Cost Per Wear và những cân nhắc trong khi mua sắm

Cost Per Wear (CPW) – chi phí trên mỗi lần mặc, được tính bằng giá thành khi bạn mua sắm một món đồ cùng các chi phí bảo dưỡng trong cả quãng đời sản phẩm, tất cả đem chia cho số lần sử dụng. Đây là “khái niệm” không còn xa lạ trong thời trang khi mà CPW càng thấp thì món đồ sẽ càng “hữu dụng” khi tiết kiệm được chi phí, nôm na món nào sẽ đáng đồng tiền bát gạo thì nhìn vào chỉ số này sẽ ước tính được kha khá.

Âu phục cổ điển vốn dĩ đã là một phong cách trang phục bền vững, vậy nên trong bài viết dưới đây, tôi sẽ diễn giải dưới góc độ cảm nhận cá nhân những yếu tố ảnh hưởng tới Cost Per Wear, kèm theo chia sẻ để lựa chọn mua sắm sao cho hợp lý. Nếu thấy phù hợp, quý độc giả hoàn toàn có thể tham khảo để cân nhắc trước những quyết định mua hàng (đôi khi còn nặng về cảm xúc).

1. Tôi sẽ sử dụng món đồ này vào dịp nào?

Ví dụ nhắc tới Black Tie attire tại các môi trường chung của Việt Nam, thật ra chúng ta sẽ không có nhiều dịp để sử dụng. Có chăng một: chú rể diện Tuxedo khi chụp ảnh cưới và trong ngày cưới, hai: diện trong số ít các sự kiện yêu cầu tới kiểu trang phục trang trọng bậc nhất, vậy là… hết.

Bản thân tôi yêu thích kiểu trang phục này nên có tới 6 chiếc Dinner Jacket trong tủ đồ, tuy nhiên bởi lẽ ít có dịp sử dụng như trên vừa trình bày (mà tôi còn chưa có cơ hội cưới xin) nên là Black Tie xem chừng hơi uổng phí. Trừ bộ đồ màu đen truyền thống, những chiếc Dinner Jacket còn lại được tôi khoác lên 1-2 lần qua vài sự kiện; nếu tính trung bình một chiếc áo may đo khoảng 7.000.000 Việt Nam đồng thì tôi đã mất tới 3.500.000đ – 7.000.000đ cho mỗi lần mặc này. Chà, tôi chẳng dư dả tới độ tiêu hoang được mãi.

Bởi lẽ đó, với Broken Suit – những món đồ có thể tách lẻ để sử dụng xem chừng sẽ khôn ngoan hơn rất nhiều. Một bộ suit navy, một bộ suit xám – dù không hoàn toàn khuyến khích bạn đọc tách từng mảnh để sử dụng riêng – nhưng khi kinh tế còn chưa cho phép, chúng ta có thể thấy mảnh áo, mảnh quần thuộc hai màu này sẽ thực sự “cứu cánh” cho rất nhiều pha mix match. Hoặc thêm nữa là quần trắng/trắng ngà/kem hay thuộc dải màu đất chẳng hạn, ta sẽ dùng được rất (rất) nhiều lần khi coi đây như trang phục thường ngày nếu đã coi Classic Menswear “như hơi thở”.

2. Tôi có sử dụng hết những món đồ này hay không?

Tôi bắt đầu cần tới việc tự hỏi bản thân câu hỏi này, sau khi có nhiều màn mua sắm quá sức và thừa thãi. Với nhu cầu thêm một vài chiếc áo sọc nhỏ trông cho khác biệt, giờ tôi đã có xanh sọc trắng, trắng sọc xanh, sọc xám, sọc nâu… gần giống hệt nhau, có khác ở sắc độ các màu sọc hoặc ở kiểu cổ áo. Biết rằng trong tủ nên có đôi ba chiếc để thay đổi, thế nhưng gần một chục chiếc xếp tủ thật sự là dại dột; vậy nên, đừng như tôi!

Quần Âu hay giày da cũng vậy. Nếu thật sự cần, hãy mua; còn không nên cân nhắc để tránh việc rơi vào hoảng loạn vì vung tay quá trán.

3. Tôi sử dụng món này được bao nhiêu lần – với chất liệu tạo ra nó?

Chất liệu cũng là yếu tố quan trọng để ta nghĩ đến khi lựa chọn. Với chất liệu mà chính bạn không cảm thấy “mê” được ngay từ khi thử, thì rằng đừng nên mua món đồ như vậy (còn chưa kể tới đắt rẻ, “xịn” hay không). Như da lộn chẳng hạn, tôi quen một người anh thấy ảnh mạng thì thích nhưng về là bán lại ngay cho chiếc áo, vì chính lão ta đã “không có mấy thiện cảm với kiểu da này” – trích nguyên văn. Rồi kế đến là với những chất liệu thấp cấp thì dùng được vài lần món đồ đã chẳng thể nhận ra để rồi xếp xó, nên việc đầu tư vào chất lượng cao chính từ những điều như thế.

Hay kể cả sơ mi trắng, sơ mi xanh: nhiều hơn một nhưng cũng chẳng cần tới quá nhiều!

4. Và tôi có cần tới tính “trendy” đó hay không?

Như đã nói, Âu phục cổ điển là bền vững, nhưng thi thoảng người ta cũng cố gắng tạo nên những sự cách điệu không hẳn tệ – tuy nhiên với tôi mang rất nhiều yếu tố của xu hướng ngắn hạn. Ví dụ như những đôi slippers khâu hình đôi môi hay trái tim – được, ta sẽ sử dụng nó trong số ít lần muốn gây ấn tượng khi thấy anh bạn “biết chơi” cũng đang dùng đôi giày y hệt, nhưng rồi sóng qua sẽ thế nào đây nhỉ?

Chạy theo xu hướng chưa bao giờ là khôn ngoan; có chăng, xu hướng sẽ chỉ dành cho những người không hiểu rằng bản thân mình thực sự cần tới điều gì mà thôi.


Không nên dạy ai cách tiêu tiền – tôi hoàn toàn đồng ý. Nhắc lại phần mở đầu, bài viết này chỉ là những chia sẻ cá nhân để bạn có thể tránh được những lần trót dại, nhất là khi nói thô: tiền còn để làm nhiều việc khác.

Cost Per Wear – chi phí tính trên mỗi lần mặc – cần xem xét ngay từ những câu hỏi đơn giản như vậy.

Bình luận trong “Cost Per Wear và những cân nhắc trong khi mua sắm

  1. Được nhắc tới trong: Về Coat – liệu bạn có cần tới chúng? - Sartorial

  2. Được nhắc tới trong: MILITARY WEAR khác gì trang phục hiện đại? - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *