Tôi đang mặc ít-bóng-bẩy hơn, và cảm nhận được rằng nhiều người sống quanh tôi phần nào cũng như vậy.
Sau hai năm mà chúng ta coi kinh tế đang dần được phục hồi kể từ thời điểm kết thúc đại dịch – chí ít đặt niềm tin là thế – cho đến khi những con số phản ánh lên hiện thực: ngành nghề tôi hoạt động liên quan tới Âu phục cổ điển với vai trò của một người bán, ở mùa cao điểm này vẫn khá não nề ảm đạm nếu so với cùng kỳ của ngay năm ngoái mà thôi, thì có lẽ xu hướng bình thường hoá trong ăn vận cần dần phải nhắc tới nhiều hơn để tương lai gần tìm ra cách xoay chuyển phù hợp. Mở cửa tủ phủi bụi cho những bộ Tuxedo kỳ công đã may trước đó, lại được dịp giáp Tết cuối năm Âm lịch 2024, hiện tôi và các bạn hãy cùng thử suy nghĩ về chủ đề này một lần xem sao.
Xin lưu ý, đây chỉ là quan điểm cá nhân của một người chơi – người làm – người duy trì một nền tảng hiếm hoi về những thú chơi cổ điển là Sartorial Vietnam chứ không đại diện cho bất cứ tổ chức có quyền lực nào để đưa ra những tuyên bố hùng hồn và đanh thép, sự “bình thường” với tôi những năm gần đây được thể hiện ở một số điểm như sau:
Giản dị hơn trong nhiều phong cách
Để có cái nhìn tổng quan hơn về ngành thời trang nói chung trên thế giới trong và sau Covid-19, các bạn có thể tìm đọc những nhận định như Post Pandemic Changes in Fashion hay Fashion Trends During COVID-19 Scenario (dù rằng thời điểm xuất bản có lẽ đã khá xa so với hiện tại); và với Âu phục cổ điển tại Việt Nam tôi cảm nhận thế này.
“Vụ mùa may mặc” với đồ bộ là suit được phần đông người làm nghề tính là kéo dài từ hết tháng 7 cho tới cùng lắm tới hết tháng 1 của năm Âm lịch tiếp theo, nhưng thực ra nở rộ từ khoảng đầu tháng 9 cho tới gần cuối năm Âm lịch – tức là chỉ kéo dài khoảng 4 tháng của mùa cao điểm. Đây là giai đoạn mà phần đông các chú rể và gia đình hai bên sẽ tập trung đầu tư cho trang phục đám cưới, một số gia đình có điều kiện ở mức nhất định sẽ sắm sửa đồ mặc chụp ảnh cuối năm, các công ty có sự kiện gặp mặt như YEP chẳng hạn – ít nhiều lãnh đạo và nhân viên cũng sẽ tìm tới nhà may để nâng cấp về diện mạo, nếu so với chỉ quần Âu sơ mi đóng thùng như thường ngày. Tuy vậy theo quan sát của tôi trong năm nay, đa phần khách hàng đến với các tiệm may với nhu cầu đều là “giản dị”: có thể vẫn yêu cầu kiểu trang phục đủ trang trọng nhưng thông thường chỉ là suit 2 hoặc 3 mảnh, hiếm thấy diện mạo đặc thù hơn như Black Tie (và thậm chí một số người còn chơi tới White Tie) ở những năm trước đó. Không chắc rằng tổng lượng chi tiêu phản ánh thông qua doanh thu ở tất cả các thương hiệu có giảm không và giảm bao nhiêu, nhưng ở những thương hiệu tôi cộng tác làm việc, con số này đã không “xanh” trong thời gian khá dài. Vậy là, chi tiêu nhìn chung hạn chế, và thay vì đầu tư cho một loại trang phục dùng cho một ngữ cảnh cụ thể, người ta có xu hướng lựa chọn áo quần dễ dàng tách lẻ mặc quanh năm – và nhiều năm sau đó.
Ở những phong cách khác, áo thun, quần nỉ, sneakers trơn cũng đã được kể đến qua hai bài viết tôi đã trích dẫn bên trên, từ những món đồ “daily wear” này phần nhiều thể hiện ra sự “xuề xoà” hơn trong ăn vận. “Cách chúng ta ăn mặc được coi là cách thể hiện bản thân, các giá trị, lý tưởng của chúng ta, những gì chúng ta tin tưởng và quan trọng nhất là cách chúng ta muốn thế giới nhìn nhận về mình, điều đó trở thành phong cách của chúng ta” – một câu trích trong Post Pandemic Changes in Fashion có lẽ cũng chỉ ra suy nghĩ của phần đông chúng ta muốn an toàn hơn, bày tỏ tâm lý đời thường hơn qua trang phục. Ở nước ta, các cộng đồng vintage wear, Raw denim và hơi hướng workwear đang được hưởng ứng dù không quá mạnh mẽ nhưng đều khá bền bỉ, hiện thấy rõ một cái nhìn rất “đời” và bụi bặm, không quá “màu mè” mà vẫn cho thấy được cá tính trong việc mặc. Bản thân tôi cũng vậy, gần đây tôi tìm tới một số kiểu mặc khác ngoài Âu phục để tạo cảm hứng mới cho bản thân, và ngay hôm qua thôi là một chiếc áo da trơn, quần khaki bụi bụi cùng một đôi boots đế Christy chắc chắn. Tôi cũng có dự tính viết về kiểu đế này và những loại đế giày thường thấy trên thị trường nên thôi để sau nhé, còn giờ trở lại việc cá nhân chọn những trải nghiệm mới một phần là để… bớt nhàm, phần nhiều cũng là để thân thiện hơn với những người xung quanh – khi mà mọi người đều “giản dị”. Những định kiến với Âu phục cổ điển hiện vẫn còn, và để xem nếu Âu phục bớt cổ điển đi, thì người xung quanh nghĩ sao?
Bền vững hơn trong từng lựa chọn
Trung “béo” team tôi không dành nhiều chi phí đầu tư cho quần áo. Hắn quan tâm tới sự đơn giản này từ lâu rồi, và càng ngày lại càng quan tâm đến độ bền bỉ của từng món đồ. “Bạn ơi đôi này tôi đi 4 năm nay chưa thấy xi nhê” hay “cái áo này có khi tôi mua cả gần chục năm rồi” là những câu nói thường thấy khi hắn kể cho tôi, cũng là một niềm vui khi mua sắm. Lạm bàn về chọn số lượng hay chất lượng nếu chỉ qua một câu chuyện ngắn này sẽ là không đủ dữ kiện và thật phiến diện vì còn tuỳ thuộc vào điều kiện, mức độ chi trả và xu hướng trải nghiệm của từng người; để xem là thực tế xu hướng chúng ta lựa chọn sự bền vững từ kiểu dáng thiết kế tới chất liệu sẽ tới đâu nhé. Đồ theo trend mặc một mùa, những chiếc áo bắt mắt giặt đến nước thứ ba đã nhàu nát không cứu nổi dĩ nhiên vẫn còn tồn tại, nhưng mong rằng chúng ta có thể xem đó là giải pháp tình thế cho những trường hợp bất khả kháng mà thôi.
Trở lại với Âu phục cổ điển, thật ra khi đã nói tới may đo, bạn sẽ cần chi trả một mặt bằng giá chung thuộc dạng cao hơn kha khá cho tới rất nhiều so với các phong cách thời gian đại chúng nói chung khác; chính vì vậy ngay từ khâu đầu vào chất liệu là các nhà dệt, nhà cung cấp cho tới nhà may đều sẽ gợi ý tới bạn những giải pháp chất liệu bền vững, những thiết kế khó “quê” để nhiều năm sau nhìn lại không thấy mình của thời đó thật là dại dột. Tôi mặc Âu phục với đủ thời gian để cảm thấy yên tâm, nay tìm tới những phong cách khác mong rằng cũng sẽ có được những người dẫn đường uy tín để sinh ra nhiều trải nghiệm tốt. Và nhắc lại, dù mặc “giản dị” hơn nhưng đừng nhàm chán để ai cũng giống ai, có thế thì cuộc chơi mới vui, và vui rồi thì chơi mới được bền vững, bạn nhé!
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”