Thời trang nói chung luôn chịu ảnh hưởng của thời đại, nhất là trong những cuộc chiến tranh lớn của thế giới. Âu phục cổ điển và thời trang đại chúng ngày nay đã được phát triển ít nhiều trên nền móng của trang phục quân sự – Military Wear. Bộ suit hai hàng khuy màu navy “quốc dân” chính là một biến thể tiêu biểu được lấy cảm hứng từ đồng phục Hải quân Hoàng gia Anh. Vậy so với các trang phục hiện đại, trang phục quân sự có những điểm khác biệt gì đáng chú ý?
Sự bền bỉ
Đây có thể coi là yếu tố được các tổ chức quân sự ưu tiên khi nghiên cứu thiết kế và sản xuất quân phục. Các chiến trường khác nhau với điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau sẽ yêu cầu trang phục có khả năng chống chịu và cung cấp nhiệt khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của các loại chất liệu này đều là độ bền cao – cũng có thể hiểu là Cost Per Wear thấp.
Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai giữa Anh và Boer (1899-1902), nhà sáng lập thương hiệu Burberry – ông Thomas Burberry đã cung cấp cho các sĩ quan Quân đội Anh chiếc áo Trench Coat trứ danh. Loại vải thường được sử dụng trong thời kỳ này là Gabardine – một loại vải len có khả năng chống nước và độ bền cực cao nhờ sử dụng mỡ len (lanolin) được dệt thêm vào sợi vải.
Một số quốc gia cũng sử dụng vải len (wool) có độ bền cao cho các cuộc chiến ở vùng khí hậu lạnh. Ở các môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao, cotton pha là sự lựa chọn phù hợp với khả năng thấm hút tốt mà vẫn đảm bảo độ bền cao. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chiếc áo Field jacket phiên bản năm 1943 được làm từ vải cotton-poplin, một loại vải được dệt từ sợi cotton và một số loại sợi tổng hợp khác.
Tính tiện dụng
Multi-tasking nhanh chóng chính là điều mà binh sĩ cần trên chiến trường, vậy nên các trang phục quân sự thường được bổ sung các chi tiết để tăng độ linh hoạt của người lính khi chiến đấu. Lấy ví dụ chiếc áo Safari jacket được writer Khánh Sartorial giới thiệu trong bài viết về áo khoác mùa lạnh, phiên bản gốc của nó có túi đựng đạn ammo loop để nhanh chóng lấy và nạp đạn chẳng hạn.
Một ví dụ thú vị khác là Sailor suit: là loại suit được thủy thủ Anh sử dụng, với phần quần được thiết kế ống loe dần xuống hình chiếc chuông (bell-bottom trousers) để dễ xắn lên cao, tránh dính nước biển.
Màu sắc
Trong quân phục, màu sắc không chỉ được dùng để phân biệt quân ta – quân địch, mà còn có thể dùng để ngụy trang, hoặc thể hiện đặc trưng của chiến trường mà binh chủng đó hoạt động. Như đã nêu đầu bài viết, hải quân Anh đã sử dụng màu xanh navy trên trang phục của mình, bởi đây là màu đại diện cho biển cả. Màu tan, be (khaki), hay các loại họa tiết camo thường được dùng cho mục đích ngụy trang.
Ngày nay, với sự cởi mở của đại chúng, màu sắc trên các trang phục lấy cảm hứng từ quân đội đã đa dạng hơn rất nhiều, như burgundy, cam, tím… Nhưng không vì thế mà các màu sắc từng được dùng trong quân đội mất đi chỗ đứng của mình.
Tổng kết
Có thể thấy, Âu phục cổ điển đã tinh giản hóa một số chi tiết trên các trang phục sử dụng trong quân đội, và thêm vào đó các chi tiết mang tính trang trí cao hơn. Một số người chơi kỳ cựu vẫn sử dụng “lợi thế” cá nhân hóa để đem trở lại các chi tiết ngày nào lên trang phục của mình vì sở thích. Nhưng dù thế nào, chúng ta đều phải công nhận những đóng góp to lớn của quân sự trong nhịp phát triển của thời trang thế giới nói chung và Âu phục cổ điển nói riêng, để giúp cuộc chơi này thêm phần thú vị.
“Tới từng tiểu tiết”