Ngày 12/05/2024, Sartorial Vietnam kết hợp cùng thương hiệu giày da thủ công Colin Martin đã tổ chức sự kiện “#5 BÀN: Giày Tây – Muôn Dáng Vạn Da” tại cửa hàng 100 Trần Phú, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Sự kiện lần này đã cung cấp trải nghiệm “bóc tách” từng bộ phận trên một đôi giày thủ công, giới thiệu các thiết kế giày độc đáo của thương hiệu, cũng như trình diễn kỹ thuật đánh gương mirror shine, tăng thêm hiểu biết về việc chăm sóc để giày da của chúng ta được bền, được mới.
“Giải phẫu” giày da – có gì trong những đôi giày thủ công?
Mở đầu buổi trò chuyện, host Khánh Sartorial – Sartorial Vietnam đã đặt ra một thử thách thú vị tới chủ thương hiệu Colin Martin – Mr. Việt Anh: đó là “giải phẫu” một đôi giày da Goodyear Welt thủ công để cùng tìm hiểu các yếu tố định hình nên một đôi giày chất lượng. Mr. Việt Anh đã hào hứng chia sẻ 10 bộ phận chính cấu thành nên một đôi giày da, thông qua những giáo cụ vô cùng trực quan:
1. Da mũ (Upper)
Đây là phần da bề mặt của đôi giày, tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân tự nhiên từ môi trường. Da mũ ảnh hưởng rất lớn tới đặc điểm của một đôi giày: màu sắc, chi tiết trên da, đặc điểm bề mặt… Phần da mũ thường được tạo nên từ nhiều mảnh da khác nhau (với giày wholecut thì chỉ sử dụng một tấm duy nhất), hay thậm chí từ các chất liệu không phải da.
2. Da lót (Lining)
Một đôi giày da thông thường sẽ có phần da lót tiếp xúc ở phần mu bàn chân và hai bên bàn chân. Lớp da này thường được làm từ da cừu, do loại da này có nhiều lỗ chân lông có tác dụng thấm hút mồ hôi rất tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, phần da này có thể không còn giữ được đặc tính thấm hút tốt như ban đầu. Mr. Việt Anh có đem tới một dẫn chứng về giày của thương hiệu Gucci, khi các đôi giày của thương hiệu đều có phần lining có khả năng thấm hút cực tốt sau nhiều năm sử dụng, dù chính bản thân anh cũng chưa rõ chất liệu phần da lót này có cấu tạo ra sao.
3. Miếng định hình cho mũi và gót giày – miếng pho (Stiffeners)
Miếng định hình này không chỉ có tác dụng định hình và thiết kế cho đôi giày, tăng được độ cứng cáp cho phần mũi và phía sau, mà còn là chi tiết cần thiết để người sử dụng có thể thực hiện kỹ thuật đánh gương mirror shine trên đôi giày của mình.
4. Đế trong (Insole)
Đế trong là chi tiết trung gian kết nối với phần đế, và là nơi bàn chân người sử dụng tiếp xúc với đôi giày. Để tăng khả năng hút mùi, khô thoáng, cũng như cải thiện cảm giác di chuyển của bàn chân từ các lớp đệm, thương hiệu Colin Martin đã nghiên cứu phần lót da cừu ôm trọn toàn bộ lòng giày, ngăn cách bàn chân chạm trực tiếp lên phần lót đế này.
5. Gỗ bần (Cork)
Mr. Việt Anh cho biết, phần gỗ bần chính là chi tiết đặc trưng không thể thiếu của giày Goodyear Welt. Phần gỗ bần được làm từ vô số vụn gỗ ép lại cùng chất kết dính, vừa giúp người dùng giảm phản lực từ bàn chân khi sử dụng, vừa định hình bàn chân của người dùng sau một khoảng thời gian tác động lực.
6. Shank
Shank được Mr. Việt Anh giới thiệu là một tấm kim loại nhỏ, được đặt tại trung tâm của đôi giày, vì theo anh đây là phần yếu nhân trên trục giày. Một đôi giày da sau các cử động thường ngày cần tấm shank này để có thể giữ được hình dáng được gần với nguyên bản, tránh tình trạng võng xuống và xô lệch – nên có thể coi đây như “xương sống” cũng không sai.
7. Đế ngoài (Outsole)
Phần đế trên những đôi giày Goodyear Welt được làm từ các miếng da có độ bền cao, chuyên được thuộc riêng cho mục đích làm đế giày. Da đế sẽ được cắt gọt theo thiết kế ban đầu để góp phần tạo hình vừa vặn.
8. Gót giày (Heel)
Chi tiết gót giày được thương hiệu Colin Martin sử dụng có cấu tạo hai phần: phần da và cao su. Phần da ở gót giày được ghép từ nhiều tấm da khác nhau, “…trông giống gỗ mà chẳng phải gỗ!” – Mr. Việt Anh cho hay. Chi tiết cao su được chèn giữa các lớp da, đem tới trải nghiệm di chuyển êm ái hơn, cũng như giảm mòn vẹt, dễ dàng sửa chữa khi cần.
Host Khánh Sartorial lúc này đưa ra câu hỏi: Vì sao các shoemaker không sử dụng chất liệu gỗ cho phần gót này? Mr. Việt Anh giải thích rằng về bản chất, da thuộc có độ bền cùng tính linh hoạt cao hơn gỗ nhiều lần; chất liệu da dễ dàng xử lý, thao tác hơn nhiều gỗ trong việc tạo hình, nhuộm màu và khả năng kháng nước. Gỗ dù bền bỉ, song lại quá cứng, vô hình chung làm trải nghiệm sử dụng giày rất nặng nề.
9. Miếng nhiễu (Grid)
Miếng nhiễu là chi tiết dễ thấy nhất trên viền đế, không chỉ có hình dáng đẹp mắt, mà còn đóng vai trò như chiếc khung bảo vệ đôi giày, hạn chế va quệt tới phần da mũ và tăng độ bền cho đôi giày trong quá trình sử dụng. Với các đôi giày Goodyear, thì phần grid được may tại Welt – chi tiết liên kết vô cùng quan trọng của đế trong và đế ngoài đôi giày.
10. Miếng kim loại trên mũi giày (Metal Toe Tap)
Metal Toe Tap là miếng kim loại nhỏ, được gắn ở mũi giày với mục đích trang trí, bảo vệ phần mũi giày không bị ảnh hưởng nhiều khi va chạm mạnh, và hạn chế hiện tượng mòn vẹt mũi giày. Mr. Việt Anh cho hay, đây không phải là chi tiết “phải có” trên một đôi giày da, nhưng lại là “thú vui nho nhỏ” của những người chơi giày, thể hiện lựa chọn có gu của những người “biết chơi”.
Last giày – “hồn cốt” hình thành từng sản phẩm tuyệt mỹ
Chia sẻ về các sản phẩm tại Colin Martin, Mr. Việt Anh cho biết thương hiệu hiện đang có năm last cùng thiết kế giày tiêu biểu, với nhiều sáng tạo khác nhau trên từng last. Mỗi đôi giày sẽ được thương hiệu sản xuất với hình thức MTO trên các last khác nhau, cụ thể như sau:
1. Last mũi nhọn: luôn cho hiệu ứng thị giác “nịnh mắt” về kiểu dáng, tạo ra sự ấn tượng cho tổng thể trang phục. Tuy nhiên, loại last này chỉ phù hợp với dáng chân nhỏ gọn, do có hình dáng thuôn gọn, đường nét rõ ràng và thon lại ở phía mũi giày.
2. Last mũi vuông: có thiết kế khỏe khoắn nhưng vẫn đủ lịch sự. Last mũi vuông là sự lựa chọn hoàn hảo cho dáng chân rộng và ngón chân to bởi sự rộng rãi ở phần mũi giày, Tuy vậy, đây cũng là last giày có tính trang trọng cao, ít có nhiều thiết kế nổi bật cũng như không quá đa dụng trong đời sống hằng ngày.
3. Last mũi tròn: là loại last có tính đa dụng và độ thoải mái cao, dù không quá ấn tượng hay bóng bẩy so với các last khác.
4. Last cân đối: là loại last phù hợp với nhiều dáng bàn chân, đem tới cảm giác thoải mái khi sử dụng và “thân thiện” ở phần nhìn.
5. Giày không cấu trúc: là thiết kế được lột bỏ lớp lót (lining) để giảm trọng lượng, tăng tính linh hoạt và độ mềm cho đôi giày; phần mặt trong của da mũ là da lộn cũng giúp bàn chân thoáng khí hơn. Giày không cấu trúc sẽ không có kiểu dáng quá nổi bật, cũng như phụ thuộc nhiều vào dáng chân người sử dụng.
Với năm phân loại này, thương hiệu Colin Martin có thể linh hoạt lựa chọn, điều chỉnh chiều dài và chiều ngang sao cho phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng và hình dạng bàn chân của khách hàng. Điều này giúp khách hàng có thể tối đa hóa lựa chọn của mình trên một đôi giày MTO – giúp đôi giày thành phẩm mang tính độc bản vô cùng cao.
Bàn về chất liệu da trong sản xuất giày, Mr. Việt Anh chia sẻ các loại động vật phổ biến được sử dụng để thu hoạch da là da bê/bò, và da ngựa, bởi những loại da này có đủ độ cứng cáp để phục vụ cho quá trình gò – kéo tạo hình trên last. Một số chất liệu da quý hiếm cũng được dụng để trang trí trên các chi tiết nhỏ. Host Khánh Sartorial đặt ra câu hỏi: “Liệu có thể nhìn bề mặt da mũ để phân biệt da chất lượng cao và kém hay không?”. Mr. Việt Anh giải thích rằng bề mặt không quyết định toàn bộ chất lượng của một tấm da, do còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như màu sắc tự nhiên, tỉ lệ lỗ chân lông, độ “đanh” của da… Tuy vậy, trong đa số trường hợp, bề mặt da láng mịn, mềm và ít nhăn là ưu điểm để nhận biết một đôi giày da tốt (một số mục đích sử dụng đặc thù sẽ yêu cầu loại da cứng cáp hơn).
Một vị khách tham dự sự kiện đã đặt ra một câu hỏi rất thú vị: “Làm thế nào để giày da ít bị nhăn?”. Mr. Việt Anh thẳng thắn cho rằng: “Người tiêu dùng sẽ không còn cái nhìn tiêu cực về da nhăn nếu vết nhăn không xấu”, bởi nhăn là điều không thể tránh khỏi trên chất liệu da sau quá trình break-in và sử dụng thực tế. Để vết nhăn đẹp, các dòng da có bề mặt tương đối linh hoạt sẽ giúp vết nhăn có dạng sóng lượn (da lộn, da hạt, da sáp, da dập vân); đôi giày cần vừa vặn với đôi chân chứ không nên đi giày quá rộng. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng cần hạn chế các tư thế gấp giày, cũng như cần có thói quen dưỡng da giày phù hợp.
Cuối cùng, để kết thúc sự kiện, thương hiệu Colin Martin đã trực tiếp trình diễn và giải thích kỹ thuật đánh gương mirror shine, cũng như đưa ra những lời khuyên cho việc bảo quản và vệ sinh giày da tại nhà.
Với mong muốn “Chơi từ bản chất” và tạo ra không gian trao đổi gần gũi cho cộng đồng đam mê phong cách Âu phục cổ điển, sự kiện “#5 BÀN: Giày Tây – Muôn Dáng Vạn Da” khép lại, đưa ra nhiều góc nhìn chuyên sâu về giày da thủ công, cũng như tạo ra một không gian kết nối gần gũi tới cộng đồng yêu thích Âu phục cổ điển.
Sartorial Vietnam xin được cảm ơn những vị khách mời đã dành thời gian tham dự sự kiện. Xin cảm ơn thương hiệu giày da Colin Martin đã cùng đồng hành với chúng tôi trong sự kiện lần này.
Bài viết: Blake Phạm; Hình ảnh: TrungNT
Nền tảng toàn diện về phong cách cổ điển
Sartorial Vietnam – A Bespoke Lifestyle