Giày da – Muốn “già” thì chọn có dây!

Cùng ý đồ chơi chữ (mà có vẻ cũng rất ít người hiểu được) thì đùa mà thật, nhìn chung các kiểu giày da cổ điển cần buộc dây sẽ “dừ” hơn so với “giày lười” – nếu tính về giày Tây.

Sau các định nghĩa trên Internet về các kiểu dáng giày Tây cổ điển (dress shoes) thì với tôi, giày Tây được chia làm các kiểu dưới đây:

  • Oxford
  • Derby & Blucher
  • Loafer
  • Monk Strap
  • Boots

Còn đâu, một số thuật ngữ bạn có thể đã nghe qua như “brogue”, “wingtip”,… để chỉ hoạ tiết, hay “spectators” để chỉ sự phối hợp trong chất liệu; hoặc “Blake”, “Goodyear” chỉ cấu trúc của đôi giày – chứ không dùng để chỉ kiểu dáng mà đôi giày vốn thuộc về. Ở bài viết này, chúng ta chỉ tập trung vào chủ đề chính: giày có dây và không dây – độ trang trọng sẽ khác nhau như thế nào.

Oxford & Derby – khác biệt nhỏ vẫn đến sự nhầm lẫn “kinh điển” (Ảnh: Your Next Shoes)

Về cơ bản, các kiểu dáng giày có dây (Oxford, Derby) sẽ trang trọng hơn (hoặc “già” hơn đối với nhiều người) so với các kiểu giày không dây (Loafer, Monk Strap & các loại Boots). Ở đây, tôi đang “chừa” ra kiểu dáng có lẽ cần nhắc tới riêng là những đôi Pumps với độ trang trọng thuộc loại bậc nhất, hoặc kể ra có thêm cả Velvet và Patent Loafer với tính “nghiêm túc” còn hơn cả những đôi Oxford chúng ta thường thấy, mà sẽ cần nhắc tới trong một số bài viết riêng về Black Tie & White Tie dress code – những kiểu trang phục có độ formal cao cấp đối với tiệc tối. Trở lại với đề bài, OxfordDerby có thể các bạn đã nhìn, đã nghe qua nhiều lần và ngay phía trên cũng đã có hình minh hoạ, thì để tôi điểm lại thêm những kiểu giày còn lại trong năm gạch đầu dòng phía trên kia:

  • Loafer: đối với người Việt chúng ta thường sẽ gọi là “giày lười”, vì đây là những đôi giày cổ thấp (dưới mắt cá chân) không dây, cũng không có đóng – mở bằng khoá như Monk Strap; thao tác cởi và mang cũng chỉ là xỏ tháo rất nhanh chóng và đơn giản. Bản thân tôi cũng không chắc đã biết được hết những phân nhánh của họ Loafers này, chỉ thấy là phổ biến nhất chúng ta có Penny Loafer (với phần “mặt nạ” chứa những đồng xu), Tassel Loafer (nhận biết bằng “tua rua” phía trước), Horsebit Loafer (với chi tiết kim loại trên phần vamp, được nhà Gucci đẩy thành “trend” đã từ khá lâu) hay Butterfly Loafer (mà phần mặt nạ đan thành hình cánh bướm),… Đó, chơi quanh mấy kiểu như vậy đã đủ làm chúng ta “chóng mặt” mất rồi.

Cũng cần phân biệt nhóm “giày lười” Loafer này với các loại Moccasin – item gần như rất “kị” với người chơi Sartorial bởi theo ý kiến của nhiều anh em, món này… không được thanh lịch cho lắm; hoặc với giày slip-on (không có đường khâu trên da mũ như Moccasin và thường trông giống với những đôi Oxford hoặc Derby hơn – chỉ khác là có thêm phần chun cho xỏ tháo, chứ không phải cần buộc dây)

Penny Loafer – đôi giày không còn xa lạ với dân văn phòng Việt Nam (Ảnh: Bodileys)
  • Monk Strap: tôi tóm gọn lại và với đúng như tên gọi, nguồn gốc của kiểu giày được phần đông tin rằng đến từ đôi dép có khoá của những thầy tu thời xưa, và dần dà được phát triển thành đôi giày thời nay chúng ta vẫn thấy. Thường được biết tới là những đôi giày cổ thấp với một hoặc hai khoá kim loại nằm bên sườn (hoặc nhiều khoá hơn thấy được ở các đôi bốt – nhưng là thuộc nhóm Boots mất rồi) với cách đi đúng ra là cần cài – mở khoá, Monk Strap mang lại sự tươi trẻ hơn so với những đôi giày có dây, và những đôi “thầy tu” này cùng Loafers có thể dễ dàng kết hợp cùng các trang phục mang tính chất thường ngày và dress down ở mọi lúc, với chinos, jeans hay thậm chí cả với quần shorts cũng rất thoải mái.

Tôi thì thấy đôi Single Monk Strap sẽ “điệu đà” hơn đôi Double khá nhiều, anh em nghĩ sao?

Double Monk Strap tới từ Carmina Shoemaker – một nhà giày nổi tiếng thế giới (Ảnh: Carmina Shoemaker)
  • Boots: hay chính là những đôi bốt trong tiếng Việt, được định nghĩa là giày da cổ trung & cao cổ (che từ mắt cá chân trở lên) cũng có nhiều phân nhánh nhỏ, điển hình là Chelsea Boots (không phải độc quyền của đội bóng Chelsea đâu nhé, các fan bóng đá), Chukka Boots, Jodhpur Boots, Balmoral Boots,… Bản thân cũng chỉ có 2 đôi Chelsea Boots trong tủ đồ (và giờ không còn sử dụng nữa), nên tôi cũng không đi sâu vào “thế yếu” này của mình, chỉ điểm lại mà thôi.
Ban nhạc huyền thoại The Beatles với một biến thể của Chelsea Boots (Ảnh: The Rake)

Từ đây, nếu đã quan sát một thời gian, bạn sẽ có một vài băn khoăn, như thể: “giày lười” được trang trí khoá thì là Loafer hay Monk Strap? Câu trả lời cũng giống với ví dụ tôi đã lấy ở trên, một đôi giày sẽ được định danh qua kiểu dáng nguyên bản cùng cách sử dụng nó; ví dụ với câu hỏi này thì đây là một đôi slip-on được trang trí như Monk Strap, hay những đôi bốt có khoá bên sườn thì vẫn sẽ là bốt mà thôi.

Thế giới giày da cổ điển vẫn còn bao la, và chúng ta sẽ cùng dần dần khám phá. See ya!

Bình luận trong “Giày da – Muốn “già” thì chọn có dây!

  1. Được nhắc tới trong: Buckshot Brogue - Giày "hoa cải" Anh Quốc - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Kể Giày qua thơ - Sartorial

  3. Được nhắc tới trong: Monkstrap thật sự lép vế về mặt hình ảnh đại chúng trong thế giới giày Tây? - Sartorial

  4. Được nhắc tới trong: Thế nào là một đôi giày Tây vừa vặn? - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *