăng hoặc giảm cân, hoặc khi tình trạng vải có vấn đề sẽ xử lý để khách hàng không rơi vào trạng thái “hoảng loạn” – tuy nhiên từ chính điểm nhỏ thế này hãy thống nhất đôi bên thật cẩn thận ngay từ ngày đầu làm việc, nếu cảm thấy “hợp đồng miệng” không đủ giá trị thì hãy chốt chi tiết qua văn bản, tránh việc cãi cự không đáng có khi xảy ra sự cố.

Nên nhớ, bạn đang trả trước 50% số tiền cho bộ đồ này, có quyền yêu cầu những gì mà nhà may phải làm theo trách nhiệm. Trường hợp xấu nhất, đừng thanh toán số tiền còn lại và nhanh chóng đưa thương hiệu vào danh sách điểm không-bao-giờ quay lại trong tương lai.

Cảm nhận cuối cùng của bạn

Đã trải qua 4 điểm cần lưu ý với không ít ngày chờ đợi, hôm nay là ngày nhận thành phẩm của bạn. Tuy nhiên, nếu như mặc trang phục đang may đo cho chính bạn mà cảm thấy rằng không ổn, thì cần phải xem lại tay nghề của nhà may, nhất là khi đã thống nhất với nhau từ đầu những điều mà ở trên tôi đã nhắc tới. Chẳng hạn như áo thiếu (hoặc thừa quá nhiều) phần vai, dài tay, chật eo chẳng hạn, thì chuyện bạn tốn thời gian và tốn tiền chờ một bộ đồ còn tệ hơn cả may sẵn hẳn là cực kỳ ngu ngốc. Không phải phần nào làm sai cũng sửa lại được – như tôi đã nói phía trên, nếu quá tệ, bạn hãy xử lý theo cách mà bản thân thấy rằng cần thiết.


Bài viết này đưa lên không phải với mục đích “soi xét” các nhà may, mà dành cho các độc giả của Sartorial Vietnam để ý hơn để hành trình may đo được diễn ra suôn sẻ. Hẳn các bạn đều biết, đây là một phong cách “khó” đối với đại chúng, nhiều người còn coi Âu phục cổ điển như phong cách cuối cùng mà họ sẽ trải nghiệm vì giá thành, độ tỉ mỉ, quy tắc của cuộc chơi; thế nên một hành trình thuận lợi cần đến rất nhiều trải nghiệm “bớt đau thương” cho con người còn sức mà bước tiếp.

Năm mới, chúc tất cả mọi người thật nhiều sức khoẻ, vạn sự như ý và “Enjoy the Sartorial Life!” với những chia sẻ xương máu từ cá nhân tôi – Khánh Sartorial!

(Ảnh: sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *