Đối với quần Âu, một chi tiết quan trọng tạo nên vẻ đẹp của chiếc quần là đường ủi ly. Những đường ủi thẳng thớm, không nếp gãy gập sẽ tạo được cái nhìn rất “sạch” cho chiếc quần, thể hiện sự chỉn chu kĩ tính của chủ nhân cũng như giành lấy thiện cảm từ phía người đối diện.
Với đa số chất liệu may quần Âu như Wool hoặc Cotton pha, chúng ta sẽ dễ dàng là lượt mỗi lần mặc để có được đường ly luôn sắc nét. Tuy nhiên, ở một số chất liệu thì lại khá thử thách – đến độ những người chơi kiên nhẫn nhất cũng phải thở dài rồi sau vài lần… mặc kệ. Điển hình có thể nhắc tới hai loại vải thường thấy là Denim và Linen, chúng rất dễ bị nhăn, dẫn tới không còn đường ly sau chỉ vài di chuyển dù cho trước đó bạn tốn biết bao công sức ủi quần cho thật đẹp với hy vọng ngày hôm đó có được vài pô ảnh ấn tượng (để đăng lên Sartorial Guys chẳng hạn). Đến độ mà anh em theo đuổi Sartorial thường kháo vui nhau rằng: có khi ủi quần để đứng chụp ảnh rồi phải thay ra ngay, chứ không lại “bèo nhèo” hết cả ly thì mệt lắm!
Tuy vậy, ta vẫn còn một cách để “hack” được phần này, đó là may ly chết. Thuật ngữ – hay đúng hơn là kĩ thuật trên trong tiếng Anh gọi là pintuck, là một kiểu may để phần vải lộ lên, tạo thành đường cố định luôn cho ly quần. Và vì pintuck được giữ chặt bằng đường may cố định nên sẽ không mất đi sang mỗi lần mặc hoặc giặt, không cần phải ủi lại để thấy ly quần. Nhưng một điểm trừ nhỏ mà theo góc nhìn của cá nhân tôi là khi ngồi, bạn cũng sẽ vẫn thấy một phần vải lấp ló khỏi chiếc quần, theo tôi cũng khá gợn mắt nếu bạn còn chưa quen với chi tiết này. Tuy nhiên cũng phải, được cái này thì mất cái kia; nếu đã nản thì ngay từ đầu… đừng nên ủi ly nữa là xong.
Thật ra bạn có thể hơi bất ngờ vì bài viết này tới đây là đã gần kết thúc. Tuy vậy thì hành động nào cũng đều có lý do cả, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi về cách giữ được đường ly quần để đỡ mất công nhất – thì đây chính là câu trả lời ngắn gọn và (tôi nghĩ rằng) vẫn đầy đủ thông tin, từ khoá để chúng ta bắt đầu tìm kiếm rồi bắt tay vào triển khai. Pintuck cũng được cho là phù hợp hơn với những chất liệu nhẹ thay vì những loại vải có trọng lượng lớn, vậy nên hãy cân nhắc trước nhé các bạn.
Để tóm lại, nếu anh em muốn giữ ly quần sắc nét cho mỗi lần tạo dáng thì có thể cân nhắc tới pintuck, đặc biệt khi đã lựa chọn những chất liệu khó như tôi đã liệt kê ở phía trên bài viết. Hè sắp tới, xem chừng Tweed và Flannel sắp sửa quay về tủ đồ hẹn tới năm sau; những chất liệu mỏng nhẹ lên ngôi thì pintuck có khi lại là “cứu cánh”.
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”