Mọi điều về giày da tại “#2 Bàn: Giày ta luôn tốt”

Sự kiện “#2 BÀN: Giày ta luôn tốt” được Sartorial Vietnam thực hiện vào ngày 01/10 tại XAM’ Space (Hà Nội) cùng thương hiệu sản xuất giày da thủ công CNES Shoemaker, đã đem tới nhiều kiến thức bổ ích về giày da cổ điển cũng như những góc nhìn đa sắc về thị trường giày da Việt Nam và toàn thế giới.

Trong buổi sáng đầu thu êm dịu của Hà Nội, chào đón các vị khách tới tham dự sự kiện là host Khánh Sartorial – Sartorial VietnamMr. Minh Dũng – chủ thương hiệu CNES Shoemaker. Host Khánh Sartorial đặt ra câu hỏi mở đầu buổi trò chuyện: “Thế nào là một đôi giày tốt?”

Theo Mr. Minh Dũng, last là chi tiết đầu tiên người dùng cần chú ý. Last chính là kiểu dáng, khuôn đúc cố định của đôi giày. Trải nghiệm đi giày da có thoải mái hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần last giày, và theo anh, không nhiều thương hiệu sản xuất giày da tại Việt Nam chú ý điều này. Với kinh nghiệm sản xuất cho thị trường châu Âu và châu Á, CNES Shoemaker đã thiết kế nên phần last phù hợp với bàn chân người Việt. Phần last không chỉ giúp đôi giày có tạo hình đẹp, mà còn giảm gãy gập nhiều trong quá trình sử dụng.

“Nhất dáng nhì da”, anh Minh Dũng nói. Về bề mặt da mũ, có hai loại da chính: da hoàn thiện và da chưa hoàn thiện. Bề mặt một đôi giày có phần da hoàn thiện sẽ có một lớp phủ, giúp màu sắc của da không bị thay đổi dưới các tác động tự nhiên. Ngược lại, kiểu da chưa hoàn thiện cho phép người dùng thay đổi màu sắc da theo sở thích cá nhân.

Mỗi kiểu da giày sẽ có ưu điểm cũng như khuyết điểm khác nhau. Lớp phủ của da hoàn thiện có thể bị ngả màu vàng dưới tác động của ánh nắng mặt trời; da chưa hoàn thiện lại dễ bị hư hỏng hơn trong quá trình sử dụng. Do đó, việc thường xuyên bảo dưỡng giày da rất quan trọng. Những đôi giày được sản xuất tại CNES Shoemaker đều được miễn phí vệ sinh, chăm sóc trọn đời.

Thời gian gần đây, thị trường mua bán trao đổi đồ đã qua sử dụng (secondhand) đang sôi động trở lại, và giày da cũng không phải ngoại lệ. Từ thực tế đó, host Khánh Sartorial đặt ra câu hỏi cho Mr. Minh Dũng: “Làm thế nào để nhận biết một đôi giày cũ tốt?”.

Anh Dũng chia sẻ: “Hãy nhìn phần da”. Một đôi giày da không được chăm sóc tốt sẽ có bề mặt da bị khô, lâu dần dẫn tới hiện tượng gãy nứt. Đồng thời, hãy tinh ý quan sát độ mòn của đế giày, bởi đôi giày nhiều tuổi thường có bộ đế bị mòn khá nặng nề, gây cảm giác khó chịu khi di chuyển.

Thêm vào đó, một đôi giày tốt là một đôi giày có cấu trúc may đế chắc chắn. Trên thế giới hiện có hai cấu trúc chính được sản xuất rộng rãi là Goodyear Welt và McKay Stitch. Cấu trúc McKay có phần da mũ (upper), đế trong (insole), và đế ngoài (outsole) được liên kết trực tiếp với nhau bằng duy nhất một mũi khâu đâm xuyên qua phần đế. Nhưng chính vì thế, đôi giày có cấu trúc McKay lại dễ bị ngấm nước, khó thay đế, và tốn nhiều công sức bảo dưỡng. Nhà sáng lập Minh Dũng cho biết, thương hiệu CNES Shoemaker đã nghiên cứu thành công phương pháp khâu kín, giúp đôi giày giảm thiểu tối đa những yếu điểm cố hữu của cách may truyền thống này.

Với cấu trúc Goodyear Welt, phần upper, insole và outsole lại được liên kết với nhau bằng một miếng da (welt), tạo cho đôi giày khoảng trống nhất định giữa đế trong và đế ngoài. Một đôi giày Goodyear Welt có khả năng kháng ẩm tốt, chống lại các yếu tố thời tiết môi trường cực đoan trong quá trình sử dụng, và dễ dàng thay đế nếu cần. CNES Shoemaker tự hào là một trong những xưởng giày thủ công Goodyear Welt lớn nhất thế giới, với đội ngũ hơn 150 người thợ tay nghề cao tỉ mẩn gần 200 công đoạn khác nhau để hoàn thiện một đôi giày thủ công chất lượng.

Dù có nhiều ưu điểm, song đôi giày Goodyear Welt sẽ có trọng lượng nặng, to và dày. “Một đôi giày McKay sẽ trông thanh thoát hơn, lả lướt hơn”, Mr. Minh Dũng nói. Vậy nên, tùy thuộc vào mục đích sử dụng, mà người dùng có thể chọn mua đôi giày phù hợp với mình.

Một số sản phẩm từ CNES Shoemaker có mặt tại sự kiện

Tương tác với khách mời tham dự sự kiện, host Khánh Sartorial muốn được biết quan điểm của mỗi người về một đôi giày tốt. Với Mr. Việt Dũng, đôi giày tốt với anh phải vừa vặn, thoải mái, đi bộ 1-2km không bị đau chân; và bởi mỗi nhà giày có một phong cách đóng giày riêng, nên anh thường chọn mua những đôi “signature” nhất của thương hiệu đó để sử dụng.

Mr. Việt Dũng – một người chơi giày da cổ điển nhiều kinh nghiêm

Sau đó, buổi trò chuyện trở nên sôi nổi hơn với nhiều góc nhìn khác nhau về cách lựa chọn màu tất, độ trang trọng của từng kiểu giày da cổ điển, cũng như tính ứng dụng của chúng trong đời sống. Mr. Quốc Việt chia sẻ niềm thích thú của mình với những đôi loafer, bởi dòng giày này đều có thể dress-up lẫn dress-down rất linh hoạt. “Tủ giày của mình toàn loafer thôi”, anh cho biết. Bàn về quy tắc chơi giày da nói riêng và Âu phục nói chung, Mr. Mạnh Tùng nói: “Khi mới bắt đầu, nên nắm rõ quy tắc. Tuy vậy, quy tắc không phải tất cả, bởi một outfit đẹp còn được tạo nên từ cảm xúc nữa.”

Cuối cùng, để giúp các vị khách mời có thể tự bảo quản giày tại nhà, chuyên viên kỹ thuật tới từ CNES Shoemaker – Mr. Đức Duy đã trình diễn một quy trình vệ sinh giày đầy đủ của thương hiệu. Chi tiết các bước thực hiện, có thể xem tại đây.

Với mong muốn “Chơi từ bản chất” và tạo ra không gian trao đổi gần gũi cho cộng đồng đam mê phong cách Âu phục cổ điển, sự kiện “#2 BÀN: Giày ta luôn” tốt khép lại, đem tới cuộc trò chuyện thú vị về thú chơi giày da, cũng như các kiến thức, góc nhìn đa chiều về thị trường giày da tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Sartorial Vietnam xin được cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham dự sự kiện. Xin cảm ơn thương hiệu giày da CNES Shoemaker đã cùng đồng hành với chúng tôi trong sự kiện lần này.

Hẹn gặp quý độc giả trong những “BÀN” lần tới và ở cả loạt sự kiện kế tiếp để chúng ta tiếp tục chia sẻ kiến thức – trải nghiệm – kinh nghiệm trong nhiều thú chơi cổ điển bền vững!


Bài viết: Blake Phạm; Hình ảnh: TrungNT, Niên Nhím

Sartorial Vietnam | Hoạt Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *