Fit is King – tất nhiên rồi, sự vừa vặn là “vua” khi lựa chọn tất cả các loại trang phục, đặc biệt khi đã lựa chọn tới Sartorial – trang phục thuộc về may đo theo phong cách Âu phục cổ điển. Nhưng liệu rằng có phải cứ diện Âu phục là già – hay mở rộng ra, làm thế nào để xoá bỏ được định kiến này dành cho những người còn ngần ngại khi mới bắt đầu?
Một trong nhiều chi tiết cấu thành nên cảm giác mặc của trang phục là độ dài quần, tạo nên “Break” – nếp gãy gập được của ống quần, có hoặc không, nhiều hoặc ít đối với các cấp độ break từ Full Break cho tới No Break, được xác định chuẩn nhất khi chúng ta đứng thẳng để tránh các chuyển động tạo độ xê dịch. Đầu tiên, chúng ta sẽ nhận biết và phân biệt những độ gãy gập này khác nhau ra sao.
1. No Break
Quần “No Break” được xác định khi chiều dài quần vừa chạm vào giày, không tạo những đường gãy gập khi đứng thẳng, có thể lộ ra một chút phần tất nếu nhìn theo phương ngang. Đây là kiểu break phổ biến với những người trẻ hiện nay tại Việt Nam khi vừa tạo được độ trẻ trung cần thiết, vừa lịch sự để diện cùng trang phục “vốn đã mang tính lịch sự” này, không show ra quá đà những đôi tất dài phía bên trong.
No Break theo quan sát sẽ phù hợp với những chiếc quần có phần ống nhỏ (cần phân biệt khác với ống bó), không quá nặng tinh thần “classic” của quần ống rộng bay phất phơ trong gió.
2. Quarter Break và Half Break
Tới đây, tôi gộp chung hai kiểu break này lại thành một vì với tôi, đây đều là những kiểu “break nhẹ” và có thể sẽ nhầm lẫn đôi chút vì chúng không có quá nhiều khác biệt. Chạm tới giày và tạo thành nếp gãy nhẹ, không để lộ tất khi nhìn theo phương ngang, hai độ break này chắc chắn tạo được sự đứng đắn, nghiêm túc cần có khi diện tới Business Suit hay tách lẻ cho những chiếc quần Âu mang độ trang trọng nhất định.
3. Full Break
Đây chính là kiểu break mang lại độ “dừ” cao nhất mà các bạn thường mặc định ngần ngại khi tìm tới quần Âu. Full Break sẽ tạo nên nếp gãy lớn trước ống quần, và chính điều này sẽ tạo cảm giác “thừa thãi” của phần vải dồn nhiều xuống phần cổ chân này.
Những chiếc quần Full Break có độ dài qua mắt cá chân và phù hợp với những chiếc quần ống rộng rãi để vừa đủ dài và rộng cho việc phủ lên mặt trên của những đôi giày
4. Một số lưu ý
- Cuffs (hay lơ-vê) theo kinh nghiệm từ những người chơi nên chọn với quần No Break, còn từ Quarter Break trở lên nên chọn quần không gấu lơ-vê để giữ được sự liền mạch và nghiêm túc cho trang phục. Và dù là ở break nào, dù có cuffs hay không thì chiếc quần của bạn ở cả mặt trước và sau không nên tạo hiệu ứng “dồn” quá nhiều cho phần cổ chân gây bùng nhùng thiếu tinh tế và mất đi tính thẩm mỹ nói chung, thế nên hãy thật chú ý trong quá trình may đo.
- Cần lưu ý, quần No Break khác với quần cropped (quần cộc). Thường thấy với các kiểu quần hiện đại này nay là độ cộc chưa chạm mắt cá chân, với cá nhân tôi, đã diện quần Âu thì nên tránh xa.
Trên đây là một số nhận biết về những cấp độ break của quần Âu – một trong những điểm khiến người ta phân vân “mặc già hay trẻ” khi tìm tới Âu phục. Dĩ nhiên, để tạo nên một chiếc quần ưng ý còn là cả quá trình trao đổi của khách hàng với người thợ, cùng việc người thợ sẽ đưa ý tưởng thành hình như thế nào nữa.
Chẳng vậy mà may đo luôn thú vị, và Sartorial vẫn luôn là cuộc chơi thực sự dài hơi…
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”
Được nhắc tới trong: Chuyện chơi tất - Sartorial