Bắt đầu hành trình “Sartorial” với số tiền bao nhiêu?

Ở trường hợp của chính bản thân, tôi đưa câu trả lời lên luôn đầu bài: chỉ một vài trăm ngàn đồng cho một quần và một sơ mi may đo tại thời điểm vài năm trước. Nhưng kể cả nhiều năm trước đi nữa, mức giá sàn cho 2 món đồ trên cũng đã phải gấp đôi, vậy liệu ông này có đang… ba hoa thiếu cơ sở?
Không đâu. Chi phí bỏ ra hợp lý như vậy là nhờ tôi áp dụng công thức K.H.A.N.H. – công thức “tự bịa” trong nhiều năm trước nữa, với những kinh nghiệm đã đúc rút từ rất nhiều thời gian lại như sau.


“K” – Knowledge – Kiến thức

Bất cứ chơi theo thú nào, thể loại nào, muốn “win” được thì phần lớn là từ kiến thức. Pay to Win (P2W) chỉ giúp đi đến cái đích “chiến thắng” ngắn hơn so với Free to Play (F2P) nếu bạn xác định đây sẽ là con đường lâu dài mình chọn. Và ở bộ môn Classic Menswear, Sartorial này cũng vậy.
Tôi mất khá nhiều công sức ở thời điểm đầu tiên, khi mà các nhà may, nhà giày Việt Nam còn chưa truyền thông mạnh mẽ trên các mạng xã hội. Cũng may ở thời điểm đó, thế hệ đầu 9x đạt đúng thiên thời – địa lợi là học hành cũng đã dần ổn định trên ghế giảng đường đại học, có thời gian dành cho tìm hiểu những thứ mà mình cảm thấy tiềm năng “lên cấp” khá cao, sẽ định vị được bản thân trong tương lai.
Về định nghĩa, “Sartorial” dùng để chỉ những món đồ mang tính chất may đo, tạo nên vẻ đẹp trong ăn mặc nhờ sự phù hợp, và là thuật ngữ thường dùng trong phong cách thời trang cổ điển. Và sâu hơn cho từng cái áo cái quần, đôi giày đôi tất thì bạn cần học rất nhiều, qua việc đọc, nghe, trao đổi thông tin trên những kiến thức nguồn uy tín được công nhận. Có như thế, bạn sẽ dần hiểu được mình muốn gì và hiện thực hóa chúng, thành những thứ khoác lên người theo đúng ý đồ đã tưởng tượng.

“H” – Honesty – Sự trung thực

– Thu nhập của mình hiện tại là bao nhiêu, và sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho món đồ này?
– Liệu việc mua sắm này có quá khả năng của mình, ảnh hưởng đến cuộc sống trong 1, 3, 6 tháng nữa?
– Người khác sẽ nghĩ gì nếu mình mặc một bộ đồ đắt tiền hơn thay vì mặc một bộ rẻ tiền như thường lệ?
– Mình có thực sự cần thiết phải chi ra từng ấy tiền để tỏ vẻ trước mặt người khác không?
Với chữ “H” đầu tiên này, tôi muốn đề cập đến sự trung thực cho chính bản thân và cho những người khác. Ở đỉnh tháp Maslow, ai cũng muốn được công nhận, và đa phần người ta phải cố “gồng” để nhận được sự công nhận đó.
Từ những thứ hào nhoáng vượt quá tầm chỉ để thêm like cho ảnh tối nay đăng, dẫn tới khất lần ông nhà giày mình đã lấy thêm một đôi, mà gần chục ngày nữa mới trả được hết tiền giày… lần trước mới đặt, tất cả là kết quả (hoặc hậu quả) do hành động trước đó của bạn. Hãy suy nghĩ cẩn thận và chấp nhận những gì mình sẽ làm. Có chơi, có chịu, đừng tiếc nuối; còn lăn tăn thì… thôi, tạm dừng một chút đã. Hiểu và trung thực để có một cuộc chơi bền vững.

“A” – Ambition – Tham vọng

Đừng sống một cuộc đời bình thường, làm những việc bình bình để những giây phút cuối vẫn hỏi: Tôi sống mấy chục năm qua có ý nghĩa gì?
Mỗi ngày mới sẽ là một ngày cháy hết mình. Hãy giữ khát vọng được thể hiện, hoặc tham vọng lớn là bản thân PHẢI thuộc top đầu những người kiệt xuất. Ví dụ, tôi luôn ám thị kiểu gì cũng sẽ trở thành tỉ phú, có điều kiện trải nghiệm tốt hơn, sống với nhiều cơ hội chọn lựa hơn; nói về Classic Menswear này thì sẽ phấn đấu hơn nếu quyết thâm theo đuổi đến cùng cái tham vọng “được” một số bạn bè đang chê cười này.
Sống cho bản thân và hiểu mình đủ bản lĩnh, nên không cần lăn tăn trước những lời chê cười phong cách ăn mặc khác với đám đông, hay tư duy khác với những người trước giờ không hề muốn cùng luồng suy nghĩ.

“N” – Networking – Xây dựng quan hệ

Bạn sẽ mãi ở một chỗ và không được ai biết tới, nếu “cũng như bao người” và nghĩ thế là đủ vui. Networking đã giúp tôi có thêm nhiều mối quan hệ, chất lượng thì duy trì và mang lại lợi ích đôi bên, còn tầm phào thì nhanh chóng “lui quân”, không cần tốn thời gian nuôi dưỡng với hy vọng nó sẽ tốt lên được. Một mối quan hệ kém chất lượng có thể khá dễ nhận ra khi bạn đã trải qua nhiều môi trường như công sở, trường học, trường đời, khi mà đối phương vụ lợi tính toán phần hơn cho bản thân để dìm người còn lại, về tiền bạc, danh dự và nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, không nhất thiết không ưa là phải ghét nhau ra mặt. Suy đi tính lại, họ cũng chưa ảnh hưởng xấu gì đến miếng cơm của mình cả; còn những mối quan hệ chất lượng ấy mà, đã giúp tôi phần nào để có được deal “vài trăm ngàn bắt đầu Sartorial” như đã kể trên kia.

“H” – Humbleness – Sự khiêm tốn

Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn với chữ “A” trên kia đúng không?
Sự khiêm tốn đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp bạn tỏa sáng đúng với khả năng. Không nhất thiết phải là một người bạo chi để chiếm được sân chơi, mà hãy là người sống thế nào để được người ta kính nể – quan trọng cũng ở chữ “khiêm tốn”.
Hãy nghe và lắng nghe nhiều hơn để hiểu người mình đang trò chuyện cùng. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Tuần trước, bài viết về Tie kiến thức khá nặng, nên hôm nay tôi xin chia sẻ góc nhìn của bản thân. Giữa sở thích và đam mê có những ranh giới mà bạn nên phân định rạch ròi, vì để tiến đến thành đam mê sẽ không hề đơn giản.
Năm yếu tố trên bổ trợ cho nhau và được xếp ngang hàng, sẽ giúp bạn chọn được giá tốt trên suốt hành trình Sartorial; và tôi tin, cũng sẽ giúp chúng ta trở thành những con người hoàn thiện hơn, thông thái hơn; mong cộng đồng cũng mãi giữ được tình yêu đối với thú chơi đầy thú vị này.
Một cộng đồng tinh hoa – Tại sao không?
(Ảnh bài viết: tổng hợp nhiều nguồn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *