Âu phục cổ điển – việc gì phải định kiến?

Âu phục cổ điển (Classic Menswear, hay được biết tới với cụm từ “phong cách Sartorial” trong những năm gần đây) nếu đã từng nghe tới và tự thân trải nghiệm, ít nhiều bạn sẽ nhận được vài câu đầy định kiến (hoặc xin lỗi, có thể chính bạn cũng đã từng nói vài câu trong đó). Với tôi, Âu phục phức tạp trong lối chơi, nhưng sẽ thật đơn giản nếu suy nghĩ như thế này…

Tôi chơi Hip Hop hồi cuối cấp 2, đầu cấp 3, cụ thể là Beatboxing – bộ môn “bụp bụp chát chát” mà giờ các bạn thấy trên video trong và ngoài nước đã xuất hiện khá nhiều. Ở cái thời Việt Nam chỉ có một vài người anh như MK, Tùng Kon, Hoàng Tex,… có thể coi như thời kỳ sơ khai của bộ môn này tại nước mình, chơi beatbox thật sự lạ. Người tò mò thích thú cũng nhiều, mà kẻ nhìn vào với ánh mắt e dè, “tụi này chơi gì bắn nước bọt đầy micro” cũng chẳng phải là hiếm. Trào lưu Hip Hop xuống dần, tôi không nhìn đó đam mê vào tận xương máu, nên câu chuyện cũng dần bỏ lại phía sau qua năm tháng.

Nhóm người diện Âu phục tại Pitti Uomo
Đâu phải cứ đến Pitti Uomo mới “được quyền” mặc đẹp? (Ảnh: Fashionista.com)

Tôi chọn Âu phục cổ điển sau đó một thời gian. Hồi đầu, còn Đại học, nói tôi mặc Âu phục “chuẩn” chắc chắn là vô lý, vì hồi ấy có chút tìm hiểu gì đâu mà được coi là chuẩn. Mặc đại một chiếc áo thấy vừa mắt, đi thêm đôi boat shoes “trông cho nó trẻ”; ấy vậy mà dần đọc, dần học từ một số kênh thông tin nước ngoài, hoá ra đó chính là từng bước đầu đi vào phong cách Sartorial. Đến nay, chưa từng dám nhận mình mặc chuẩn, mặc đẹp, nhưng tôi nghĩ mình theo đuổi phong cách này cũng đã có “thâm niên” và trong thời gian đó, nhiều ý kiến cứ dần tới – và tôi sẽ xếp chúng theo một số nhóm như sau:

Nhóm 1: Khen nhưng không khéo

“Mặc như ca sĩ/ diễn viên/ MC/ chú rể/ đi ăn cưới/ giám đốc,…” thật sự không phải là lời khen khéo léo dù cho người nói có ý tốt (hoặc mỉa mai, tôi không rõ nữa). Ít nhất là bản thân tôi cảm thấy như vậy, hoặc nhiều hơn là có một nhóm bạn của tôi cũng đồng tình; vì những người chơi Sartorial, người mặc Âu phục thành thói quen chẳng ai muốn cứ mãi giống một người nào đó khác – trong khi họ có thể LÀ CHÍNH MÌNH. Thật tâm nếu muốn động viên về ngoại hình, tôi nghĩ người nói chỉ cần dùng một câu với ý là “trang phục đẹp mắt”, vậy là đủ.

Nhóm 2: Không khen, không khéo

“Như đa cấp”

“Như đa cấp”

& “Như đa cấp”

chính là điều buồn lòng nhận lại của người mặc Âu phục khi không vừa mắt những người nghĩ rằng họ thô mà thật, vì bạn cũng hiểu rằng “đa cấp” không nhận được thiện cảm tại nước ta. Lần đầu, bực mình; rồi những lần sau chán chẳng buồn nói. Tránh đi đến mấy thì ngày này ngày kia cũng gặp người mới, cũng có “cơ hội” lại nhận về lời y như vậy, dù rằng có cố “trơ” đi đến mấy thì con người ta cũng chẳng thể tránh được việc thêm vào một chút năng lượng tiêu cực.

Nhóm 3: Câu hỏi nghi vấn

“Quần áo thế này có nóng không?”, “Chắc phải nhiều tiền lắm mới mặc kiểu này ấy nhỉ?”, hay “Có xe hơi thì “được” mặc Âu phục, đi xe máy thì giải tán nhanh”,… với tôi cũng là những định kiến còn lâu nữa mới được xoá bỏ. Người mặc không sợ nóng, không sợ phiền, nhưng chính sau khi nhận phản hồi như trên thì lại sợ… bị bàn tán. Giờ đây, các cộng đồng như Sartorial Guys có khoảng gần 90.000 thành viên, vậy thực sự có bao nhiêu người vượt qua được định kiến để lựa chọn đây là phong cách thường ngày để tự tin nhắc đến bản thân?

Âu phục là trang phục, xin đừng “thần thánh hoá”! (Ảnh: Parisian Gentleman)

Tôi coi việc “chơi” Sartorial cũng như “làm” văn hoá. Điều gì khác lạ với đám đông, tích cực thì cần thời gian để chấp nhận, còn không thì như nhiều người nói – phải từ bỏ đam mê (nah, tôi không cho rằng đó là đam mê của bạn khi đã dễ dàng từ bỏ). Chuyện trên, Hip Hop và Sartorial, đều có điểm chung đối với tôi là nhận được những ánh nhìn không thiện cảm, lời bàn tán không đáng có, thay vì nhìn nhận đó là phong cách riêng của cá nhân để tôn trọng khi các cá nhân này muốn hạnh phúc với lựa chọn của mình. Nhưng suy cho cùng, bạn mặc cho ai – hãy nghiêm túc nghĩ đến điều này và bạn sẽ biết, trang phục tiếp theo đây của mình sẽ là gì.

Bộ quần áo sẽ là bộ quần áo, không phải “Suit là áo giáp của người đàn ông hiện đại” hay bất cứ câu nói mỹ miều nào tương tự; và Sartorial sẽ là một phong cách ngang bằng với những style khác hiện hành, chỉ khác là Âu phục cổ điển này đã lâu đời hơn, quy tắc (hơn) và có vẻ được công chúng không-phải-ở-Việt-Nam đón nhận rộng rãi – tức là lép vế hơn, hay “khác với đám đông” tại nước nhà hiện tại. Vậy mà, dù “hợp” hay không, chúng ta vẫn chọn Âu phục cổ điển mang tính lịch sự cao trong sự kiện cần trang trọng, thì cớ chi không diện được ngôn ngữ trang phục này – theo cách phù hợp với môi trường và thời tiết – trong đời sống thường ngày? Nói đi cũng cần nói lại, như trên, hãy chỉ đơn giản coi đây là một phong cách cho trang phục; đừng trịch thượng khi bạn diện một bộ suit và phụ kiện đắt tiền, cũng đừng chê bai diện mạo của người khác. Tôn trọng để nhận được tôn trọng, và dù có nhận lại được như mong muốn hay không, nếu đã “dám” coi là đam mê khác biệt với đám đông thì hãy bền bỉ để còn bước tiếp.

Hà Nội, mưa phùn, trời trở nồm, sắp tới mùa hết cất hết các lớp áo quần “điệu đà” như thường thấy trên phim.

Bình luận trong “Âu phục cổ điển – việc gì phải định kiến?

  1. Được nhắc tới trong: “Sartorial" và cuộc chơi vẫn còn dài hơi… - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Necktie (cà-vạt) nên dài tới đâu? - Sartorial

  3. Được nhắc tới trong: Mùi nào Mùa nấy - Nước hoa và sự tinh tế trong việc sử dụng - Sartorial

  4. Được nhắc tới trong: Vì sao bạn NÊN mặc áo Hawaii - Sartorial

  5. Được nhắc tới trong: Cost Per Wear và những cân nhắc trong khi mua sắm - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *