[Muôn trùng họa tiết] Họa tiết kẻ ô – Checked patterns (Phần 2)

Bài viết là phần tiếp theo của bài viết về họa tiết kẻ ô, bạn có thể đọc phần 1 tại đây.

Shepherd’s check

Nếu dịch nguyên văn tên họa tiết này, thì nó có nghĩa là “họa tiết kẻ ô của người chăn cừu”. Thật vậy, kiểu họa tiết này bắt nguồn từ vùng nông thôn của Scotland – Anh Quốc, được những người chăn cừu nơi đây sử dụng. Shepherd’s check khá giống Gingham check, với giao điểm của các đường kẻ tạo thành những hình hộp có màu đậm hơn. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Shepherd’s check với Gingham check là: các đường kẻ chéo rất nhỏ giao nhau với những hình hộp – do loại vải dùng để tạo nên họa tiết này vải twill. Chúng thường thấy xuất hiện trên tie và jacket.

Gun Club check

Họa tiết Gun club check – hay Gun check – là biến thể của một loại họa tiết kẻ ô bắt nguồn từ miền Tây cao nguyên Scotland. Năm 1874, một câu lạc bộ yêu thích súng tại Hoa Kỳ đã sử dụng loại họa tiết này để may áo blazer đồng phục cho các thành viên trong hội nhóm của mình, từ đó trở nên phổ biến hơn với đại chúng.

Ảnh: SARTORIALE

Về đặc điểm, Gun club check cổ điển có các đường kẻ giao nhau với 4 màu: đen, xanh lá, vàng (gold), nâu xỉn (rust). Đây là bốn màu đại diện cho vùng cao nguyên của Scotland, cũng được các thợ săn sử dụng để ngụy trang trong môi trường thiên nhiên. Gun club check hiện đại sẽ có đa dạng màu sắc hơn. Họa tiết này cũng có những đường kẻ chéo nhỏ giao nhau giống Shepherd’s check. Gun club check thường được dùng trên những chiếc sport jacket.

Madras

Cần làm rõ, Madras thực chất là một loại vải cotton mỏng nhẹ được dệt tay bởi người Ấn Độ. Sau này, Anh Quốc và các nước Châu Âu đã (một lần nữa) giúp loại vải – và kiểu họa tiết này – phổ biến hơn với đại chúng. Nguồn gốc của loại vải và họa tiết này tương đối phức tạp, tôi sẽ giới thiệu trong một bài viết khác.

Ảnh: Ralph Lauren

Bản thân vải Madras cổ điển được dệt tay thành kiểu họa tiết kẻ ô rất đặc trưng và tương đối khó mô tả, nên tên loại vải này được dùng để… chỉ kiểu họa tiết kẻ ô này luôn. Madras sẽ có nhiều đường kẻ và hình hộp với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau (thường là các màu rất nổi bật như vàng, hồng, cam). Đôi khi, bạn sẽ thấy một số tập vải Madras được ghép với nhau kiểu patchwork rất độc đáo. Kiểu họa tiết này được dùng đa dạng trên nhiều kiểu trang phục khác nhau: sơ mi, jacket, quần…

Ảnh: Vintage 1946

Tartan

Tartan là kiểu họa tiết check có các dải ngang dọc nhiều kích cỡ và màu sắc giao nhau, tạo thành các hình hộp lớn nhỏ có màu sắc khác nhau, cũng… rất đặc trưng giống Madras. Cây viết Khánh Sartorial đã có một bài viết giải thích cụ thể về loại họa tiết khá phức tạp này, bạn có thể đọc tham khảo thêm tại đây.

Có khoảng hơn 7.000 kiểu họa tiết Tartan khác nhau, với đa dạng độ trang trọng. Từ những chiếc sơ mi flannel, bowtie, khăn quàng, sport jacket… hầu như món trang phục nào cũng có thể sử dụng Tartan!

Ảnh: Ralph Lauren

Glen check và Prince of Wales

Họa tiết Glen check là một kiểu họa tiết kẻ ô khá đặc biệt, bởi các ô vuông trên họa tiết này được lấp đầy bởi nhiều họa tiết houndstooth (nanh sói). Prince of Wales chính là họa tiết Glen check, nhưng được “phủ” thêm một layer họa tiết kẻ ô tương đối giống Windowpane, giúp tạo thêm chiều sâu. Hai họa tiết này thường được dùng để may jacket.

Một mảnh vải họa tiết Glen check
Bộ suit họa tiết Prince of Wales tới từ Ralph Lauren (Ảnh: MR PORTER)

Với hai phần bài viết về các họa tiết kẻ ô, hy vọng rằng chúng ta – những người “cả mới lẫn cũ” tìm hiểu về Âu phục cổ điển cũng có được nhận biết rõ ràng hơn về nhiều loại kẻ đôi khi khiến ta… hoa mắt.

Hẹn gặp anh em cùng series “Muôn trùng họa tiết” với những số tiếp theo!

Bình luận trong “[Muôn trùng họa tiết] Họa tiết kẻ ô – Checked patterns (Phần 2)

  1. Được nhắc tới trong: Cá nhân hoá trong trang phục – thể hiện từ đâu? - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *