Hồi ấy, cứ tưởng vậy là ngầu…

Mua lấy một chiếc jacket để bắt đầu làm quen với một thú chơi, hẳn ta cũng gặp nhiều bỡ ngỡ. Có những thứ ta thấy được nhưng hoá ra chẳng phải; rút cục cũng thành những bài học để không bao giờ mắc lại sai lầm.

Đây là một trong những kiểu chụp ảnh thường thấy tại Instagram của Andrea Seoul – kênh hiện có trên 56.000 người theo dõi và được coi là một trong những tiệm may có chỗ đứng tại Hàn Quốc nếu tính về phong cách Âu phục cổ điển. Bạn thấy gì trong bức hình này? Bộ suit vừa vặn, cà-vạt dành cho “người biết thắt” và còn gì nữa nhỉ, một phần tag (thẻ) được đính trên tay áo kia chăng?

Trước đây (mà cũng thời gian gần, khoảng hơn 2 năm thôi), tôi từ những bức ảnh kiểu như vậy nghĩ đây là “xu hướng”. Chẳng hạn, tag ở tay áo, tag ở nắp túi,… để thể hiện mình may đồ ở nhà nào, hay vải mình may là loại gì – nói thẳng ra là đồ mình có đắt tiền hay không. Nhưng cũng may với bản tính không ngại hỏi, tôi được anh Minh Anh – “đồng nghiệp” quản trị viên Sartorial Guys chỉ ra rằng: đây chỉ là một chiêu bài truyền thông của họ, còn ngoài đời, chẳng ai giữ tag như thế cả.

Thật vậy, càng dành thời gian quan sát, tôi càng thấy được những video người ta bảo rằng ĐỪNG làm điều này, điển hình là đây:

Những điều chúng ta cần làm sau khi mua jacket may sẵn đó là loại bỏ chỉ cố định, lọc lại chỉ thừa và bỏ tag trên áo. Cũng như một điều tôi đã nhắc tới đôi lần – đây chính là sự “phô trương không cần thiết” đối với những người chơi Sartorial, hay nói xa hơn – dù chẳng “dám” đánh giá, thì những logo to bản phải in lồ lộ lên để người-khác-biết-mình-mặc-gì hoặc trong túi có bao nhiêu tiền, thực sự là một điều kì cục.

Đúng, có những điều mà kể cả chủ nhân bộ đồ muốn thể hiện đẳng cấp, thì tự khắc đẳng cấp sẽ được thể hiện qua con người của chủ nhân. Chẳng thế mà ở những bộ đồ may đo, tag vải và tag nhãn hiệu của nhà may sẽ được kín đáo khâu bên trong lót ngực; hay càng những người biết chơi thì những phần thêu tên ở lá cổ sơ mi hoặc cổ tay sơ mi sẽ không còn thấy được nữa, thay vào đó là một vị trí “có cởi mới biết” như phần bụng áo nằm trên cạp quần khi tuck in (sơ vin). Sự tinh tế theo quan điểm của tôi không phải tự nhiên mà có; phải được rèn luyện qua quá trình học hỏi, tìm tòi và đủ quan sát, thì dần người ta sẽ rút được kinh nghiệm với một thứ “vừa đủ” cho mình mà thôi.

“A Bespoke Lifestyle” là tagline đi kèm với “ý đồ” mà tôi luôn muốn gửi gắm. Bản thân từ “Bespoke” đã có nghĩa là vừa vặn và độc bản, vậy thì ta cần phải chứng tỏ với ai về sự “độc bản” này của mình? Hy vọng bạn sẽ tự có câu trả lời, và tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trên những chặng đường sắp tới.

Bình luận trong “Hồi ấy, cứ tưởng vậy là ngầu…

  1. Được nhắc tới trong: Chiếc jacket không dành cho bạn - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Boutonnieres: xin chú rể lưu ý! - Sartorial

  3. Được nhắc tới trong: Vì sao khó định nghĩa rõ "Sartorial" với phái nữ? - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *