Năm mới nói chuyện đồ cũ

Hơn một ngày nữa là sang năm mới. Thật ra, tôi vẫn còn một số món đồ may đo chưa nhận của năm nay, nhưng thi thoảng thì cái thú đi săn đồ cũ bỗng dưng lại trào dâng và càng vui mừng khi tìm được vài “của hiếm” vừa với cơ thể. Những điều tôi kể dưới đây đã được đưa lên một video quan điểm bữa nọ trên kênh TikTok cá nhân; nhưng để lưu lại được lâu hơn và chia sẻ tới đúng người quan tâm (cụ thể là bạn đọc thường xuyên theo dõi Sartorial Vietnam), tôi sẽ trình bày một vài định kiến còn chưa đúng khi đúng ta lấn sân sang địa hạt đầy thú vị này. Để hiểu đúng rồi chơi cho… cẩn thận, có lẽ sẽ chẳng thừa!

Hình ảnh một cửa hàng đồ cũ tại Toronto luôn tràn ngập sắc màu ấn tượng

1. Đồ cũ là đồ vintage

Đây là chiêu thức “đánh tráo khái niệm” cơ bản của những shop đồ cũ muốn đẩy giá cao, hoặc đơn thuần vì họ ngây thơ không biết nên… gọi đại. Đồ cũ (đồ second hand, đồ si,…) đơn thuần là đồ đã qua sử dụng, có thể người khác vừa mặc tức thì giờ bán lại đã thành đồ cũ của chúng ta rồi. Còn đồ vintage – như các bạn có thể tìm kiếm các nguồn thông tin trên Internet – thì một: phải có “đủ tuổi đời” và hai: phản ánh đúng văn hoá của thời đại đó. Tôi nói điều này có thể sẽ động chạm vì phần đông các cửa tiệm xung quanh vẫn dùng từ “vintage” khi buôn bán, nhưng hầu hết các món đồ của họ chỉ là đồ cũ được sản xuất gần đây, vậy nên “mỹ từ” kia chính bạn cần kiểm định một chút, để kiếm được đồ vintage đúng nghĩa vừa hiếm vừa đẹp mắt thì mới xứng đáng với cái giá cao ngất mà người bán đưa ra chào hàng.

Ví dụ như Shearling jacket đến ngày nay vẫn còn thấy sản xuất, vậy chắc gì đã là vintage?

2. Đồ cũ toàn hàng rẻ tiền vài chục, vài trăm

Từ những dòng cuối tôi kể bên trên thì thấy ngay rằng, tư duy “đồ cũ rẻ tiền” đã là sự chụp mũ vội vàng và thiếu thận trọng. Ví dụ như chiếc áo hiệu hôm đó tôi có thấy trên fanpage của người bán và hỏi giá thì lên tới hơn 10 triệu đồng, với tôi là không hề rẻ; thế nên đồ cũ chính ra cũng có nhiều cấp độ chứ không phải chỉ toàn hàng theo kiện, theo lô nhàu nhĩ chất lượng kém. Lại nói tiếp, chính ra nhiều lúc tôi thấy được những chi tiết hay ho của các món đồ cũ (lơ vê khuy bấm, dây đai bên trong ngực áo) mà nhiều món đồ mới toanh đại trà hiện nay không thấy có – ý tưởng cải tiến và phát triển sản phẩm cho các thương hiệu nội địa chính là từ đây chứ đâu!

Những món đồ cũ chưa chắc đã là rẻ tiền!

3. Đồ cũ này bespoke nên đắt là đúng

Chúng ta cũng cần tỉnh táo ở điểm này. Đồ bespoke cho một ai đó có thể là chất lượng cao, hoàn thiện tỉ mỉ, vải vóc thuộc hàng top,… nhưng khi về tay chúng ta thì cũng chỉ là đồ may sẵn và là ĐỒ CŨ mà thôi. Đó là còn chưa kể tình trạng bộ đồ còn được bao nhiêu sau nhiều lần mặc và giặt ùi, cộng với bảo quản có tốt hay không, mọt vải đã đục được bao nhiêu chỗ… rồi mới tính tới chuyện giá thành bao nhiêu là hợp lý. Thật tình thì chiêu bài nói rằng đây là đồ bespoke sẽ khá hay cho người mới săn tìm đồ cũ và mới bước vào những trải nghiệm may mặc; còn lại có vẻ sẽ không đủ hiệu quả để “ép giá” người chơi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.


Để kết lại, cũng chẳng có công thức rõ ràng và chính xác nào cho việc tính giá của một món đồ cũ, đơn thuần ở đây đó chỉ là sự thuận mua vừa bán. Nhưng mong rằng, qua một vài dòng quan điểm của cá nhân tôi, những người mua trong tương lai sẽ có chút xem xét trước khi đưa ra quyết định để tránh thấy tiếc nuối vì đã lỡ “mua hớ”; còn người bán, hãy luôn giữ được cái tâm đủ tốt để con đường kinh doanh thật sự được bền vững.

Năm mới nói chuyện đồ cũ, và năm mới sẽ còn nhiều “đồ mới” đến tay tất cả chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *