Về Coat – liệu bạn có cần tới chúng?

Ở bài viết này, tôi sẽ nói lên những cảm nhận về CoatOutercoat – áo khoác dáng dài (cần phân biệt giữa Coat, Overcoat, Topcoat với Jacket – áo khoác dáng ngắn). Nếu đã “quen nhau” chuyện trò ngoài đời hoặc xem qua video tôi có nhắc về món này thì hẳn bạn cũng nhớ rằng, với tôi, các loại áo choàng dáng dài không “thực dụng” và không nên đầu tư mạnh vào việc may mặc cho chúng; dĩ nhiên sẽ có nhiều lý do tôi sẽ dần trình bày thông qua bài viết để bổ sung cho ý kiến của mình. Cũng cần nhắc lại, đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân, việc nên hay không sẽ là tuỳ thuộc ở cá nhân bạn, có thể đôi khi chỉ đơn thuần là vì “có hứng”!

Hình ảnh Coat trong những show diễn thời trang (Ảnh: GQ)

Hiểu hơn một chút về “những từ kèm ‘Coat’”

Coat là loại trang phục bên ngoài dành cho phần trên của cơ thể, được mặc với mục đích giữ ấm hoặc thời trang. Coat có tay áo dài, được khoác mở ở phía trước và đóng lại bằng cúc, khóa kéo, băng gai dính cho quần áo (hook and loop fasteners), cúc bật, thắt lưng hoặc là sự tổng hợp của một số thứ này, cùng với đó là các tính năng và phụ kiện khác có thể có bao gồm vòng cổ, dây đeo vai và mũ trùm đầu.

Vào đầu thế kỷ 19, áo khoác kiểu phương Tây được chia thành UndercoatOvercoat. Thuật ngữ Undercoat hiện nay đã không còn được thấy nhiều nữa nhưng có thể hiểu rằng, từ “Coat” giờ đây dùng để chỉ cho cả hai kiểu áo này gồm lớp mặc bên ngoài cùng (Overcoat) và cả lớp áo khoác bên trong lớp đó (Undercoat). Tuy nhiên, thuật ngữ Coat theo thời gian đã dần chỉ biểu thị lớp áo khoác ngoài cùng – Overcoat nhiều hơn chứ không phải để nhắc tới Undercoat. Cũng cần phân biệt giữa Overcoat với Tailcoat (áo đuôi tôm), Morning Coat hoặc House Coat với Overcoat; một ví dụ điểm tới là ta có thể khoác một số kiểu Overcoat ra bên ngoài Tailcoat được. Trong tiếng Anh-Mỹ, thuật ngữ Sport Coat được dùng để chỉ một loại áo khoác không được mặc như áo khoác ngoài dáng dài (Overcoat), và vì cũng trong ngôn ngữ này người dùng có thể thay thế giữa “jacket” và “coat” với nhau nên đôi khi ta thấy người ta nói Sport Coat, đôi khi lại thấy Sport Jacket là vì như thế.

Một chiếc Ulster Coat (Ảnh: Spier&Mackay)

Để phân biệt thêm, thuật ngữ Jacket là một thuật ngữ truyền thống thường được sử dụng để chỉ một loại áo khoác ngắn. Những chiếc Jacket hiện đại thường thấy chỉ dài đến đùi trên, trong khi những chiếc áo khoác dáng dài có thể liên tưởng tới độ dài đến đầu gối hoặc hơn. Chiếc Jacket hiện đại mặc cùng bộ suit được gọi là Lounge Coat hoặc Lounge Jacket trong tiếng Anh-Anh và là Sack Coat trong tiếng Anh-Mỹ (dù từ này hiếm khi được sử dụng).

Overcoat là loại áo choàng dáng dài được mặc làm trang phục ngoài cùng bên ngoài Jacket, thường dài đến dưới đầu gối. Những loại áo choàng này được sử dụng chủ yếu vào mùa đông với tác dụng giữ nhiệt, ngoài ra chúng đóng vai trò như những trang phục thời trang. Đôi khi chúng bị nhầm lẫn hoặc được gọi là Topcoat – ngắn hơn và kết thúc ở ngang hoặc phía trên đầu gối. Topcoat và Overcoat được gọi chung là Outercoat – áo choàng ngoài, Overcoat thường được làm từ vải hoặc lông thú nặng hơn trong khi Topcoat thường thấy với vải có trọng lượng nhẹ hơn như gabardine.

Overcoat (trái) và Topcoat (phải)

Phân loại kiểu dáng của các thuật ngữ kể trên, các bạn có thể tham khảo thêm về Chesterfield Coat, Greatcoat, Ulster Coat, Duffel Coat, Parka, Pea Coat,… Tóm lại, chúng ta có thể nhớ và phân biệt ngắn gọn giữa Coat (từ đây xin được gọi chung cho những kiểu áo khoác dáng dài) và Jacket về độ dài cùng tính chất sử dụng khi “Coat” thường liên tưởng đến những kiểu áo khoác dáng dài, nặng, dày và giữ ấm tốt khoác lên bên ngoài Jacket. Tôi không khoái món này cho lắm, giờ thì thôi phần lý thuyết, hãy cùng tới với quan điểm của tôi phía dưới đây.

Vì đâu tôi nghĩ Coat không thực sự phù hợp với Việt Nam?

Không hẳn “ghét” nhưng cũng không muốn phải nhớ tới quá nhiều, Coat ở nước ta với tôi nên là một khoản đầu tư nhỏ; như khi có lần tôi dạo chơi trong trung tâm thương mại thấy được một chiếc giá khá “học sinh sinh viên” thì mua về để diện… cho vui. Và tất cả đều có lý do.

Khí hậu nước ta… không cần đến mức đó

Kể cả, có ở mùa lạnh của Sa Pa chẳng hạn, thì cá nhân tôi chưa từng nghĩ tới các loại áo khoác dài, dày và nặng này là sự lựa chọn phù hợp. Có thể do sức chịu đựng cùng cơ chế điều hoà nhiệt độ của cơ thể khác hơn so với một số người bạn, nhưng với những ngày trời lạnh Hà Nội khoảng hơn 10 độ C tôi thường chỉ khoác từ 2-3 lớp áo tuỳ theo độ giữ nhiệt, còn lạnh hơn thì là áo khoác dáng ngắn nhưng ấm hơn nữa cùng với khăn quàng kín cổ chẳng hạn, không nhất thiết phải chọn tới một chiếc áo thật dài che hết phần đùi. Và nhớ rằng nước ta có nền nhiệt khá cao cả năm, có lạnh có chăng được một mùa trong khoảng 2-3 tháng, chút tôi sẽ nói thêm về phần này. Nhưng với chỉ luận điểm này thôi có vẻ chọn hay không cũng chẳng có nhiều khác biệt; tôi còn “ngại” áo khoác dáng dài là vì…

Coat chỉ đẹp với những người “ít ngồi”

Thử tưởng tượng bạn đang mặc một chiếc áo dài ngang đầu gối. Bạn bước vào xe ô tô, mở điều hoà theo chiều nóng, có thể vẫn cần tới chiếc áo này vì nó vẫn ấm, nhưng bạn bắt đầu thấy khá là vướng víu – dù đang ở ghế lái hay ghế hành khách đi chăng nữa. Chưa kể đến chuyện bạn mặc áo dài hơn đầu gối (có thể chạm tới mắt cá chân?) thì sự bất tiện sẽ càng tăng cao, và trong xe hơi có sưởi rồi thì nên chăng cởi ra sẽ là hợp lý hơn.

Vậy còn bạn lái xe máy hay xe đạp thì sao? Vẫn vướng, tôi làm ví dụ trực quan đây, không hề thoải mái chút nào. Mà xe máy vẫn còn là dáng ngồi khá cao đấy, nếu vẫn đang ở đâu đó ngoài đường có công chuyện chưa thể cởi áo để ngồi xuống ở các kiểu ghế khác yên xe bạn sẽ thấy rằng độ dài này chưa hẳn đã là lựa chọn tốt. Với tôi, Coat chỉ đẹp với những người “ít ngồi”; tức là đi bộ hoặc đứng trong một thời gian dài (như bạn có thể thấy các anh cảnh vệ chẳng hạn), còn cho nhiều tác vụ khác thì hãy nghĩ lại thêm một lần đi nhé.

Độ dài như Pea Coat thế này, có khi còn hợp lý (Ảnh: &Sons)

Coat chẳng hề rẻ, nếu tính đến may đo

Ừ thì, chẳng món nào “rẻ” nếu tính tới may đo, nhưng ý tôi ở đây sẽ chọn may thêm một bộ suit thay vì chọn may Coat. Theo tham khảo, giá may Coat sẽ tương đương hoặc hơn một bộ suit 2 mảnh cùng chất liệu và cũng có một số người thợ sẽ khá ngại ngần việc nhận may món này, thế nên việc lựa thêm một bộ đồ mới sẽ hay ho hơn là có thêm một món đồ mới. Chưa kể, món đồ này còn khá ít dịp sử dụng vì 1: thời gian đủ lạnh ở Việt Nam khá ngắn so với nhiều nước phương Tây và 2: một người “yêu quần áo” thì chẳng ai lại muốn có một chiếc Coat diện hoài, vậy nên dẫn tới:

Cost per Wear cao – phải chăng là “lãng phí”?

Tôi đặt đây là câu hỏi, và như cho cả bài viết cũng cần nhắc lại cho cả bài viết: tất cả chỉ là quan điểm. Giả sử chiếc Coat ta may giá 10 triệu đồng mỗi năm mặc được 2 lần, thì kể cả sau 10 năm thì CPW cũng vẫn lên tới 500 ngàn đồng cho mỗi lần mặc; sẽ chênh hơn khá nhiều so với suit đa dụng có thể đóng bộ hoặc pha phối cả năm (trừ những chất liệu đặc sệt mùa đông). Cao hay thấp, lãng phí hay không, bạn thử cân đối xem thế nào.

Anthony Eden trong một chiếc Chesterfield Coat (Ảnh: KEIKARI)

Thay vì Coat, tôi sẽ chọn những món đồ khác hợp hơn với thói quen sử dụng của mình. Đôi ba chiếc áo giữ nhiệt cùng jacket chồng lên nhau xem chừng vừa “thân thiện”, vừa đa dụng hơn chứ, bạn thì nghĩ sao?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *