Bài viết được dịch từ bài viết “The Blazer Guide” của tác giả Sven Raphael Schneider từ Gentleman’s Gazette. Bài viết đã được chỉnh sửa, lược bớt một số chi tiết không quan trọng. Các phần chữ in nghiêng là giải thích của người dịch.
BLAZER LÀ KIỂU ÁO GÌ?
Áo Blazer là một trang phục biểu tượng của Classic Menswear, cũng như là món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của mỗi quý ông. Tiếc thay, định nghĩa về chiếc áo này dường như… ngày càng mơ hồ.
Áo Blazer là kiểu áo gì?
Hãy cùng bắt đầu với câu hỏi “nhức nhối” nhất – thế nào mới là một chiếc áo Blazer?
Nhiều người cho rằng mặc áo Blazer tức là mặc bất kỳ loại jacket nào không cùng màu/chất liệu với quần. Từ điển Oxford American Dictionary mô tả Blazer là: “Sport jacket không mặc cùng bộ với quần.”; trong khi đó, từ điển Oxford English Dictionary lại mô tả đây là “áo jacket màu trong một bộ đồng phục, được mặc bởi học sinh hoặc các tuyển thủ thể thao” hoặc là “một chiếc áo jacket trơn không thuộc bộ suit nhưng được công nhận là chiếc áo trang trọng.” Từ điển Free Dictionary mô tả Blazer là “Một loại Sport jacket nhẹ, thường có họa tiết kẻ sọc hoặc màu sắc nổi bật, có túi và ve notched.” Và từ điển Merriam-Webster thì lại cho rằng Blazer là “loại jacket mặc ngoài sơmi và trông giống như Suit jacket, nhưng không phải là một phần của bộ suit”.
Rối nhỉ?
8 đặc điểm của một chiếc Blazer
Rõ ràng là những định nghĩa về kiểu áo này vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng có vài chi tiết chung nhất về Blazer mà ta đều có thể đồng tình. Ở nhiều quốc gia, từ “Blazer” còn dùng để chỉ toàn bộ các kiểu jacket, nhất là trong thời trang nữ, nhưng vì mục đích của bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng định nghĩa cụ thể nhất về chiếc áo blazer:
- Là chiếc jacket độc lập, được mặc với một chiếc quần khác màu, họa tiết, hoặc chất liệu.
- Chỉ có một màu, hoặc có họa tiết kẻ sọc nhiều màu sắc.
- Những chiếc Blazer đơn sắc thường có màu navy (hoặc các sắc độ khác nhau của navy), nhưng cũng có thể có những màu khác như xanh lá đậm, trắng, đỏ,…
- Có thể có phần kẻ viền màu tương phản.
- Thường là áo hai hàng khuy 6×2, 6×3, 8×3, hoặc là áo một hàng khuy có 1-3 cúc áo.
- Cúc áo là một trong hai điểm nổi bật của áo Blazer. Cúc áo Blazer thường được làm từ ngọc trai, kim loại, đồng, hoặc được khắc hình mỏ neo (cúc áo Nelson), hoặc hình gia huy/huy hiệu của các trường học, câu lạc bộ, công ty…
- Trong vài trường hợp, điểm nổi bật thứ hai của áo Blazer là: gia huy/huy hiệu của những tổ chức nói trên sẽ được đính trên phần túi ngực. Biểu tượng này đồng thời thể hiện chức vụ, vị trí của người mặc trong tổ chức đó.
- Blazer cổ điển thường được may từ vải serge màu navy, hopsack, worsteds hoặc wool flannel, trong khi fresco hoặc linen sẽ được dùng cho những môi trường nóng ấm. Blazer kẻ sọc thường được làm từ wool flannel hoặc cotton.
May Blazer dùng vải gì?
Hopsack
Vải hopsack được dệt với cấu trúc mở – loại vải này sẽ giúp outfit của bạn có thêm điểm nhấn về họa tiết, nhưng chính cấu trúc này làm chiếc áo dễ bị sứt chỉ.
Flannel
Trong mùa đông lạnh, Blazer được may từ vải flannel sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Nếu bạn có ý định sử dụng Blazer thường xuyên, hãy đầu tư may áo với vải flannel len chất lượng cao để có thể sử dụng lâu dài.
Cashmere hoặc Vicuna
Nếu cần sử dụng một loại vải sang trọng trong mùa đông, hãy chọn vải cashmere hoặc vicuna. Đây là hai loại vải rất đẹp và có cảm giác mặc rất thoải mái, nhưng những chiếc áo blazer từ dòng vải này sẽ vô cùng tốn kém. Cơ mà, đầu tư tiền vào chiếc áo chất lượng cao thì chẳng bao giờ là lỗ cả, đúng không?
Linen hoặc Fresco
Nếu bạn đang sống ở vùng có khí hậu ấm nóng, bạn nên sử dụng áo blazer được may từ vải linen hoặc fresco. Trong trường hợp bạn không thích đặc tính nhăn tự nhiên của áo Blazer linen, hãy sử dụng vải fresco.
Những chi tiết trên chiếc áo blazer
Chất liệu, màu sắc, hình dáng cúc áo hoàn toàn do bạn quyết định! Lựa chọn cúc áo rất đa dạng, từ màu sắc, họa tiết, cho tới chất liệu… tất cả đều tùy vào sở thích cá nhân. Trong quá khứ, có rất nhiều những chiếc áo Blazer đắt tiền có cúc được làm từ vàng, bạc, xà cừ. Một số tổ chức, câu lạc bộ sẽ thiết kế cúc áo có họa tiết, biểu tượng đặc trưng của tổ chức ấy.
Double Breasted Blazer nên có phần lapel dáng peak, 6×2, 6×3, 8×3, hoặc 4×2 hay 4×1 đều được. Theo truyền thống, những chiếc áo Double Breasted Blazer màu navy sẽ không có đường xẻ tà, nhưng ngày nay thì khác. Bởi trong quá khứ, đường xẻ tà được tạo ra để giúp việc cưỡi ngựa thoải mái hơn – mà không ai hồi đó mặc Blazer để cưỡi ngựa cả. Một chiếc Blazer cổ điển thường sẽ có túi nắp (flapped pocket), nhưng ngày nay túi ốp (patched pocket) lại đang được sử dụng rộng rãi hơn.
Độ fit của áo blazer
Blazer thường có độ fit tương tự với Suit jacket, tuy nhiên một số người lại thích chiếc áo này có độ fit giống Sport coat (rộng hơn, dài hơn chút), còn lại thì không có quy tắc đặc biệt nào về độ fit cho loại áo này cả. Đồng thời, những quy tắc về độ dài phù hợp trên những chiếc Suit jacket cũng sẽ được áp dụng với áo Blazer.
Về phần canvas và đệm vai, hầu hết những chiếc áo Double Breasted Blazer sẽ có cấu trúc canvas và có chút đệm vai. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chọn may áo Blazer không có phần đệm vai và/hoặc không canvas. Xin nhắc lại: không có đúng và sai ở đây, điều quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái với chiếc áo của mình là được.
Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp những chiếc áo blazer có silhouette đặc trưng kiểu Mỹ, Anh và Ý.
- Blazer kiểu Mỹ thường có 2 cúc, Single Breasted, màu navy và đệm vai nhẹ. Ve áo dáng notch, túi có nắp hoặc không nắp, kèm một đường xẻ tà.
- Blazer kiểu Anh thường có nhiều đệm vai hơn ở cả áo Single Breasted lẫn Double Breasted; ve notch cho áo một hàng khuy, ve peak cho áo hai hàng khuy. Cả hai kiểu hàng khuy sẽ có hai đường xẻ tà. Áo một hàng khuy sẽ có 3 cúc.
- Blazer kiểu Ý khác với 2 loại trên ở điểm: chúng sẽ được may từ loại vải nhẹ, và chiếc áo sẽ ít cấu trúc hơn.
Kết luận
Trong muôn vàn kiểu jacket trong thế giới Âu phục cổ điển, hẳn Blazer vẫn là kiểu áo được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn cả, nhất là tại Việt Nam. Với những đặc điểm về kiểu dáng, thiết kế, Blazer chính là chiếc jacket mà mọi quý ông cần có. Và với đa dạng những loại vải có thể sử dụng, kiểu áo này sẽ không chỉ là chiếc áo mặc vào những mùa lạnh, mà bạn hoàn toàn có thể kết hợp mix-match ngay cả trong những ngày hè nóng nực!
“Tới từng tiểu tiết”