Signet Ring – Biểu tượng quyền quý

Chấp nhận “gia nhập” thế giới Sartorial, nghĩa là bạn phải tuân thủ hàng loạt các quy tắc trường tồn về Âu phục. Tuy vậy, chúng ta vẫn có một miền tự do nhất định để bộc lộ cá tính bản thân, thông qua phụ kiện và trang sức.

Ngoài những món phụ kiện đã rất đỗi quen thuộc như cà vạt, cufflinks, đồng hồ… thì trang sức như cuff, vòng cổ, nhẫn lại đang bị coi là có phần “nữ tính”, do đó không nhận được nhiều sự chú ý của những người chơi Sartorial. Đặc biệt là nhẫn, bởi còn đó nhiều định kiến cho rằng nam giới chỉ nên đeo nhẫn cưới thôi.

Nhưng sẽ thế nào nếu tôi nói với bạn rằng, có một loại nhẫn đã và đang vừa âm thầm, vừa mạnh mẽ bước đi cùng dòng chảy phát triển của phong cách Sartorial?

Trong bài viết này, hãy cùng tôi khám phá và học cách sử dụng nhẫn signet – biểu tượng quyền uy một thời của những cá nhân kiệt xuất.

Nhẫn Signet là nhẫn gì?

Nhẫn signet là một loại nhẫn có bề mặt lớn. Trên bề mặt thường có hình khắc biểu tượng, gia huy của chủ sở hữu; hoặc được đính đá quý.

Từ “Signet” có nghĩa là con dấu. Bạn không nhầm đâu, nhẫn signet (từng) được dùng để đóng dấu. Trong quá khứ, khi những con dấu mực chưa được phát minh, để ký tên hoặc niêm phong thư từ, những người có thẩm quyền sẽ nung chảy sáp nóng và đổ lên bề mặt giấy, rồi dùng nhẫn Signet ấn lên bề mặt sáp để in hình gia huy hoặc biểu tượng của mình lên.

Như đã nói, nhẫn signet từng chỉ được sở hữu bởi các cá nhân có quyền lực lớn, tiêu biểu là vua chúa. Sau này, một số câu lạc bộ, tổ chức cũng dùng nhẫn signet để ca ngợi những cá nhân có lòng trung thành, sự nhiệt huyết với tổ chức đó.

Thời gian trôi đi, nhẫn signet không còn chỉ là món trang sức độc quyền cho giới thượng lưu. Ai cũng có thể đeo nhẫn signet. Nếu bạn mới bắt đầu sử dụng trang sức, thì nhẫn signet là một lựa chọn tuyệt vời cho các tay chơi Sartorial, vừa bởi tính thẩm mỹ khi kết hợp với phối màu trang phục, vừa bởi khả năng thể hiện cá tính của người đeo.

Các đặc điểm của nhẫn signet

  • Về chất liệu: nhẫn signet thường được đúc từ vàng, bạc, hợp kim, hoặc bằng đồng.
  • Về hình dáng bề mặt: nhẫn signet có thể có hình Oval, hình tròn, hình tứ giác bo góc, hình bát giác… (Một số hình dạng không có phiên dịch bằng tiếng Việt, nên tôi sẽ liệt ra các hình dạng phổ biến nhất bằng tiếng Anh ở đây để bạn tiện tra cứu: Straight Oval, Bulbous Oval, Round, Cushion, Oxford, Octagon).
  • Về trang trí trên bề mặt: nhẫn signet có thể được khắc biểu tượng, gia huy (những hình này được khắc ngược trên những chiếc nhẫn ngày xưa); nạm đá quý. Một số chiếc nhẫn signet sẽ được chạm khắc hình ảnh lên bề mặt trước, rồi nạm đá quý có thể nhìn xuyên thấu để tăng độ độc đáo.

Đeo nhẫn signet ở ngón nào?

Trong quá khứ, nhẫn signet thường được đeo ở ngón cái để tiện cho việc đóng dấu, cũng bởi những chiếc nhẫn giai đoạn này có kích cỡ rất lớn. Xã hội phát triển, mỗi nền văn hóa lại đặt cho những ngón tay các ý nghĩa khác nhau. “Đeo nhẫn signet ở ngón nào?” đã trở thành một câu hỏi được bàn tán xôn xao trong một khoảng thời gian dài.

Ý nghĩa của các ngón tay theo nguồn Gentleman’s Gazette

Vậy đeo nhẫn signet thế nào mới đúng?

Bởi có nhiều luồng ý kiến như vậy, cho nên:

Bạn đeo nhẫn signet ở ngón nào cũng được, miễn là bạn cảm thấy tự tin và thoải mái.

Dưới đây là một số ý kiến cá nhân của tôi về cách đeo nhẫn signet:

  • Đeo sao cho “cân mắt”. Nếu tay trái bạn đang dùng một món phụ kiện (đồng hồ, cuff, nhẫn), thì đeo nhẫn signet ở tay bên phải sẽ giúp tổng thể outfit trông cân đối hơn rất nhiều. Hoặc nếu tay trái bạn đang đeo nhẫn cưới, thì đeo nhẫn signet ở tay phải sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc.

  • Chú ý về màu sắc. Nếu bạn đeo một chiếc đồng hồ mạ vàng, thì sẽ khá hợp lý nếu nhẫn signet bạn đeo cũng có màu vàng. Nếu bạn thích những chiếc nhẫn signet đính đá, phối hợp màu của viên đá với màu sắc của quần áo cũng sẽ tạo nên một điểm nhấn thú vị (cùng màu, tương phản…). Hãy cứ thử nghiệm, và nghịch ngợm một chút, bởi cũng đâu có điều gì cấm cản bạn kết hợp chúng đâu?

  • Chú ý kích cỡ ngón tay. Đeo một chiếc nhẫn signet to đùng có thể sẽ giúp bạn nổi bật, nhưng ngón tay bạn cũng có thể trông cụt ngủn. Theo kinh nghiệm của tôi, kích cỡ nhẫn signet tỷ lệ thuận với độ dài và lớn của ngón tay. Ngón tay càng to và dài, nhẫn càng lớn. Ngược lại, những chiếc nhẫn signet nhỏ bản sẽ rất vừa vặn với những ngón tay ngắn, mập. Tuy nhiên, mỗi chiếc nhẫn signet lại có những hình dáng bề mặt khác nhau, cũng như thiết kế khác nhau, nên tốt hơn hết, hãy đeo thử trước khi quyết định xuống tiền mua nhẫn nhé.

Tổng kết

Trong giới thời trang nói chung và phụ kiện nói riêng ngày nay, nhẫn signet không còn tiếng nói uy quyền như chủ sở hữu của chúng trước kia. Tuy vậy, tôi tin chúng chỉ như những viên đá quý bị phủ bụi mù của thời gian – chỉ cần để ý cùng với chút khéo léo, chúng sẽ lại sáng lóa sánh bước bên chủ nhân của mình. Không chỉ là một món trang sức lấp lánh, với tôi, nhẫn signet chính là một tuyên ngôn mạnh mẽ để bạn thể hiện chất riêng của mình. Việc sở hữu một chiếc nhẫn signet không còn là một việc quá khó khăn, vậy bạn còn chần chờ gì nữa?

Bình luận trong “Signet Ring – Biểu tượng quyền quý

  1. Được nhắc tới trong: Nhẫn đeo ngón út - Pinky Ring khi so cùng nhẫn Signet - Sartorial

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *