Độ xe và câu chuyện từ ngày đầu tiên

Mô-tô là một phương tiện rất đặc biệt. Chúng không dành cho tất cả mọi người vì không phải ai cũng có thể điều khiển được. Nếu coi mô-tô như một ngôn ngữ, ta có thể mô tả chúng bằng 2 chữ: “ương ngạnh”, thể hiện tính cách độc đáo, và “punchline” để ám chỉ việc độ xe là một phong cách tuyệt vời.

Đối với các nước Âu – Mỹ hay Châu Á, việc độ xe đã không còn gì quá xa lạ. Và đặc biệt tại Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, độ xe đã trở thành một phong cách sống đầy tính ứng dụng. Dẫu có những luồng ý kiến trái chiều, độ xe vẫn là một phong cách và có văn hóa riêng của nó. Chiếc xe không có lỗi, đừng đánh giá chúng qua vẻ bề ngoài, quan trọng là cách bạn chơi, cách bạn chạy sẽ thể hiện bạn là ai trong mắt người khác.

Trong thế giới “Búng côn – Đá số”, mỗi một chiếc xe được độ lại nói lên cá tính riêng biệt của người sở hữu. Hình dáng không đồng nhất, khoác mấy bộ cánh sơn xịn nào là crom, nào là bóng, nào là nhám, một chiếc xe độ có thể mang tính cực đoan, chút khiêu khích thậm chí là tính nghệ thuật. Đáng nói rằng sự thật phũ phàng, nó là một mớ kim loại hỗn độn, nhưng là một mớ hỗn độn lôi cuốn của riêng bạn. It’s just your fuckin’ hot mess.

Tuy nhiên ở đây, chúng tôi không bàn luận về bất cứ môn phái xe cộ nào, cũng chẳng nói về việc xe nào ngon xe nào dở, đơn thuần là chia sẻ những lần “ngu” và si tình trên từng con xe của chính mình. Không quan trọng bạn đi xe gì, độ dáng như thế nào, Café Racer, Bobber, Naked, Sport hay thậm chí là Wave, Dream. Quan trọng là những hành trình đọng lại ở hai bánh xe của bạn.

Bắt đầu bằng việc “tại sao lại độ xe?”

Như ở trên tôi đã đề cập, vì nó đẹp! 

Đặc biệt là cảm giác mong chờ “vợ hờ” thi triển tuyệt kĩ mới sau mỗi lần bạn lại táy máy gắn món đồ chơi nào đó. Cảm giác tay côn mới êm và nhẹ hơn, nhông sên dĩa kéo lực hơn, con heo dầu hầm hố hay chỉ đơn giản là cái đèn xi nhan mới v.v. 

Tuy việc bổ trợ những món đồ chơi mới không can thiệp vào máy móc của xe, nhưng cảm giác mỗi lần lên một món như vậy, xe cứ như được nâng lên 5cc công lực cho mỗi món. Và cái cảm giác “mong chờ” xem con chiến mã của mình có thể làm được gì vẫn là cảm giác đáng trân trọng, để khoe với các chiến hữu, để có thể test kéo vài đường ga, góc cua, thanh âm và hơi thở của xe. Thậm chí ngay cả việc rửa xe thôi cũng đã đủ khiến sự sung sướng chạy dọc sống lưng!

Năm đầu tiên chơi xe, kỉ niệm khó quên và cũng bắt đầu những chuỗi ngày xòe sấp mặt là việc tôi bán đi chiếc Honda CG125 nguyên zin và cũng là chiếc xe Classic đầu tiên của mình để lấy một em Suzuki EN150 hay còn gọi là “Su Én” đã được lên form Tracker gần như là cải tạo lại toàn bộ, ngoại trừ lốc máy của xe ra.

Và thứ lúc đó khiến tôi chìm đắm nhất là tiếng Pô. Đúng vậy! Chơi xe mà không độ Pô thì uổng phí tiền xăng nhớt lắm.

Xe độ, độ từng tiếng pô (Ảnh: MotoSaigon.vn)

Độ Pô gần như là một trong những điều đầu tiên khi bắt đầu, lý do là vì âm thanh mỗi lần kéo ga vô cùng “cuốn”. Tiếng Pô cũng nói lên cái cách chơi xe của mỗi người. “Bịch bịch, xịch xịch, bằm bằm, brum brum”, chỉ đơn giản là vậy, nhưng nó lại là một trong những cái “ghiền” và tốn tiền hạng top khi độ xe. 

Quay lại với con Su Én năm đó tôi vừa tậu, phân khối cao hơn chút nhưng chạy lực hẳn, bánh to béo, gầm cao, tay lái bốc hơn, pô kêu giòn rụm và… té cũng nhiều hơn. Nhưng mà nó đã! Cảm giác vô cua sướng hơn rất nhiều, ga vặn là bốc, cái phong thái chạy “ba gai” hơn, khuôn mặt hất thẳng lên trời và tự trông mình thật điên rồ. Tưởng vậy là ngầu cho đến khi những chuỗi sự kiện giời ơi đất hỡi từ đây mà ra. Bắt đầu bằng việc dắt bộ vì xe không có cái đồng hồ nào cả…

Nguyên nhân năm đó tôi té nhiều như vậy chỉ đơn giản là mình còn non trẻ, chưa đủ kiến thức, nóng vội (tuy là với những chiếc xe sau này vẫn nóng vội chả kém cạnh gì), không chỉ là té trên đường mà là té trượt dài trong cuộc sống. Có một người anh, sau này từng nói với tôi: “Chơi xe đừng để xe nó chơi mình”. Đúng vậy. Năm đó tôi không biết bị xe chơi bao nhiêu lần. Lần ngã đầu tiên là ở cuối bờ kè, vì bãi nước xà bông tạt ra đường trước một hàng quán, cộng thêm cái ngông cuồng của bản thân mình, méo ghi đông, bể chắn cổ, cong cả phuộc trước. Và một khi xe đã ngã thì sẽ có những lần ngã tiếp theo, Điện Biên Phủ, Phạm Phú Thứ, Lâm Văn Bền, v.v Không ít lần dắt bộ, không ít lần “ăn hành”. Nhưng té đau cỡ nào cũng lết xe về đến tận nhà, “còn thở là còn gỡ”, gỡ mãi đến cái nịt cũng không còn mà vắt eo.

Những bài học đã khiến tôi đúc rút ra kinh nghiệm xương máu. Bản thân khi đó chưa đủ kiến thức để hiểu cách một chiếc xe vận hành sao cho tối ưu hiệu quả, cứ chạy ngông nghênh mà không có tí kĩ năng, bù lại là bản năng thì thừa, và quan trọng hơn hết là không nắm rõ từng món đồ chơi trên xe đã tác động và ảnh hưởng như thế nào sau khi độ.

Một chiếc xe sau khi độ có tính hoàn thiện cao cần phải có: 

  • Chú ý đến điều cần thiết và không cần thiết. Có thực sự là cần phải thay, phải chế, phải độ một món đồ chơi mà nó chẳng những không giúp ích gì mà còn gây tổn thất đến hiệu năng hoạt động? Ví dụ như con Su Én của tôi đã được tháo bỏ đồng hồ bởi chủ cũ, khiến tôi nhiều lần không canh được khoảng lượng ki lô mét mà rơi vào tình cảnh dắt bộ, quên chăm nhớt cháy ECU.
  • Một khi đã lên đồ là phải hợp lý với hiệu năng hoạt động xe. Ví dụ có đề ba thì có thể mất hậu, nhưng xe vốn dĩ  nước hậu không sâu thì việc lên những món đồ chơi đắt tiền mà không hợp lý là một bài học về kinh tế.
  • Đồ lên xe hợp lý và mang lại hiệu năng hoạt động tốt. Đồ chơi xịn một chút chứ đừng “lố” quá, độ chính xác về thống số phải cao và nên hợp với model xe và đời xe. Một số bộ phận có thể tham khảo mà mình từng ưu tiên khi lên xe: Nhông sên dĩa – Đĩa thắng & bố thắng – Heo dầu – Phuộc, hầu hết là dàn chân xe. Chân vừng thì có chạy mới cứng tay.

Đơn giản chỉ là một bài viết ngắn chia sẻ trải nghiệm nho nhỏ cho những bạn đang có ý định bắt đầu với phong cách này. Không chỉ một mà tôi đã té rất nhiều lần và chẳng có lần nào giống lần nào. Thật may là các cụ gia tiên đã gánh còng lưng và điều tôi nhận được là những bài học đáng giá. Chơi xe đừng để xe chơi mình và hãy lái xe có kiểm soát. Văn minh đến từ sự tư duy và làm chủ bản thân chứ không đến từ việc mình chạy xe gì. Và cũng đừng vội quay lưng lại với xe zin khi chưa đủ trải nghiệm về nó. 

(chúng ta sẽ nói sâu hơn về vấn đề xe zin cùng với các loại dòng xe khác ở bài viết sau)

Cheers vì đã chạy xe thật “ngông nghênh” và văn minh!

Bình luận trong “Độ xe và câu chuyện từ ngày đầu tiên

  1. Được nhắc tới trong: Cafe Racer là gì mà ai cũng nhắc? - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: Trước khi độ xe, phải độ kiến thức! - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *