Thế nào là một đôi giày Tây vừa vặn?

Thật sự, đây không phải là câu hỏi dễ để trả lời. Ở bài viết này, tôi sẽ đưa ra một số cảm nhận về sự “vừa vặn” cần có ở những đôi giày Tây – dress shoes – để tạo nên cái nhìn “sạch” cho tổng thể trang phục cũng như đem lại cảm giác lên chân phù hợp nhất.

Ảnh: MR PORTER

Xin lưu ý, tôi không phải là một “chuyên gia” về giày da cổ điển; nhưng qua nhiều năm trải nghiệm cùng nhiều mẫu mã, tôi sẽ để lại ý kiến cá nhân để bạn có thể tham khảo. Cùng bắt đầu ngay thôi!

Last giày và sự phù hợp với từng bàn chân

Trước hết, ta cần lưu ý một chút tới thuật ngữ “last giày”. Hiểu theo cách đơn giản, last có thể được gọi là phần khuôn mô phỏng theo hình dạng của bàn chân, coi như phần “lõi” để bắt đầu ép, gò những mảnh da lên trên đó tạo thành đôi giày. Với giày da, chúng ta thường thấy các last này được làm bằng khuôn gỗ, và từng shoemaker – nhà giày sản xuất thì phần last này không cố định ở chỉ duy nhất một mà sẽ là rất nhiều biến thiên. Ví dụ cùng một chiều dài bàn chân, có những last sẽ được tạo ra dành cho bàn chân bè chiều ngang lớn hoặc chân thon với bề ngang này thu lại; hoặc số đo chu vi ở phần mu bàn chân cũng sẽ khác nhau trên mỗi vị khách tới tìm giày da sao cho ưng ý.

Ảnh: Behance.com

Dĩ nhiên việc tùy biến từng thông số nhỏ nhất này cho đôi giày trên chân, sự vừa vặn – không thừa, chẳng thiếu sẽ càng được tăng tiến và có thể nói sẽ gần như chạm tới mức hoàn hảo nếu nhà giày sẵn sàng đúc riêng cho bạn một last dựa trên chính bàn chân – đúng nghĩa “đo ni đóng giày” như chúng ta vẫn luôn mong tới. Tuy nhiên không phải shoemaker nào hiện tại cũng sẵn sàng thực hiện điều này khi mà sản xuất thương mại thường nhắm tới số đông (và nếu có thì chi phí cũng sẽ lên cao khiến bạn phải suy nghĩ lại), thế nên việc phân định nhiều last riêng biệt sẽ là điểm cộng để khách hàng có thể cân đối xem thế nào là “hợp last” nhất.

Ảnh: Loake

Đó, “hợp last”, nghe tới cụm từ này thì sự “hợp” sẽ khiến bàn chân của bạn được thoải mái và tạo nên những đường nhăn vừa đủ, còn khi không thì đôi giày sẽ gây bức bối và tạo nên các nếp nhăn… chẳng theo quy luật nào cả. Cũng cần hiểu rằng, trong quá trình sử dụng, da giày ít nhiều sẽ có sự bai dão (còn gọi là break in), và chọn được last hợp thì chưa hẳn… nhà giày đã làm với thiết kế ta đang quan tâm, vậy nên sự vừa vặn hoàn hảo ngay từ ban đầu lại càng khó hơn để trả lời, có chăng chỉ dừng ở cảm nhận an toàn khi đưa chân thử. Với giày đóng sẵn và chấp nhận “du di” để lấy giày hợp ví và không cần chờ đợi, ngoài vừa dài chân và phần mu không cấn cộm, tôi sẽ còn thêm một số tiêu chí nhanh để lựa chọn như sau.

Khi chọn giày buộc dây thấp cổ – Oxford & Derby

Điều đầu tiên sau khi xỏ thử giày và cột dây, tôi sẽ để ý xem tình trạng phần lacing (phần buộc dây) lúc đó sẽ là như thế nào. Ở giày buộc dây, phần lacing này đóng lại hoàn toàn, điểm thắt nút khiến hai phần cạnh buộc dây được đóng kín lại thì có khả năng rằng đôi giày sẽ bị rộng sau break in; và ngược lại thì giày sẽ chật khi hai cạnh buộc dây bị mở ra với góc độ quá lớn – đồng thời ta có thể cảm nhận được rằng mu bàn chân đang “kêu cứu”. Với tôi, phần lacing mở ra với góc từ 10-15 độ sẽ là an toàn, sau break in cũng sẽ không thừa thãi và dù gì, chúng ta vẫn còn có dây để giữ khi đôi chân di chuyển.

Ảnh: Ties.com

Tiếp tới, khi đứng và ngồi bàn chân chúng ta cũng sẽ ở hai trạng thái khác nhau. Vừa rồi khi cột dây ta đang ngồi xuống, nên rằng giờ bạn hãy đứng lên, di chuyển một vài bước nhẹ nhàng xem sao. Phần thịt của bàn chân hiện giờ được dồn qua hai bên tạo nên cảm giác thật chân nhất, nếu thấy rằng không ổn, hãy thử lại với một last khác có thiết kế mà bạn thấy hợp lý.

Khi chọn giày không dây – Loafer, Monkstrap, Lazyman

Tôi lại khá dễ tính với các họ giày “lười và nửa lười” này. Vẫn với các tiêu chí vừa dài chân và phần mu không cấn cộm, nửa sau tính theo chiều dài đôi giày sẽ là thành phần mà tôi để ý đến. Có thể hiểu rằng khi bạn bước đi, vì không có dây giày cố định, tôi có quan sát rằng những đôi giày không dây này sẽ thường bị bành ra hai bên ở nửa sau và nhìn lại thử xem, với thời gian sử dụng khoảng 4 tiếng cho mỗi lần đi thôi thì nhìn giày của bạn không khác gì… củ cà tím là mấy với hình dáng nở ra trông thấy. Tôi quan tâm tới các last ôm gọn ở phần eo và cần nói rằng chân tôi thuộc cỡ 41-42 tuỳ last, tức là thường giày cột dây ở size 42 (đẹp nhất theo cảm nhận là 41,5) còn không dây trở về 41. Vì sau break in, khi chọn cỡ giày không dây nhỏ hơn một nửa so với Oxford và Derby, tôi thấy rằng tình trạng mất dáng ở nửa sau sẽ được hạn chế; và chẳng phải tự nhiên các nhà giày cũng khuyên rằng bạn có thể lùi 1 size khi chọn Loafer có lẽ cũng vì lý do này. Vì là giày đóng sẵn sản xuất theo dây số lượng lớn nên xem chừng sản xuất size lẻ như 41,5 gần như là hãn hữu, thế nên tôi về 41 là vì như vậy đấy.

Ảnh: Pinterest

Đừng quên rằng shoe trees đóng vai trò quan trọng

Đi vừa ở vài lần đầu là một lẽ, nhưng để vừa vặn lâu dài mới là điều quan trọng. Nhưng cặp shoe trees (cây giữ form giày) ngoài việc chống ẩm khử mùi thì cần nhắc về công dụng chính là phục hồi và giữ được form giày; việc đóng thành từng cặp shoe trees theo last dĩ nhiên là tuyệt vời rồi, còn không ta hãy trang bị một vài cặp đóng sẵn để luân phiên “hồi giày” cho những đôi thường dùng tới. Da mũi bớt nhăn, form dáng bớt bành ra, kết hợp với đó việc dưỡng cho đôi giày thường xuyên cũng hỗ trợ để phần da giày “ngoan ngoãn” như ý muốn.

Ảnh: saphir.com

Kết lại, với một người trải nghiệm không-phải-chuyên-gia như tôi, nhiêu đây là những điểm cần lưu ý khi lựa chọn để có được cho mình đôi giày vừa vặn. Để những đôi giày thuộc phong cách bền vững này cũng sẽ “bền vững” trong quá trình sử dụng của bạn, hãy để ý ngay từ lựa chọn ban đầu và lắng nghe chính từ cảm nhận của mình cho nhiều lựa chọn tiếp theo ngày càng phù hợp hơn.

Chúc bạn thật vui và có được tủ giày đầy cảm hứng!

Ảnh: Real Men Real Style

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *