Để tôi hỏi bạn nhé: Bộ suit đầu tiên của bạn có gì thú vị? Không có ý bôi bác, nhưng câu trả lời thường là suit màu xám hoặc xanh navy trơn – rất cơ bản, rất an toàn. Cơ mà, bước vào thế giới Âu phục cổ điển rồi, việc săm soi kỹ một tấm ảnh, một outfit của ai đó để thấy các chi tiết thú vị là một việc hết sức bình thường. Nên có lẽ, để outfit lần tới có thêm nhiều điểm nhấn, hãy cùng tìm hiểu về họa tiết trong Âu phục cổ điển.
Bởi có rất nhiều nhóm họa tiết khác nhau, nên tôi sẽ chia nhỏ chủ đề này ra thành nhiều phần. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nhóm họa tiết Stripe (kẻ sọc).
Họa tiết Stripe là kiểu họa tiết có những đường kẻ khác màu được đặt song song với nhau, có thể là kẻ dọc, kẻ ngang, hoặc kẻ chéo. Độ lớn, màu sắc, đặc điểm của những đường kẻ này sẽ quyết định tên gọi của chúng. Khoảng cách giữa các đường kẻ cũng không nhất thiết phải đều nhau. Thú vị hơn là, đường kẻ trong họa tiết Stripe không nhất thiết phải là đường kẻ thẳng, mà hoàn toàn có thể là các hình họa tiết được xếp song song thành những đường kẻ (ví dụ Grecian Stripes). Kiểu họa tiết này xuất hiện trên gần như mọi item: sơ mi, jacket, quần, tất, necktie…
Bàn về ngữ cảnh sử dụng, thì gần như ngữ cảnh nào cũng sẽ có ít nhất một kiểu họa tiết kẻ sọc phù hợp. Môi trường doanh nghiệp, công sở thường xuyên gặp gỡ đối tác rất chuộng họa tiết kẻ sọc nhỏ như Pinstripe (hay còn gọi là Banker’s Stripes). Với ngữ cảnh casual hơn, kích cỡ và màu sắc của đường kẻ cũng đa dạng hơn, nhiều màu sắc như Rainbow Stripes chẳng hạn. Cá nhân tôi rất ấn tượng với Blazer Stripes – kiểu họa tiết kẻ sọc có trên những chiếc áo Blazer đến từ các trường học tại Anh Quốc.
Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu một số kiểu họa tiết kẻ sọc được ưa chuộng, và một vài kiểu họa tiết “độc lạ” hơn.
Pinstripe – Banker’s Stripes
Họa tiết Pinstripe có những đường kẻ rất mỏng, thường tương phản với màu vải. Họa tiết này đem tới cảm giác lịch lãm, nghiêm túc, thường được sử dụng với những người có chức vụ cao trong một doanh nghiệp hoặc trong các dịp trang trọng.
Rope Stripes
Đường kẻ trên Rope Stripes lớn hơn Pinstripe một chút, và có tạo hình giống như một sợi dây thừng. Họa tiết này đem tới điểm nhấn thú vị cho trang phục, nhưng vẫn giữ được tính lịch thiệp.
Bengal Stripes
Họa tiết Bengal Stripes có các đường kẻ sọc đều nhau (cùng khoảng cách, độ lớn), thường có hai màu là trắng và một màu bất kỳ. Kiểu họa tiết này không bao giờ xuất hiện trên suit, mà thường là áo sơ mi.
Rainbow Stripes – Roman Stripes
Họa tiết kẻ sọc rất sặc sỡ với nhiều màu sắc khác nhau.
Broken Stripes
Đây là kiểu họa tiết kẻ sọc có thiết kế khá đặc biệt, với nhiều đường gạch nhỏ xếp nối tiếp nhau. Nhìn từ xa thì trông Broken Stripes giống như kẻ liền, nhưng tiến lại gần thì lại ra một chuỗi các đường đứt đoạn nối đuôi.
Trên đây, xin được điểm danh sơ bộ một số kiểu kẻ sọc mà bạn đã, đang và sẽ còn thấy được trong quá trình tìm hiểu về Âu phục. Bài viết chỉ đơn thuần giới thiệu về tên gọi và cách nhận biết của từng loại kẻ sọc, không đi quá sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc cũng như những câu chuyện xung quanh.
Mong rằng, các bạn sẽ đón nhận series “Muôn trùng hoạ tiết” này với những số tiếp theo!
“Tới từng tiểu tiết”
Được nhắc tới trong: [Muôn trùng họa tiết] Họa tiết kẻ ô - Checked patterns (Phần 1)