Thế nào là Suit, và có phải trong phong cách Sartorial chỉ có 3 loại jacket là Suit Jacket, Blazer và Sport Jacket/Sport Coat?
Qua thao tác tìm kiếm cho câu hỏi “What is Suit?” trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện tại – Google, không ngạc nhiên khi tôi nhận được kết quả đầu tiên từ Oxford Languages như sau:
“Suit (noun): a set of outer clothes made of the same fabric and designed to be worn together, typically consisting of a jacket and trousers or a jacket and skirt.
(một bộ trang phục được tạo nên từ cùng loại vải và thiết kế để mặc cùng nhau, thường bao gồm áo khoác và quần hoặc áo khoác và váy)”
Vâng, khi nhắc tới Suit, người ta thường nghĩ ngay tới “những bộ quần áo lịch lãm” (mà bản thân tôi cũng không thể lý giải rõ ràng ngay cho các bạn về từ “lịch lãm” này) sau khi xem những bộ phim như Kingsman hay Peaky Blinders, nhưng chúng ta cần hiểu đúng và rõ hơn về định nghĩa này. Đúng như đã được mô tả, định nghĩa bao trùm của “Suit” là một bộ quần áo được may cùng loại vải – ví dụ Jumpsuit hay Bodysuit cũng đã có “suit” trong đó, còn trong phong cách Sartorial thì để tôi diễn giải bằng một câu ngắn gọn thế này:
“Không phải trang phục cứ có áo khoác và quần Âu thì được gọi là Suit!”
Trở lại với đầu bài, tôi có nhắc tới ba thuật ngữ là Suit Jacket, Blazer & Sport Jacket/Sport Coat. Đây là ba loại jacket thường thấy nhất trong Sartorial style – khác hoàn toàn với việc Sartorial chỉ có ba kiểu jacket này, vì tính sơ sơ ra chúng ta còn Safari Jacket, Harrington Jacket, Dinner Jacket,… (các bạn đều đã có thể tìm tại category Từ Điển ngay trên trang web của chúng tôi). Và với “dân ngoại đạo” đang dần tìm hiểu phong cách này, thì để tôi tổng hợp như sau:
- Suit Jacket: là chiếc áo khoác trong bộ suit, khi mà áo và quần được may cùng một loại vải. Chiếc áo này (và cả bộ suit) có thể mang tính trang trọng ở nhiều cấp độ, từ dress up “vừa đủ” để lịch sự khi đi làm, hay dress down phóng khoáng với việc mặc hàng ngày dành cho các hoạt động thường nhật. Cũng cần nói thêm, một bộ suit với áo jacket và quần được may cùng vải được gọi là suit hai mảnh, còn nếu có thêm một chiếc áo gi-lê đồng bộ, ta sẽ gọi đó là suit ba mảnh.
Những bộ suit thường thấy nhất sẽ là trang phục đơn sắc. Tôi đảm bảo tới 90% khi các bạn may bộ suit đầu tiên trong đời, các tiệm may sẽ tư vấn cho chúng ta hai màu xám và navy vì chúng đa dụng và… hết sức an toàn (mặc được nhiều dịp, dễ kết hợp cùng phụ kiện và trang phục khác).
- Blazer: nhắc tới Blazer là cần nói tới mục đích nguyên thuỷ để sinh ra kiểu áo này. Cũng là một loại jacket mà khi nhìn vào, người ta sẽ hỏi chúng sẽ khác gì với Suit Jacket, thì Blazer đúng nghĩa được sinh ra để làm đồng phục nhận diện cho các tổ chức, hội nhóm với phần phù hiệu thường được may ngay trên bề mặt túi ngực, cùng với đó sẽ sử dụng các loại cúc kim loại như đồng, bạc hoặc xà cừ. Mặt vải may Blazer cũng thường sử dụng các màu đậm, cũng thường thấy là các sọc màu tương phản – nôm na sẽ “sặc sỡ” hơn Suit Jacket khá nhiều. Khi mặc Blazer, ta sẽ mặc với quần may từ vải khác – vì vậy nên mới gọi là bộ suit, chứ chẳng ai gọi là “bộ blazer” cả.
- Sport Jacket/Sport Coat: đúng như tên gọi, kiểu áo này được ra đời từ mục đích nguyên bản: phục vụ cho các hoạt động thể thao. Sport Jacket sẽ có mặt vải thô hơn hai kiểu áo phía trên, mang đúng nghĩa “cày cuốc” nên cần độ bền cao, có thể thấy các chi tiết tiện lợi hơn cho các hoạt động này như miếng gá khuỷu tay được đắp riêng bằng vải khác hoặc bằng da để tăng độ bền khi chống khuỷu tay; các chi tiết như túi xẻ, đai lưng cũng thường thấy trên “áo khoác thể thao” này. Và nếu thời xưa bạn thấy các “tư liệu cổ” người ta mặc áo khoác khi chơi tennis, polo hoặc cưỡi ngựa, bắn súng – thì khả năng cao đó chính là Sport Jacket đấy!
Vậy đó, để tóm lại cho các bạn còn ngại “nhiều chữ” thì qua bài viết này, tôi muốn chúng ta cùng nhìn lại khái niệm về Suit – không cứ mặc đồ Âu có áo khoác thì là mặc Suit! Ngoài ra, ở phong cách Sartorial, có ba kiểu áo khoác thường thấy nhất và cũng dễ gây nhầm lẫn đó chính là Suit Jacket, Blazer và Sport Jacket/Sport Coat; để phân biệt ta cần nhìn vào mục đích nguyên bản của món đó khi được sinh ra. Tuy vậy thời nay, các khái niệm này đã được pha lẫn khá nhiều khi các chi tiết của các kiểu áo được pha trộn với nhau để phục vụ theo yêu cầu của chủ nhân, thành thử khó để phân biệt rõ ràng được ba khái niệm đã nêu phía trên.
Nhưng dù sao, có kiến thức là không thừa, và dù gì chúng ta cũng đã hiểu được đúng-tinh-thần của các định nghĩa này qua bài viết. Những dòng hôm nay xin dừng lại, cũng là một lần để tôi “ôn luyện” điều gì mình đã được biết qua chia sẻ cùng các bạn. Hẹn gặp ở những kỳ sau!
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”
Được nhắc tới trong: Về cài, cởi cúc - Sartorial