Bài viết được dịch thuật và biên soạn lại từ bài viết: “Suit Alterations: What a Tailor Can (& Can’t) Do” do tác giả Ana Liza Banaynal đăng trên Gentleman’s Gazette. Các phần chữ in nghiêng trong bài là lời của người dịch.
Dạo quanh cửa hàng quần áo cũ, bạn chợt thấy một bộ vintage suit bắt mắt nhưng phần vai lại quá rộng. Bạn có nên “bất chấp” mua không? Những lúc thế này, việc bạn có kiếm được món hời hay vô tình phung phí tiền phụ thuộc vào khả năng điều chỉnh các chi tiết trên bộ suit mà người thợ may có thể can thiệp.
Có thể tăng – giảm kích cỡ bộ suit không?
Quy tắc đầu tiên khi sửa suit là: thu nhỏ thì dễ, nhưng nới rộng thì rất khó. Việc mở rộng bộ đồ phụ thuộc vào lượng vải thừa được “cất” dưới phần seam và hem (đường may và viền). Đồ may đo giá thành cao thường có nhiều vải thừa để tiện cho việc chỉnh sửa sau này, trong trường hợp người mặc tăng giảm cân nặng đột ngột. Các sản phẩm may sẵn hoặc may đo giá rẻ ít khi có vải thừa để giảm chi phí sản xuất. Do đó, một bộ suit hơi rộng sẽ dễ chỉnh sửa hơn là một bộ đồ chật.
Tuy vậy, không phải chi tiết nào trên bộ suit cũng thu nhỏ được. Một chiếc jacket có cấu trúc khá phức tạp và không thể thu nhỏ được quá nhiều, bởi không chỉ tỉ lệ của chiếc áo phải thay đổi, mà các chi tiết như lớp lót, canvas, đệm vai, túi… cũng cần được điều chỉnh theo. Chưa kể tới tiếp theo, tổng chi phí chỉnh sửa những chi tiết này rất cao, vậy nên chính ra việc sắm một chiếc jacket mới sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Về quy tắc, bạn có thể giảm tối đa 2 size cho bộ suit, nhưng với chiếc jacket thì chỉ nên giảm 1 size. Bởi một chiếc jacket rộng sẽ luôn có phần vai rất lớn – rất khó sửa.
Việc sửa quần thì dễ hơn nhiều, nhất là khi bạn muốn có một chiếc quần cạp cao. Phần chân và cạp quần rất dễ thu gọn, nhưng phần rise (khoảng cách giữa eo và đũng) thì ngược lại. Nhưng nếu bạn thích quần cạp cao, bạn hoàn toàn có thể sửa một chiếc quần cạp trung/thấp thành quần cạp cao mà không cần tác động tới phần rise.
Chỉnh sửa các chi tiết vai trên suit jacket
1. Chiều rộng vai – KHÔNG THỂ
Như đã nói, điều chỉnh vai sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hình dáng của chiếc jacket cũng như các chi tiết khác trên áo.
2. Chỉnh độ dày của đệm vai – CÓ THỂ
Bạn có thể thêm hoặc bớt đệm vai cho jacket, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn thể hình dáng của chiếc jacket, khiến áo không có được hình dạng như ban đầu.
3. Điều chỉnh phần Collar – CÓ THỂ
Đây là chi tiết ít được để ý khi sửa suit jacket. Việc sửa phần collar sẽ loại bỏ được tình trạng “collar gap” ở cổ. Tuy nhiên, chi phí điều chỉnh lại collar tương đối đắt đỏ; chưa kể bạn có thể phải điều chỉnh lại phần dài vai.
Chỉnh sửa phần tay áo trên suit jacket
1. Thu nhỏ, kéo dài, thu ngắn tay áo – ĐƯỢC
Tay áo là phần dễ điều chỉnh nhất trên jacket. Tuy nhiên, cần lưu ý việc kéo dài/thu ngắn tay áo quá nhiều có thể khiến phần cúc quá sát/quá gần mép tay áo; vô hình chung khiến tay áo trông hơi kỳ cục. Nếu cúc tay áo chỉ có tác dụng trang trí, thì người thợ có thể dễ dàng thay đổi vị trí để xử lý tình trạng này. Nhưng nếu cúc tay áo là loại có thể cài (xẻ thật), thì rất khó để khâu kín lại lỗ xỏ khuy.
2. Đặt thêm cúc áo – ĐƯỢC
Những chiếc jacket may đo có giá trị lớn thường không có cúc ở tay áo để người mặc điều chỉnh độ dài tay áo trước khi đặt cúc.
3. Sửa cầu vai (Divot – Dimple) – CÓ THỂ
Phần cầu vai thừa có thể sửa, miễn là:
- Tay áo và armhole kết nối với nhau không bó vào tay bạn khi duỗi ở tư thế tự nhiên.
- Armhole nhỏ hơn một chút so với tay áo.
Chỉnh sửa phần thân trên suit jacket
1. Thay đổi vị trí đặt cúc – KHÔNG THỂ
Tương tự với cúc trên tay áo, việc giảm số cúc trên jacket là không thể, bởi các thợ may không thể khâu lỗ cài khuy lại kín kẽ được. Hơn nữa, vị trí đặt khuy lúc này cũng sẽ khác so với ban đầu.
2. Thay đổi ve áo – GẦN NHƯ KHÔNG THỂ
Bạn có thể nhờ thợ may biến ve peak thành ve notch (nếu có đủ vải thừa ở phần ve), nhưng bạn không thể làm điều ngược lại. Bạn có thể thu nhỏ ve notch lại nếu muốn, kể cả khi chiếc áo có canvas. Tuy vậy, buttonhole (lỗ thùa khuyết) trên ve áo sẽ trở thành một vấn đề nan giải: bởi buttonhole trên ve peak sẽ hướng lên trên, trong khi ve notch sẽ hướng xuống dưới. Do vậy, chi tiết duy nhất trên phần ve áo bạn có thể chỉnh sửa đó là may thêm hidden boutonniere loop ở mặt sau của ve.
3. Thay đổi hình dáng quarter – KHÔNG THỂ
Quarter là phần vạt áo phía dưới cúc cài cuối cùng. Phần quarter có thể đóng kín, nghĩa là vạt áo sẽ gần như thẳng đứng khi cài khuy; hoặc xòe ra hai bên. Vạt kín sẽ có tính trang trọng và lịch sự cao hơn vạt mở. Việc thay đổi hình dáng quarter sẽ ảnh hưởng tới vị trí đặt khuy, làm chiếc jacket không còn đẹp nữa.
4. Thu ngắn jacket – CÓ THỂ
Bạn đơn giản không thể gia tăng dài áo vì không đủ vải, nhưng bạn có thể thu ngắn một chút nếu muốn. Cần lưu ý, việc thu ngắn quá nhiều sẽ khiến phần túi và cúc cài cuối quá sát vạt, khiến chiếc jacket trông hơi kỳ cục.
5. Thay đổi phần xẻ tà (Vent) – CÓ THỂ
Bạn không thể tăng số xẻ tà, vì chiếc áo không có đủ vải để che kín đường cắt. Ngược lại, bạn có thể “đóng” vent lại nếu muốn.
Chỉnh sửa các chi tiết trên quần
1. Vạt quần (Hem), Lơ-vê (Cuff), chiều dài quần – ĐƯỢC
Việc kéo dài các chi tiết trên suit nói chung phụ thuộc vào lượng vải thừa ở các chi tiết đó; và quần cũng vậy. Bạn chỉ có thể tăng dài quần khi có đủ vải thừa ở phần vạt. Phần vải thừa này cũng có thể chuyển thành lơ-vê nếu muốn.
2. Thu nhỏ phần đùi – ĐƯỢC
Thu nhỏ phần đùi trên quần được coi là chi tiết dễ điều chỉnh nhất, nhất là khi phần mở gối quá rộng.
3. Thu nhỏ và mở rộng eo – ĐƯỢC
Do độ lớn phần eo cơ thể thường xuyên thay đổi, nên các nhà may thường rất “hào phóng” cho vị trí này nhiều vải thừa để điều chỉnh phần eo và thắt lưng.
Kết lại
Có thể thấy, các nhà may có thể dễ dàng điều chỉnh quần hơn jacket, chỉ trừ phần rise đã nói ở đầu bài. Nhưng để điều chỉnh các chi tiết đã nói, quan trọng nhất vẫn là đủ vải thừa. Để đảm bảo bộ đồ không trở thành “thảm hoạ”, tốt nhất là hãy lựa chọn các nhà may uy tín và lắng nghe tư vấn của họ khi có nhu cầu chỉnh sửa suit bạn nhé!
“Tới từng tiểu tiết”
Được nhắc tới trong: Thế nào là Cut, Size & Fit? - Sartorial