Bài viết dưới đây, tôi sẽ giới thiệu về loại Tie phổ biến nhất: Necktie (cà vạt), chứ không phải là những dòng anh chị em xem chừng lép vế hơn như Ascot tie, Bow tie, Bolo tie,…
Và vì sao tôi chọn Necktie (từ nay xin được gọi chung là “Tie”)? Vì đây là món phụ kiện duy nhất mà nhiều người chơi Sartorial lựa chọn cho phần cổ khi diện Âu phục, khi mà nơ đối với đại chúng vẫn còn lạ lẫm. Nào, giờ chúng ta cùng vào vấn đề: vậy thì “giải phẫu” cà vạt, sẽ nhìn vào những thành phần nào để nhận biết và phân biệt?
Cũng như jacket, ngoài phân biệt theo dáng áo Single Breasted/Double Breasted, chúng ta còn nhận biết sự khác biệt qua màu sắc, chất liệu, họa tiết,… để rồi ghép lại thành một cái tên đầy đủ cho chiếc jacket. Vậy nên với Tie, tôi cũng sẽ liệt kê một số yếu tố cơ bản để rồi anh em chơi trò nối từ và chỉ mặt đặt tên cho mỗi chiếc cà vạt của mình nhé!
1. Phân biệt theo “fold” – Số lần gấp
Có thể nói, “đẳng cấp” của người chơi Tie là ngay từ khi chào sân đã kể nhau nghe về số “fold”. Đây là thuật ngữ chỉ số lần gấp để tạo nên chiếc cà vạt, xếp chồng lên nhau để tạo nên độ dày và cấu trúc. Trước khi tìm hiểu các tài liệu để hoàn thành bài viết này, tôi chỉ biết đến những 3-fold, 5-fold và 7-fold, nhưng hóa ra người ta có cả số chẵn cho số lần gấp: 4, 6 và 8; và level cao nhất đã từng nhìn thấy là 9-fold tie.
Tại sao lại khởi động từ con số 3? Đây được coi như cách truyền thống và cơ bản để tạo ra một chiếc Tie, rồi từ đấy mới tăng số lần lên và tạo ra các số fold lớn. Tie fold càng nhiều thì cần một miếng vải cũng lớn theo, không cần interlining (lót trong) để tạo nên cấu trúc. Gấp nhiều vậy nên cần nhiều vải, nhiều công sức và độ tỉ mỉ cùng tay nghề của người thợ, bởi lẽ đó giá sẽ cao hơn cà vạt ít fold khá nhiều (nếu so sánh trong cùng thương hiệu).
2. Phân biệt theo “tipping” – Lót sau lưỡi Tie
Lưỡi Tie (blade) là vạt lớn của cà vạt như dân ta vẫn gọi. Phía sau đó có một mảnh vải lót được khâu liền kề, gọi là phần “tipping”. Và nếu phân biệt theo cách này, chúng ta sẽ chia ra ba loại: Untipped Tie, Self-tipped Tie và Tipped Tie.
– Untipped Tie: dịch từ bài viết của kydos.gr, Untipped Tie là những chiếc với cấu trúc Unlined (sẽ được đề cập ở phần 3.) như 7-fold, Italian 6-fold, 4-fold unlined và 3-fold lined nhẹ; những chiếc này không có lót trong hoặc nếu có sẽ là rất nhỏ, được ẩn bên trong.
Cấu trúc untipped này phải gọi là khó, yêu cầu thủ công tỉ mỉ và tốn thời gian. Nếu cấu trúc Self-tipping bên dưới có những công cụ hỗ trợ chỉ mất khoảng 3 phút để hoàn thành, thì những chiếc Untipped Tie này sẽ chiếm mất khoảng 20-40 phút, do người thợ phải cuộn tay tỉ mỉ phần hem (đoạn nối giữa mặt sau của blade và tipping). Thế mới thấy bái phục tài năng của những bậc thầy Tie maker!
– Self-tipped Tie: người thợ sẽ sử dụng một miếng vải nhỏ cùng chất liệu để lót ngay sau blade. Những chiếc cà vạt sở hữu dấu hiệu này ghi dấu chất lượng và phần nào độ “sang xịn mịn” cùng đẳng cấp mà người thợ đã tạo nên cho thành phẩm. Cấu trúc này (đương nhiên) sẽ cho chiếc Tie độ nặng hơn Untipped – vì có phần vải thêm vào mà.
– Tipped Tie/Decorative Tipped Tie: đơn giản đây là những chiếc Tie có phần tipping được dùng với vải khác biệt với mảnh đã làm nên cà vạt, loại này chắc chúng ta dễ dàng bắt gặp do vải phần tipping thường được sử dụng với chi phí thấp hơn nhiều.
3. Phân biệt theo “interlining” – Lót trong Tie
Nếu anh em chơi trò “mổ phanh” chiếc cà vạt hay đeo sẽ thấy được phần này. Hầu hết món Tie ngày nay có interlining, ngoại trừ những chiếc từ 6-fold đổ lên. Phần lót trong này có tác dụng giữ dáng cho Tie, hồi lại thể trạng ban đầu sau mỗi lần thắt, và tăng độ “đầm” cho tie khi đeo lên cổ. Phổ biến và chất lượng nhất có lẽ vẫn là lót wool, rồi đến lót cotton và các chất liệu tổng hợp. Hãy để ý những chiếc Tie nào có vẻ xấu xấu, một phần lớn là do phần interlining này được dùng với chất liệu kém nên cà vạt một là mỏng như tờ giấy, hai là nặng như cục gạch đấy nhé.
4. Phân biệt theo “chất liệu”
(đúng hơn là chất liệu bên ngoài Tie, trừ hai thành phần vừa trình bày phía trên)
“Tie này làm bằng vải gì đấy?” có lẽ là câu hỏi quen thuộc của anh em chưa tìm hiểu nhiều những thuật ngữ. Phần này gọi là “shell/envelope”, là phần vải bao ngoài và thường được làm từ các loại sợi như silk, wool, cotton, linen, polyester, hoặc các loại sợi tổng hợp. Phần lớn chúng ta sẽ thấy Silk Tie cho các dòng “củ nghệ”, nhưng có đến cả tá chất liệu phân nhánh riêng cho silk này nên vải để làm tie cũng cực kỳ đa dạng.
5. Phân biệt theo họa tiết
Về góc độ này thì vải may Tie có vẻ phong phú hơn vải may Suit khá nhiều. Điển hình như Suit chấm bi – hiếm lắm mới thấy người chơi nhé, mà ở bộ môn Necktie này lại là họa tiết rất phổ biến. Ngoài ra thì Tie trơn, Striped Tie sọc chéo, họa tiết paisley vằn vện, Dot Tie, Windowpane Tie, Geometric Tie,… đi kèm những sắc màu khác nhau tạo nên cả một kho tàng nghệ thuật đầy thích mắt cho những con người mê mẩn loại phụ kiện nhỏ này như tôi.
Trên đây là 5 tiêu chí phân biệt và nhận biết chính khi ta đem so sánh những chiếc necktie với nhau. Về cách đọc tên, theo tôi, thường thấy ở các shop sẽ gọi theo công thức:
Tên đầy đủ của tie = Tên thương hiệu + Tên chất liệu + Số fold + Màu + Họa tiết
Ví dụ một chiếc tie của Kiton trên tiedeals có tên: Kiton Linen Seven-fold Tie Brown White Lime Geometric, cũng không dễ nhớ cho lắm đúng không…
Còn tiếp theo đây, sẽ là một vài lưu ý bên ngoài phần phân biệt. Tiện một công viết rồi, trình bày luôn cho sướng:
– Người viết tìm được tấm ảnh giải phẫu một chiếc Necktie từ ties.com, đã dịch sang tiếng Việt. Mời các bạn click để xem rõ hơn và hiểu hơn về những kiến thức phần trên tôi đã trình bày.
– Về phần fold, nhiều fold hơn thì “nghệ” hơn, nhưng “xịn” hơn thì chưa chắc đâu. Độ xịn phụ thuộc vào cách từng thương hiệu tỉ mẩn finish đến thế nào, và cũng còn tùy cách bạn cảm nhận xem nó có phù hợp hay không nữa.
– Một chiếc knot (củ ấu) đẹp được quyết định bởi cả 4 yếu tố đầu tiên: số fold, tipping, interlining và chất liệu shell. Để bổ sung và giải thích cho gạch đầu dòng phía trên, nếu bạn ưa một chiếc knot nhỏ mà trên tay lại là một chiếc làm từ shantung silk, lót đầy đủ thì làm sao phù hợp cho được; phải tùy theo từng mong muốn để xem rằng thế nào ổn nhất với mình.
– Như đã chia sẻ trong một bài viết trên trang cá nhân, trong tủ đồ nam giới có khoảng 5 chiếc Tie là đủ. Ngoại trừ những người chơi sâu về thời trang, thì số lượng Tie trên hoàn toàn đáp ứng được những nhu cầu, bối cảnh mỗi lần diện; hãy lựa chọn thông minh để sử dụng được lâu dài.
– Một tip về việc tháo Tie như những người chơi đã chia sẻ, khi tháo Tie ta ưu tiên gỡ knot ra, ngược lại với cách khi ta thắt. Điều này sẽ giúp chiếc Tie được bền hơn, phần knot tránh nhăn nhúm dù cho đã có interlining. Của bền tại người là không có sai.
– Nói thêm về cách đeo, cách bảo quản, trước đây tôi đã có một bài chia sẻ trong group Sartorial Guys. Xin mời anh em theo dõi nếu lỡ miss mất lần trước.
– Những cách tạo knot, phối màu với trang phục cũng đã có trong group Sartorial với các tag như Sartorial Tips, Kiến thức Sartorial, là những chia sẻ đáng đọc nếu thực sự bạn muốn trở thành một người chơi hiểu biết.
Phần kết, xin cảm ơn các bạn đã đọc đến tận cuối của bài viết với kiến thức có phần xa vời, chưa phải là món cấp thiết như quần áo, giày tất. Tuy nhiên, để hoàn thiện cho kho kiến thức, tôi tin sẽ có lúc những thông tin này được trọng dụng, mong anh em hãy để ý tới từng chi tiết nhỏ tạo nên “sức mạnh” cho bộ trang phục, và cho chính bản thân chúng ta.
Hãy đón chờ những bài chia sẻ tiếp theo từ Sartorial Vietnam – Nền tảng toàn diện về phong cách cổ điển cùng các tác giả về nhiều thú chơi trong phong cách Sartorial!
(Tổng hợp thông tin từ Gentleman’s Gazette, Ties.com, Aklasu.co, Kydos.gr và nhiều nguồn khác)
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”