Cuộc chạy đua tạo ra chiếc đồng hồ automatic chronograph đầu tiên

Trở lại vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, đó là thời kỳ hoàng kim của những chiếc đồng hồ chronograph và đồng hồ automatic. Tại thời điểm đó, đây là hai dòng đồng hồ hoàn toàn khác nhau, khi mà những chiếc đồng hồ chronograph chỉ có thể lên cót bằng tay và những chiếc đồng hồ automatic thì lại chưa thể tích hợp được chức năng bấm giờ.

Một tờ quảng cáo đồng hồ Omega Speedmaster CK 2915 năm 1957. (Ảnh: Revolution Watch)

Khi ấy, trên thị trường đồng hồ chronograph vẫn còn đang tồn tại hai cái tên lớn của làng chế tác cơ khí, chính là OmegaHeuer. Với Omega là sự ra đời của dòng Speedmaster huyền thoại vào năm 1957, và sau đó là câu chuyện nổi tiếng bậc nhất của thế giới đồng hồ, khi “Speedy” đã được đeo trên cổ tay của những phi hành gia NASA đặt bước chân đầu tiên của loài người lên Mặt Trăng. Còn đối với Heuer, họ là thương hiệu thống trị của các giải đua xe nổi tiếng nhất thế giới khi ấy và có tên trên cổ tay của những tay đua khét tiếng.

Thế nhưng, việc sụt giảm doanh số từ đồng hồ chronograph đi cùng với việc những chiếc đồng hồ lên cót tự động ngày càng phổ biến; khi ấy, toàn ngành chế tác đồng hồ chronograph Thuỵ Sĩ phải đối mặt với một thách thức to lớn –  hoặc tích hợp chức năng bấm giờ vào bên trong những chiếc đồng hồ automatic, hoặc đi đến bờ vực phá sản.

Vào khoảng giữa những năm 60, những liên minh giữa các thương hiệu đồng hồ dần được hình thành để tham gia vào cuộc đua khốc liệt nhất trong thế giới chế tác đồng hồ – tạo ra chiếc đồng hồ automatic chronograph đầu tiên. Những liên minh đó bao gồm: liên minh Chronomatic (Heuer – Breitling – Hamilton – Dépraz & Co.), liên minh Zenith – Movado – Mondia, và cuối cùng là Seiko đơn thương độc mã phía bên kia đại dương.

LIÊN MINH ĐỒNG HỒ CHRONOMATIC BAO GỒM HEUER – BREITLING – HAMILTON VÀ DUBOIS-DEPRAZ

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Đầu tiên, hãy bắt đầu với hai nhà sản xuất đồng hồ chronograph không đội trời chung là HeuerBreitling. Cả hai thương hiệu này đều có được chỗ đứng và thành công nhất định trong thị trường đồng hồ chronograph và đồng hồ chronograph bỏ túi trong khoảng những năm 1900.

Vào thời điểm đó, Heuer đang dẫn đầu thị trường khi là nhà cung cấp đồng hồ cho Thế vận hội Olympic trong nhiều thập kỷ kể từ năm 1920 với chiếc Micrograph – chiếc đồng hồ bấm giờ thể thao đầu tiên trên thế giới chính xác đến 1/100 giây. Vâng, là 1/100 giây, trong khi giới hạn tối đa độ chính xác của hầu hết các dụng cụ đo thời gian khi ấy là ⅕ giây. Sau này, phải mãi 12 năm sau, tức là vào năm 1932 tại Los Angeles, Omega mới lần đầu tiên xuất hiện tại Thế vận hội Olympic với ba mươi chiếc đồng hồ bấm giờ.

Chiếc đồng hồ chronograph với một nút bấm duy nhất ở góc 2 giờ của Breitling được chế tạo vào năm 1915. (Ảnh: Kho lưu trữ Breitling)

Đối với Breitling, đây là một nhà chế tác đồng hồ vô cùng nổi tiếng về những mẫu đồng hồ bấm giờ được sử dụng trong ngành hàng không và gắn liền tên tuổi với phi công và máy bay. Breitling cũng rất nổi tiếng khi phát minh ra chiếc đồng hồ bấm giờ được trình làng vào năm 1915 với một nút bấm ở vị trí 2 giờ, chỉ 2 năm ngay sau khi Longines chế tạo ra chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên với bộ chuyển động 13.33Z. Khoảng những năm 60, khi ấy Jack Heuer (lúc đó đang là Chủ tịch của Heuer) đã đề nghị Willy Breitling (khi ấy đang là chủ tịch của Breitling) cùng bắt tay hợp tác chế tạo nên chiếc đồng hồ automatic chronograph đầu tiên. Breitling lúc này có vai trò là đối tác chiến lược cung cấp nguồn vốn cho dự án.

Sau này, thị trường đồng hồ bấm giờ bỏ túi đã thu hút được sự chú ý từ các thương hiệu khác. Trong đó có sự tham gia mà sau này dần trở thành huyền thoại như Lemania, Omega, Reymond Frères (tiền thân của Valjoux sau này), UniversalVenus.

BürenUniversal đã độc lập phát triển micro-rotor, được giới thiệu vào năm 1958. (Ảnh: Europa Star)

Vào khoảng những năm 50, thế giới đồng hồ một lần nữa chứng kiến xu hướng của những chiếc đồng hồ siêu mỏng và nhỏ gọn. Trong thời gian này, cả UniversalBüren đã làm việc độc lập song song với nhau để phát triển một cơ chế lên cót mới cho đồng hồ đeo tay, cho phép giảm thiểu tối đa độ dày của chiếc đồng hồ. Cơ chế mà sau này được biết đến dưới cái tên “micro-rotor”. Đây là một kỹ thuật tân tiến trong việc sắp xếp, thiết kế các linh kiện trong bộ chuyển động, thay vì xếp chồng lên nhau thì họ sẽ tối đa hoá không gian của các linh kiện giúp chiếc đồng hồ đạt được độ mỏng tối đa, điều này đồng nghĩa với việc rotor sẽ được làm nhỏ lại và thiết kế chìm vào bộ máy.

Vào năm 1966, Hamilton – một công ty của Mỹ đã mua lại Büren và trở thành đối tác trong liên minh Chronomatic, điều này cũng đồng nghĩa với việc, Hamilton kể từ 1966 trở đi chính thức trở thành một công ty chế tác đồng hồ chuẩn Swiss Made.

Và cuối cùng là cái tên Dubois-Depraz. Đây là một công ty được ra đời vào năm 1901, họ không sản xuất bất kỳ chiếc đồng hồ hay bộ máy nào. Họ đơn giản chỉ là kết hợp với những công ty đồng hồ lớn để biến những bộ chuyển động cơ bản thành những chiếc đồng hồ có chức năng phức tạp hơn. Dù xuất phát điểm không nhận được nhiều sự chú ý, thế nhưng sau cùng, chính Dubois-Depraz lại là mảnh ghép cuối cùng với một ý tưởng về cơ chế bấm giờ vô cùng tiên phong lúc ấy, và hoàn toàn khả thi để kết hợp với bộ chuyển động automatic siêu mỏng của Büren.

CALIBRE 11

Với sự gật đầu của Dubois-Depraz về tính khả thi trong việc chế tác nên một chiếc đồng hồ automatic chronograph, ngay lập tức liên minh Chronomatic gần như sẵn sàng đi vào hoạt động với Dự án 99 – cái tên tuyệt mật được đặt ra để thay thế cho “dự án đồng hồ automatic chronograph” khi ấy.

Hình ảnh trong một tờ quảng cáo về mẫu đồng hồ Chronomatic của liên minh Heuer – Breitling – Hamilton tại Hội chợ Basel 1969. (Ảnh: On The Dash)

Cả bốn công ty khi tham gia liên minh Chronomatic đều đảm nhận một nhiệm vụ riêng và đều có những khó khăn nhất định. Büren chịu trách nhiệm để phát triển bộ chuyển động nền tảng với cơ chế micro-rotor, Depraz chịu trách nhiệm phát triển module cơ chế bấm giờ để bổ sung vào bộ chuyển động nền tảng của Büren. Ba thương hiệu còn lại là Heuer, BreitlingHamilton (khi ấy là đã mua lại Büren) sẽ chịu trách nhiệm chế tạo các bộ vỏ đồng hồ và lắp ráp bộ máy vào trong những bộ vỏ ấy.

Như vậy, có thể thấy, Calibre 11 hay Chronomatic chính là bộ chuyển động dạng module (modular movement) với hai bộ phận hoàn toàn độc lập. Đầu tiên là bộ chuyển động nền tảng đến từ Büren với cơ chế lên cót tự động micro-rotor, kết hợp cùng module bấm giờ của Dubois-Depraz. Module bấm giờ của Depraz sẽ được đặt lên phía trên bộ chuyển động nền tảng của Büren.

Calibre 11

Đây là một bộ chuyển động đặc biệt với tần số dao động là 19.800 bph và 42 giờ trữ cót. Calibre 11 hiển thị trên mặt số dưới dạng bi-compax với bộ đếm 30 phút ở vị trí 3 giờ và bộ đếm 12 tiếng ở vị trí 9 giờ, sẽ không hề có mặt số phụ cho kim giây, lịch ngày được hiển thị ở vị trí 6 giờ. Vị trí núm chỉnh đồng hồ được điều chỉnh sang hướng 9 giờ thay vì 3 giờ như bình thường.

TRÌNH LÀNG

Vào ngày 03 tháng 03 năm 1969, liên minh Heuer, Breitling, Hamilton đã tổ chức các cuộc họp báo khác nhau tại các thành phố lớn như Geneva, New York, Tokyo, Hong Kong để giới thiệu dự án Chronomatic lần đầu ra công chúng. Đây là một lễ kỷ niệm mà chính họ tự gọi mình là kẻ chiến thắng với kết quả là việc ra mắt một dòng đồng hồ hoàn toàn mới – “đồng hồ bấm giờ lên dây cót tự động”.

Trang bìa của SWJJ năm 1969 đã thông báo về việc ra mắt đồng hồ automatic chronograph đầu tiên trên thế giới bởi 3 thương hiệu Thuỵ Sĩ. (Ảnh: Hodinkee)

Đến Hội chợ Basel 1969, cả ba hãng đồng hồ trong liên minh khi ấy là Heuer, BreitlingHamilton đều cho trình làng những mẫu đồng hồ automatic chronograph của hãng với năng lượng được cung cấp bởi chính bộ chuyển động Calibre 11. Trong đó có những mẫu đồng hồ mà sau này trở thành huyền thoại như Heuer Monaco, Breitling ChronomatHamilton Chrono-Matic.

“Chính Hội chợ Basel năm 1969 đã thuyết phục HeuerBreitling rằng: chúng tôi – trên thực tế – đã đi trước Zenith vài tháng trong cuộc đua thực sự, cuộc đua chế tạo ra những chiếc đồng hồ automatic chronograph đầu tiên. Đối với chúng tôi, để có được 100 mẫu đồng hồ trong hơn sáu tháng, so với chỉ vỏn vẹn 2 hoặc 3 mẫu của Zenith, không còn nghi ngờ gì nữa, rằng chúng tôi đã vượt xa trong cuộc đua đưa những chiếc đồng hồ này ra thị trường đại chúng.” – JACK HEUER

Ngay sau khi kết thúc Hội chợ Basel 1969, cả Heuer, BreitlingHamilton đã giao khoảng 100 mẫu đồng hồ Chronomatic của họ cho các nhà phân phối. Kết quả là, ngay trong mùa hè năm 1969 (vào khoảng tháng 08 năm 1969), liên minh này đã hoàn thành việc sản xuất hàng loạt dòng đồng hồ Chronomatic và sẵn sàng để giao đến tay khách hàng trên toàn thế giới thông qua các đại lý bán lẻ.

LIÊN MINH ZENITH – MOVADO – MONDIA

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Năm 1911, một nhà máy sản xuất đồng hồ ở vùng Le Locle được thành lập bởi người thợ đồng hồ Georges Pellaton-Steudler nhằm sản xuất ra những bộ máy điểm chuông và bấm giờ phức tạp – được đặt tên là Martel Watch Co. Tại đây, xưởng chế tác đồng hồ Martel nhanh chóng nhận được sự chú ý của cả Universal lẫn Zenith. Và đây cũng chính là khởi đầu cho sự kiện Zenith mua lại Martel Watch Co., sau này (khoảng từ năm 1958 đến năm 1962, chưa xác định) để tạo nên huyền thoại El Primero vào năm 1969.

Một quảng cáo của công ty Martel vào khoảng thập niên 50.

Vào cuối năm 1968, Zenith khi ấy đang vướng phải một tranh chấp pháp lý về quyền sử dụng nhãn hiệu với Zenith Radio Corporation – đây là một công ty thuộc sở hữu của người Mỹ. Vì vậy, Zenith đã phải sáp nhập với Movado để có thể tiếp tục bán sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ. Đây sẽ là một yếu tố then chốt khi mà Jack Heuer và liên minh Chronomatic đã cho rằng Zenith với sản lượng nhỏ, cũng như vướng vào tranh chấp pháp lý tại thị trường Mỹ (thị trường quan trọng nhất) sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.

Cũng vào cuối năm 1968, liên minh Zenith – Movado đã mua lại Mondia (một thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ được thành lập vào khoảng năm 1900, tập trung vào phân khúc thị trường đại chúng và có khả năng sản xuất số lượng lớn) để lập nên liên minh Zenith – Movado – Mondia.

EL PRIMERO

Như đã nói ở trên, Calibre 11 hay Chronomatic là một bộ chuyển động dạng module với hai bộ phận độc lập. Trái lại, Zenith tham vọng hơn rất nhiều. Họ muốn một chiếc đồng hồ automatic chronograph với bộ chuyển động dạng tích hợp (integrated movement). Điều này có nghĩa rằng, toàn bộ bộ chuyển động là một thể thống nhất và chức năng bấm giờ phức tạp là một phần của toàn bộ bộ chuyển động thay vì là hai bộ phận xếp chồng lên nhau như dạng module.

Sau khi mua lại công ty sản xuất bộ chuyển động Martel, Zenith đã ngay lập tức bắt tay vào phát triển bộ máy automatic chronograph đầu tiên dành cho riêng mình. Thế nhưng, có lẽ Zenith đã đặt một mục tiêu hơi cao khi mong muốn một bộ chuyển động dạng tích hợp với bánh xe dạng cột, chạy ở tần số cao 36.000 bph và phải hoàn thành vào đúng năm 1965 để kịp cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập công ty. Khỏi phải nói, Zenith với đội ngũ có phần non trẻ của Martel đã thất bại khi không thể trình làng bộ chuyển động vào đúng dịp lễ kỷ niệm.

Một quảng cáo về chiếc đồng hồ Zenith El Primero năm 1969. Ở góc dưới cùng bên phải của tờ quảng cáo có ghi “một sản phẩm của ZENITH-MOVADO”.

Phải mất tới gần 7 năm sau, kể từ năm 1962 cho đến tháng 12 năm 1968, Zenith mới có được những nguyên mẫu đầu tiên của bộ chuyển động El Primero. Và thực sự, El Primero khi ra mắt đã không làm thất vọng giới mộ điệu và cả ban lãnh đạo của công ty. Zenith El Primero là chiếc đồng hồ automatic chronograph với tần số dao động lên tới 36.000 bph, bộ chuyển động dạng tích hợp với bánh xe dạng cột (column wheel), có mặt số phụ dành cho kim giây và mỏng 6,5mm (một độ mỏng thực sự ấn tượng vào thời điểm đó).

Một quảng cáo khác về 3 mẫu đồng hồ Zenith El Primero năm 1969. (Ảnh: Monochrome Watches)

Thậm chí, bộ chuyển động El Primero còn xuất sắc đến mức, chính Rolex trong khoảng những năm cuối của thập niên 80 đã lựa chọn El Primero làm bộ chuyển động cho mẫu đồng hồ Daytona của mình, thay thế cho bộ chuyển động Valjoux trước đó.

TRÌNH LÀNG

Ngày 10 tháng 01 năm 1969, liên minh Zenith – Movado đã cho trình làng mẫu đồng hồ mới của mình với tên gọi “El Primero” và quảng cáo như một chiếc đồng hồ bấm giờ lên cót tự động đầu tiên của thế giới. Tuy nhiên, lần ra mắt này chỉ là một cuộc họp báo nhỏ ở Thuỵ Sĩ, và không nhận được sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông thế giới.

El Primero A386 sản xuất năm 1969. (Ảnh: Phillips)

Và phải đến tận tháng 10 cùng năm, người hâm mộ mới được nhìn thấy những chiếc Zenith El Primero đầu tiên trên các kệ hàng của Zenith. Điều này khiến El Primero trở thành người về thứ ba có mặt trên thị trường đại chúng, xếp sau liên minh Chronomatic và một thương hiệu khác dường như đã bị lãng quên trong cuộc đua này – Seiko.

SEIKO

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Trong cuốn sách “Lịch sử của Seiko 5 Sports Speed-Timer” do tác giả Sadao Ryugo xuất bản vào năm 2019, tài liệu đã có ghi chép lại rằng, nguyên mẫu đầu tiên của Seiko 6139 đã được hoàn thiện vào tháng 09 năm 1968 và quy trình sản xuất hàng loạt cho mẫu đồng hồ này được bắt đầu vào tháng 10 cùng năm. Điều đó có nghĩa rằng, Seiko đã đi trước cả liên minh Chronomatic lẫn Zenith vài tháng.

Trang bìa của cuốn sách “Lịch sử của Seiko 5 Sports Speed-Timer”. (Ảnh: Seiko)

“Nói cách khác, khi Zenith thông báo hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên vào tháng 01 năm 1969 và Heuer vào tháng 03 năm 1969, Suwa Seikosha (công ty con của Seiko lập ra để gia công sản phẩm cho chính công ty mẹ) đã đang ở trong quá trình sản xuất hàng loạt mẫu Seiko 6139 và chuẩn bị đưa đến tay người tiêu dùng.”

Tác giả Sadao Ryugo viết trong cuốn “Lịch sử của Seiko 5 Sports Speed-Timer”

SEIKO 6139

Tại thời điểm đó, ông Itiro Hattori (Chủ tịch của Seiko) đã đến thăm gian hàng của Heuer tại Basel 1969 và chúc mừng họ với tuyên ngôn của mình về những chiếc đồng hồ automatic chronograph đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, ông không hề hé lộ bất cứ một thông tin gì về việc Seiko cũng đang trưng bày một chiếc đồng hồ automatic chronograph – Seiko 6139 tại quê nhà Nhật Bản.

Catalog của Seiko năm 1969, quyển 2 với hình ảnh chiếc đồng hồ Seiko 6139. (Ảnh: Seiko)

Đây là một bộ chuyển động dạng tích hợp với bánh xe dạng cột và ly hợp dọc. Chiếc đồng hồ chỉ có duy nhất một kim giây bấm giờ nằm ở trung tâm mặt số. Ở góc 6 giờ là một mặt số phụ để đo thời gian bấm giờ với thời gian tối đa là 30 phút.

Núm chỉnh đồng hồ ở vị trí 3 giờ được tích hợp vào bên trong bộ vỏ, chỉ để lộ ra hai nút bấm cho chức năng bấm giờ ở góc 2 và 4 giờ. Bộ chuyển động 6139 này cũng được trang bị chức năng lịch ngày và lịch thứ đi cùng cơ chế thiết lập nhanh.

TRÌNH LÀNG

Seiko 6139 sản xuất năm 1969.

Theo các nguồn thông tin của Seiko, thương hiệu đã cho ra mắt chiếc đồng hồ automatic chronograph Seiko 6139 cho thị trường nội địa Nhật Bản vào khoảng tháng 05 năm 1969 (báo cáo nội bộ của Seiko ghi lại rằng, ngày phát hành tại các cửa hàng bán lẻ là 21 tháng 05 năm 1969).

AI LÀ KẺ CHIẾN THẮNG?

Thực sự, đây là một câu hỏi cực kỳ hóc búa và rất khó để trả lời một cách toàn vẹn và chính xác nhất. Đầu tiên, chúng ta cần lưu ý rằng, cách tiếp cận của cả ba bộ chuyển động là vô cùng khác nhau. Đối với ZenithSeiko là bộ chuyển động dạng tích hợp (Integrated movement) phức tạp hơn rất nhiều với bánh xe dạng cột. Còn đối với Calibre 11 là một bộ chuyển động dạng module (Modular movement) có phần đơn giản hơn.

Tiếp theo, hãy xem xét đến vấn đề thời gian. Ở đây sẽ hơi phức tạp hơn một chút. Với El Primero, Zenith đã giới thiệu vào khoảng tháng 01 năm 1969, thế nhưng phải đến tháng 10, những chiếc đồng hồ mới xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ. Trong khi những mẫu đồng hồ Chronomatic của Heuer – Breitling – Hamilton lại giới thiệu chậm hơn hai tháng – vào tháng 03 năm 1969 nhưng đã sẵn sàng nguồn cung số lượng lớn vào khoảng tháng 08. Và cuối cùng là Seiko, Seiko hoàn toàn im hơi lặng tiếng trên thị trường toàn cầu và chỉ có thông cáo báo chí trong thị trường Nhật Bản vào tháng 05 năm 1969, đây cũng là thời điểm những chiếc Seiko 6139 đã có mặt trên các gian hàng bán lẻ nội địa Nhật Bản.

Có lẽ, mỗi thương hiệu đều có những lý lẽ riêng để chứng minh họ là người chiến thắng trong cuộc đua đầy khốc liệt nhưng cũng không kém phần hấp dẫn này. Và bất kể câu trả lời là ai, thì cả ba cái tên El Primero, Calibre 11Seiko 6139 đều xứng đáng được ghi nhận là người tiên phong có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử chế tác đồng hồ đương đại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *