Một bộ suit có tách lẻ để mặc được-hay-không?
Tôi không quá “cực đoan” đến độ một bộ suit luôn phải mặc đồng bộ áo quần, mà như lời tư vấn dành cho các bạn (tôi nghĩ, nhiều nhà may cũng sẽ có lời như vậy) rằng bộ suit đầu tiên nên mang màu navy hoặc xám để đa dụng và dễ tách lẽ, vậy nên một bộ suit có thể tách riêng từng mảnh để kết hợp với trang phục khác. Tức là suit jacket có thể mặc cùng quần không trong bộ, hoặc quần từ bộ suit sẽ mặc riêng – thậm chí chỉ diện cùng sơ mi, polo ngày nóng cũng chẳng thành vấn đề. Tuy nhiên, dù với tư duy cởi mở là vậy, bạn vẫn nên lưu ý tới ba điểm sau đây để việc “phá bộ” kéo được niềm vui cho đến dài lâu.
Độ fit của trang phục khi xét về tổng thể
Ngoài chuyện sắc màu mà tôi có nhắc tới nhiều lần qua các video và cả bài viết trên Sartorial Vietnam, mong bạn hãy chú ý tới độ vừa vặn trong tổng thể trang phục. Ví dụ như bộ suit của bạn có dáng cắt thoải mái thì khi tách lẻ jacket với quần ngoài, hẳn chiếc quần cũng nên có độ suông tương tự, tránh khỏi tình trạng quần bó chẽn mà áo lại thùng thình.
Ngược lại cũng vậy và không chỉ áo quần bên ngoài, với từng mảnh nhỏ khác khoác lên cơ thể như sơ mi, ta cần chú tâm – ít nhất hãy dành 1 phút trước gương coi hôm nay trông mình ra sao cái đã.
Độ “nặng, nhẹ” của chất liệu và hoạ tiết
Mùa nào thì đồ nấy, việc phối kết hợp trang phục cũng không nằm ngoài quy luật này. Tách lẻ một bộ suit ngày hè như linen chẳng hạn, thì áo quần này bạn cũng không nên diện trong ngày lạnh – nhất là đi cùng vải nặng như flannel hay tweed sẽ thấy được ngay sự “sai” về hiệu ứng thị giác và cảm nhận được tính thiếu thiết thực của sự kết hợp. Có va vấp thì mới nhớ được lâu, bản thân tôi trước đây đã được anh Huỳnh Đức Thành – một người chơi có thâm niên và được cộng đồng thế giới công nhận – nhắc nhở về sự thiếu hợp lý khi vẫn cố níu kéo chiếc linen Safari jacket mặc ngày nóng đi cùng với len cổ lọ, quả là chẳng “hợp cảnh” tẹo nào. Thôi thì đành rằng để mình tôi sai lầm mà thôi, còn từ nay xin anh em chú ý.
Hoạ tiết kết hợp nhì nhằng với nhau, xem chừng rất khó nhằn đấy nhé! Nếu đã tách lẻ một bộ suit dù ở hoạ tiết nào đi chăng nữa thì ở mảnh còn lại, bạn nên lựa chọn một màu trơn để đảm bảo an toàn; còn không muốn thử thách bản thân thì lưu ý giữa các hoạ tiết sẽ khác đi về độ lớn, miễn rằng đừng để rối mắt là được.
Độ bạc màu cũng cần cân đối
Quần áo bạn không “bất tử”! Chúng sẽ hao mòn dần theo thời gian: có thể bị mọt vải gặm nhấm, sờn vai sứt chỉ, hay điển hình là bạc màu trông thấy sau những lần giặt là và nhận lấy nắng gió ngoài tự nhiên. Đây là lẽ thường tình, ta nên hiểu và chấp nhận điều này vì quần áo là vật che thân chứ không phải kim loại quý.
Tuy vậy, khi tách lẻ từng mảnh của một bộ suit – có khả năng cao bạn sẽ mặc một trong các món nhiều hơn món còn lại, gây ra tình trạng món được ưu tiên diện hơn sẽ chóng bị bạc màu so với bản gốc và lâu dần khi ghép bộ lại lệch màu trông thấy. Tôi đã chứng kiến bộ denim suit của một người anh có chiếc áo dần “trắng phơ” mà quần vẫn xanh như ngày đầu, và đó là lý do về sau một bộ suit… khó còn được gọi là suit vì chẳng còn giống màu nhau nhiều nữa.
Một nguyên nhân khác có thể khiến áo – mảnh trang phục phía trên có thể nhanh xuống màu hơn so với quần đồng bộ tại Việt Nam, đó là vì bạn… lái xe máy. Phần thân trên của bạn sẽ hứng chịu nhiều nắng hơn so với mảnh dưới đã được khung xe che lại; và cứ thử để xem, sau tầm 3 năm chẳng hạn, bộ đồ đó của chúng ta sẽ ra sao? Thật ra cách giải quyết này không bắt buộc chúng ta phải mua lấy xe hơi tránh nắng mà chỉ cần để ý hơn như sau: hãy mặc những mảnh lẻ đó với số lần tương đương, và nhìn nhận bằng mắt thường để cân đối bù số lần vào cho chúng; hoặc nếu thấy điều này quá khó khăn, tôi nghĩ hãy nhẹ nhàng coi đây… không còn là một bộ suit nữa, vậy là xong.
Để tổng kết, với tôi, suit luôn là một trong những “kiểu trang phục” mang lại diện mạo hoàn chỉnh và trang trọng nhất. Tuy vậy, một bộ suit không nhất thiết phải lần nào cũng “đóng bộ” nhất là khi các bạn không có nhiều lựa chọn; vì thế ta cần ghi nhớ một vài điều để việc tách lẻ trở nên hài hoà và thật sự an toàn.
Cuộc chơi vẫn còn tiếp diễn, năm nay bạn đã có dự định gì cho bộ suit tiếp theo của mình rồi?
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”