Các chi tiết trên chiếc quần Âu

Không khó hiểu khi các chi tiết trên áo suit jacket – ve, kiểu túi, cúc áo – thu hút được nhiều sự chú ý của đại chúng. Tuy nhiên, quần Âu cũng là một yếu tố cốt lõi tạo ra sự cân bằng cho tổng thể trang phục, và một chi tiết lỗi cũng có thể làm hỏng cả outfit. Giống như jacket, quần Âu cũng có nhiều các chi tiết từ đầu tới cuối mà bạn cần cân nhắc khi mua sắm.

1. Waistband – Thắt lưng quần

Thắt lưng quần là một dải vải bao quanh eo, có chức năng neo giữ quần khi mặc trên cơ thể, có thể bằng cúc cài hoặc khuy cài kim loại. Độ rộng phần thắt lưng có thể linh hoạt thay đổi, thường từ 2.5-5cm.

Ảnh: J.Press

2. Belt Loops – Đỉa quần

Đỉa quần là chi tiết được đính trên waistband, giúp giữ thắt lưng cố định quanh eo. Theo truyền thống, khi mặc quần có đỉa thì bạn phải đeo thắt lưng. Tuy nhiên, không sử dụng thắt lưng cũng là một cách để tạo ra một outfit casual kiểu sprezzatura.

Với một số quần Âu may đo trang trọng, có thể có thêm một chiếc đỉa nhỏ ở giữa phần waistband – gọi là prong keeper. Chi tiết này giúp giữ phần thắt lưng thừa cố định – giống vạt giữ trên cà vạt. Chi tiết này thường được làm bằng chất liệu khác (da thuộc), khác màu với áo hoặc quần.

Ảnh: Gentleman’s Gazette

3. Cúc giữ suspender

Một số chiếc quần may đo sẽ có cúc cài bên trong waistband để cài suspender – điều khó thấy với đồ may sẵn. Những chiếc quần này thường có phần cạp quần khá cao và có xếp ly, khi sử dụng suspender sẽ giúp kéo quần hướng lên trên thay vì tụt vào trong, giúp phần xếp ly thẳng đứng đẹp mắt.

Về mặt thiết kế, quần Âu sẽ chỉ có đỉa quần hoặc cúc cài suspender, không bao giờ có cả hai. Side adjuster (hay side tab ở Việt Nam) có thể được may để dùng cùng với suspender, bởi chi tiết này giúp thay đổi độ rộng phần eo mà không gây vướng víu cho người mặc.

Các nhà may vùng Neopolitan, Ý thường may cả cúc cài suspender lẫn đỉa quần để thể hiện tinh thần sprezzatura, nhưng điều này thực chất không hề mang tính cổ điển hay thực dụng.

Ảnh: Gentleman’s Gazette

4. Side Adjuster

Một số người chơi sẽ chọn may quần với side adjuster khi cần một chiếc quần có tính trang trọng cao, ít chi tiết rườm rà. Side adjuster thường là những chiếc khóa cài nhỏ, được may ở mỗi bên hông, được gắn với một mảnh vải nhỏ giúp bạn nới rộng/thu nhỏ phần eo ở mỗi bên (ở Việt Nam chúng ta hay gọi loại adjuster này là Side tab).

Side adjuster có thể được đặt ở giữa waistband, hoặc ở phần nối giữa waistband và ống quần.

Ảnh: King & Allen

Ngoài loại có khóa cài ra, side adjuster có thể là loại dùng cúc cài – tuy nhiên sẽ không điều chỉnh được linh hoạt động rộng eo, và loại này thì trông ít trang trọng. Phần side tab ẩn bên hông (khi mặc jacket), tạo ra sự gọn gàng cho phần eo trước, càng giúp chiếc quần thêm trang trọng. Khi may đo, một chiếc quần dùng đỉa thắt lưng có thể làm người khác nghĩ chiếc quần đó không vừa với người mặc – điều hoàn toàn đối nghịch với mục đích của may đo.

Ngoài ra, có hai loại side adjuster khác là drawstring (dây buộc) và chun co giãn; tuy nhiên loại adjuster này thường được dùng cho quần thể thao và đồ ngủ. Chúng tôi không khuyến khích bạn lựa chọn chi tiết này khi may đo đâu!

Thắt lưng cũng thu hút điểm nhìn của người khác vào phần eo của bạn, nên nếu bạn có bụng to, side tab có thể giúp bạn giảm sự chú ý vào chi tiết này trên cơ thể. Bởi thắt lưng tạo ra sự phân chia rất rõ ràng cho hai nửa cơ thể, nên nếu bạn không quá cao, hay thử dùng side tab để tạo ra sự liền mạch cho bộ đồ, kéo dài hình thể. Mặt khác, nếu chân bạn rất dài, một chiếc quần Âu với đỉa có thể giúp bạn cân bằng hai nửa.

5. After-Dinner Split – Xẻ Sau

Chi tiết này là một đường xẻ nhỏ chính giữa phía sau waistband, được giữ bằng một dải chỉ nhỏ (hay còn gọi là “di bọ”). Như cái tên, chi tiết này gia tăng thêm cử động phần eo, tăng độ thoải mái cho người mặc sau khi ăn hay khi ngồi.

Ảnh: Nikka Zubon

6. Waist Curtain – Lót trong cạp quần

Chi tiết này là một đường vải chạy dọc phần bên trong cạp quần. Nó có tác dụng giữ áo sơ mi ít bị xô dịch khi sơ-vin.

7. Rise

Rise là phần vải dưới cạp quần, được tính từ hạ đáy (đũng quần) tới phần cạp. Kích thước của rise tùy thuộc vào kích cỡ quần và kiểu cạp (thấp-trung-cao). Chi tiết này có vai trò quan trọng trong việc định hình tỷ lệ cơ thể bạn.

Quần cạp thấp giúp thân người dài hơn và chân ngắn hơn, điều này giúp những người có chân dài cân bằng tỷ lệ cơ thể. Và ngược lại, quần cạp cao sẽ nằm ở phần eo – quanh rốn, giúp chân chúng ta trông dài hơn.

Theo quan điểm của tôi, quần cạp cao sẽ trông đẹp nhất khi mặc cùng suit jacket, blazer, nhất là khi cài cúc. Khi này, chiếc áo sẽ che hết phần blade của cà vạt và phần dưới áo sơ mi, tạo ra một tổng thể liền mạch cho bộ đồ. Mặt khác, mặc quần cạp cao nhưng không cài khuy jacket có thể làm phần ngực bị lõm, lọt thỏm, và làm phần ngực của bạn trông ngắn đi.

Quần cạp cao sẽ đem tới cảm giác cổ điển hơn, và rất nhiều hình minh họa từ Thời Kỳ Vàng của âu phục cũng thể hiện điều này. Để ý sẽ thấy cà vạt thời kỳ này cũng ngắn hơn.

Ảnh: The Fedora Lounge

8. Pleats – Xếp ly

Xếp ly là các lớp vải được gấp lại, cố định ở phần rise. Có hai hướng xếp ly: hướng vào đũng quần, hoặc hướng ra ngoài túi quần. Quần Âu kiểu Anh Quốc chuộng xếp ly hướng vào trong, trong khi kiểu hướng ra ngoài sẽ mang âm hưởng Ý. Kiểu xếp ly hướng ra ngoài sẽ ít bị chú ý hơn, vì chúng thường sẽ nằm phẳng lỳ trên bề mặt vải, trong khi xếp ly hướng vào trong sẽ luôn mở ra, làm phồng vải. Số lượng xếp ly cũng rất đa dạng, thường từ 1 – 2 ly, thậm chí là nhiều hơn.

Ảnh: Permanent Style

Chi tiết xếp ly tăng độ cử động cho quần, cũng như cải thiện phần nhìn ở phần rise. Phần vải được gấp lại sẽ bung ra khi bạn di chuyển, ngồi xuống hoặc đứng lên. Xếp ly cũng nối liền với đường ly quần (crease) chạy dọc ống quần, tạo ra độ sắc và cái nhìn chỉn chu.

9. Phần mông

Không có nhiều điểm để nói ở phần mông quần, trừ các thiết kế túi. Thông thường, chiếc quần sẽ có 2 túi chìm không nắp (rear pocket), hoặc sẽ có thêm cúc cài ở mỗi túi. Kiểu túi này sẽ giúp quần của bạn trông chỉn chu, gọn gàng hơn. Các kiểu túi khác, như túi nắp, túi ốp thường sẽ được may trên những chiếc quần casual hằng ngày. Nhưng dù có thiết kế thế nào, thì những chiếc túi mông này không thật sự có nhiều công năng sử dụng.

Ảnh: Luxire

10. Túi trước

Tiếp tục bàn về túi, hầu hết chiếc quần nào cũng có hai túi phía trước. Cho tới nay, kiểu túi phổ biến nhất là túi chéo (slant pocket). Giống như cái tên, kiểu túi này được cắt đi một góc, cho phép người dùng dễ dàng nhét tay vào trong túi.

Có hai kiểu túi ít phổ biến khác là túi dọc và túi chéo cong miệng ếch (frogmouth pockets). Kiểu túi frogmouth này có thể giúp chi tiết túi trên quần nổi bật hơn, và thường được may trên những chiếc quần không xếp ly.

Ảnh: Amazon

Nếu bạn có một chiếc quần denim, khả năng cao là bạn đã quen với túi đựng tiền xu (coin pocket), một chiếc túi nhỏ – gần như là vô dụng – nằm bên trong túi lớn bên phải quần. Theo nguồn gốc, chiếc túi này được phát triển bởi Levi-Strauss để giúp người mặc đựng đồng hồ quả quýt khi mặc quần denim. Với thời đại của đồng hồ đeo tay, chiếc túi này đã trở thành một chi tiết trang trí mang tính truyền thống đúng nghĩa.

Ảnh: Denim Hunters

11. Khóa cạp quần (Fly) và Khóa đũng quần (Front Closure)

Khóa cạp quần đơn giản là chi tiết giúp bạn mặc – cởi quần, thường là kiểu đính cúc cài ở phần cạp. Kiểu khóa cổ điển nhất là một cúc, nhưng trên một số chiếc quần cao cấp hơn, bạn sẽ thấy có thêm một chiếc khóa cạp nữa được cài ở chính giữa quần. Với những chiếc quần mang tính phóng khoáng hơn, bạn có thể sẽ bắt gặp tới hai chiếc khóa cạp với hai cúc cài. Một kiểu khóa cạp khác là Gurkha, bắt nguồn từ quân đội Anh Quốc, lại có một đai cài dài với khóa buckle (giống thắt lưng).

Ảnh: Gentleman’s Gazette

Khóa đũng quần là một chi tiết thường bị bỏ quên trên quần dài. Tuy nhiên, một số chiếc quần được thiết kế cầu kỳ hơn với khóa đũng bằng cúc cài thay vì dùng khóa kéo zipper phổ thông.

12. Leg Cut – Độ rộng ống quần

Độ rộng ống trên một chiếc quần có thể thẳng (straight), thu gọn dần từ đầu gối xuống mắt cá chân (tapered), ống rộng hoặc ống bó (slim). Để có một bộ đồ sắc gọn hơn, chiếc quần may đo nên có sự thu gọn ống dần từ đùi xuống bàn chân.

13. Lót trong

Phần ống quần cũng có thể được may thêm một lớp vải lót ở bên trong, nhất là với những chiếc quần sáng màu hoặc có chất liệu có thể nhìn xuyên thấu. Lớp lót sẽ tránh làm lộ phần chân và đồ lót của người mặc, đồng thời giúp da tránh bị xô rát. Đánh đổi lấy chi tiết này, thì chiếc quần có lớp lót sẽ nóng, bớt thoáng khí hơn.

14. Gấu lơ-vê (Cuff)

Gấu lơ-vê là một chi tiết trang trí làm quần Âu bớt trang trọng, bởi càng ít chi tiết thì càng trang trọng. Do đó, bạn sẽ ít thấy chi tiết này trên một bộ tuxedo hay business suit. Gấu lơ-vê sẽ thường được thấy trên những bộ suit casual làm từ flannels hay linen, cùng với các điểm nhấn trang trí casual khác như túi vá. Gấu lơ-vê không phải là một chi tiết nhỏ trên trang phục, mà nó dễ dàng thu hút ánh nhìn và tạo ra độ “nặng” cho phần mở ống quần. Điều này có thể làm chân bạn trông ngắn đi một chút.

Ảnh: Gentleman’s Gazette

Gấu lơ-vê phù hợp nhất với những chiếc quần có phần mở ống rộng. Có hai điều cần lưu ý khi lựa chọn quần có gấu lơ-vê. Thứ nhất, chiếc quần không nên có break. Một chiếc quần Âu với gấu lơ-vê có break trông khá bùng nhùng, không gọn gàng. Thứ hai, gấu lơ-vê không nên quá dài, thường chỉ khoảng từ 3.5 – 5cm. Một “tác dụng phụ” của gấu lơ-vê là bụi bẩn có thể bị kẹt ở bên trong. Bởi vậy một số chiếc quần sẽ được thiết kế cúc ẩn để giúp bạn đóng mở phần gấu lơ-vê, dễ dàng vệ sinh hơn.

Bạn có thể chọn may gấu lơ-vê trên những chiếc quần không xếp ly. Ngược lại, bạn nên chọn trang trí chi tiết này với quần có xếp ly, để cân bằng lại độ nặng của phần xếp ly xung quanh rise.

Kết luận

Một chiếc quần cũng có rất nhiều chi tiết mà ta nên quan tâm khi mua sắm, đặc biệt là khi may đo. Việc nắm rõ các chi tiết này cũng sẽ giúp ta hiểu hơn về nhu cầu của bản thân để lựa chọn một sản phẩm ưng ý, phù hợp trong tương lai.

Bài viết được dịch và biên soạn lại từ bài viết gốc “Features of a Pair of Pants” bởi Dr. Christopher Lee từ Gentleman’s Gazette.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *