Thắt cà-vạt, làm ơn nhìn vào củ ấu!

Đây không phải một món phụ kiện “sành điệu”, vậy nên làm ơn, mang cà-vạt cho đúng nguyên tắc!

Như đã nhắc tới tại kỳ trước, cà-vạt (hay necktie) là một món phụ kiện không còn lạ lẫm với đàn ông Việt Nam, đặc biệt là với những người chơi ở các cấp độ trong phong cách Sartorial. Nhưng chờ một chút nào, thỉnh thoảng bạn vẫn sẽ thấy hình ảnh kiểu kiểu như vậy, phải không?

Necktie với củ ấu rơi lơ lửng hoặc “dồn một cục” to bự chẳng thì với chúng tôi, thà cất gọn cà-vạt trong tủ còn hơn. Dù không thể bắt ép các bạn cùng có tư duy như tôi nhưng hãy quan sát với những người chơi-đúng-nghĩa trên toàn thế giới, thắt necktie để “nghệ” với Sartorial style sẽ có một số yêu cầu như sau:

  • Củ ấu (knot) và bản cà-vạt phù hợp với hình thể. Đừng nên chọn knot quá to nếu bạn có dáng người mảnh khảnh, và ngược lại, một củ ấu nhỏ xíu cũng không hợp với những anh chàng bệ vệ một chút nào. Với tôi, các cách thắt tạo knot đủ an toàn vẫn (và luôn) là Four in Hand (với necktie tạo knot dày dặn), Prince Albert và Victoria nếu chất liệu vải đủ mảnh cùng lining không quá chiếm diện tích.
  • Tiếp đây, tôi không khoái những củ ấu quá vuông vức. Điển hình như Half Windsor và Full Windsor, cá nhân tôi thấy có phần “chính uỷ” quá, không được thanh thoát như tinh thần người chơi hướng tới. Và những knot đặc biệt như Trinity thì tôi cũng tự giác… tránh xa!
Như Trinity knot, tôi cho rằng đó là sự thể hiện không cần thiết! (Ảnh: wikihow)
  • Nhắc tới từ “làm ơn” tôi có nêu phần đề bài thì không quá đâu, khi tôi nói đến những củ ấu treo lửng lơ! Đã chọn necktie làm phụ kiện thì mong bạn hãy chơi một cách chỉn chu, củ ấu sát nơi chân cổ, chứ cứ hững hờ kiểu vậy thật chẳng nghiêm túc tẹo nào. Đó là tôi thấy vậy, và cũng không ngại nêu ý kiến bản thân là vậy đó.
  • Cà-vạt nên có dimple! Chân lý này luôn đúng, vì dimple là một (hoặc một số) các “khe” nhỏ được tạo ra trong lúc thắt, tạo được sự thanh thoát và bớt phần “chính uỷ” như tôi đã nhắc tới phía trên. Không phải cứ thắt được thật mịn, thật “êm” là sẽ “nghệ” đâu nhé.
  • Và chiều dài necktie sau thắt đến đâu, hai bản (blade) lớn nhỏ sẽ chênh nhau thế nào – đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Tôi cho rằng thắt hoàn thiện mà bản lớn đủ chạm cạp quần, còn bản nhỏ có thể ngắn hơn hoặc bằng chút (tuyệt, thật là đỡ vướng) hay lỡ cài quá cạp quần thì vẫn còn cách giấu bớt, đừng lo.
  • Loop keeper (phần được may mặt sau vạt lớn, dùng để cài vạt nhỏ khi thắt) cần dùng hay không? Tôi (và nhiều người bạn) cũng không cần tới đâu, cứ để necktie “bay bay” trông cũng hay đấy chứ.
“Giải phẫu” necktie (Ảnh: ties.com)

Dù đã có ảnh minh hoạ bên trên về cấu tạo của một chiếc cà-vạt, nhưng tôi nghĩ mình nên dành thêm một bài viết giải nghĩa về cấu trúc này. Và không thể quên được, cách làm thế nào tạo những củ ấu tôi đã nhắc tới, thêm cả dimple – những chiếc “khe” đầy duyên dáng, rồi xu hướng lựa chọn sắc màu của cá nhân cùng với “yêu cầu” về cổ áo để tạo được diện mạo hoàn chỉnh nhất cũng không hề thừa khi để ý tới từng chi tiết nhỏ nếu nói về Sartorial. Nhưng, phải hẹn các bạn đợt sau rồi, không là đưa vào hết một bài thì đọc – viết đều cùng vất vả lắm. Hẹn gặp lại anh em!

Bình luận trong “Thắt cà-vạt, làm ơn nhìn vào củ ấu!

  1. Được nhắc tới trong: Cần làm gì khi mua jacket may sẵn?

  2. Được nhắc tới trong: Necktie (cà-vạt) nên dài tới đâu? - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *