Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những yếu tố cấu thành nên GIÁ BÁN của một đôi giày da, và cách mà một chi tiết nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuối cùng của thành phẩm. Tôi nghĩ rằng, người tiêu dùng rất cần hiểu họ sẽ nhận được một sản phẩm có chất lượng như thế nào với cái giá phải chi trả.
Có ba yếu tố chính tạo nên giá bán của một đôi giày da, đó là…
CHẤT LƯỢNG DA ĐƯỢC DÙNG
Khi mua da thuộc, bạn sẽ phải mua theo các tấm lớn, nhưng giá sẽ được tính theo mét hoặc mét vuông. Một tấm da lớn có thể làm được 6-8 đôi giày (tùy vào kích cỡ).
Một tấm da thuộc chất lượng cao có thể có giá €130/ mét vuông – gần 3 triệu rưỡi VND! Kích cỡ của một tấm da thường rộng 1 mét, dài 1.5 mét, tạm tính giá là €195 (khoảng 5 triệu VND). Hãy giả sử tấm da này cắt được thành 6 đôi giày:
– Nếu bạn tạo được cả 6 đôi giày từ tấm da này, thì chi phí tiền da của mỗi đôi giày là €32.50 – khoảng 850.000đ
– Nếu bạn chỉ cắt được 3 đôi giày từ tấm da này, chi phí da cho mỗi đôi giày tăng lên €65 (1.7 triệu VND), nhưng bạn đã phí mất một nửa tấm da, và khách hàng sẽ phải chịu phần chi phí tổn thất này sau cùng, bởi giá bán của một đôi giày đã tăng lên gần nửa.
– Nếu bạn chỉ hoàn thiện được duy nhất 1 đôi giày từ tấm da này, thì đôi giày đó đã tốn tới 5 triệu VND, thì giá bán của đôi giày này chắc chắn là không rẻ chút nào…
Một nhà máy sản xuất có thể đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm, nhưng một đôi giày làm từ một tấm da sẽ có giá bán lẻ cao hơn rất nhiều so với 6 đôi giày làm từ 1 tấm da cùng phân khúc. Người ta làm vậy bởi mỗi tấm da lại có những phần xấu – đẹp khác nhau, ảnh hưởng tới bề mặt sản phẩm hoàn thiện.
Ví dụ, một báo cáo từng chỉ ra rằng, một thương hiệu shoemaker rất nổi tiếng sẽ chỉ mua các tấm da loại 3 (3rd-grade leather) và chỉ cắt 1 đôi từ mỗi tấm da lớn này. Chỉ với chất lượng da mức này, bạn có thể hoàn thiện ít nhất 1 “đôi giày hoàn hảo” – tức bề mặt da trên đôi giày không có một chút lỗi hay điểm xấu nào. Đây là một cách làm thông minh, bởi shoemaker này tiết kiệm được rất nhiều tiền từ việc mua sỉ, và sử dụng phần da thừa cho các hoạt động sản xuất khác. Nên dù tấm da thuộc có trị giá 2 triệu VND, thì chi phí sản xuất 1 đôi giày từ tấm da đó cũng sẽ được định giá 2 triệu VND – mặc dù chỉ dùng ⅙ diện tích da.
CHI PHÍ NHÂN CÔNG
Chi phí nhân công ở mỗi quốc gia cao thấp khác nhau, và mỗi thành phố cũng sẽ có mức lương khác nhau. Công nhân tại các nước châu Âu chắc chắn sẽ có mức lương cao hơn công nhân tại các nước châu Á chuyên sản xuất công nghiệp như Việt Nam, Trung Quốc.
Do đó, cùng một chất lượng sản xuất hoàn thiện, một đôi giày có thể sẽ có giá bán rất cao và ngược lại – phụ thuộc vào nơi sản xuất. Bởi vậy, giày được sản xuất tại Tây Ban Nha rẻ hơn Anh Quốc, và giày khâu tay tại châu Á rẻ hơn 3 lần giày cùng loại sản xuất tại châu Âu (chưa kể thuế nữa).
CHÊNH LỆCH ĐỊNH GIÁ (PRICING MARKUP)
Đây là yếu tố quan trọng nhất định giá một đôi giày da, và cũng là chi phí bạn phải bỏ ra nhiều nhất. Trong ngành công nghiệp giày, mức chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán thường là 2.5-3 lần. Bởi vậy, chi phí sản xuất càng lớn, bạn càng phải trả nhiều tiền cho mức chênh lệch định giá (sau đây xin gọi là markup).
Ví dụ, một đôi giày da tốn 2 triệu tiền sản xuất, và có markup là 3x, thì giá bán của đôi giày sẽ là 6 triệu, và bạn phải trả 4 triệu tiền markup. Tuy nhiên, các thương hiệu cũng sẽ có markup riêng cho việc bán sỉ.
Chênh lệch định giá cũng có thể mang tính cá nhân cực kỳ cao. Một quốc gia có thể định giá giày của mình cao hơn các quốc gia khác bởi sản phẩm của họ được mọi người cho là vượt trội hơn (dù sự thật có thể không phải vậy). Thực tế là, giá trị thương hiệu, nhu cầu từ thương hiệu sẽ ảnh hưởng lớn tới mức chênh lệch định giá này. Một thương hiệu thiết kế lớn có thể có mức markup 7x-10x, thậm chí là cao hơn…
Cuối cùng, markup cũng thay đổi dựa trên những phân loại giày khác nhau trong ngành công nghiệp sản xuất giày da. Ví dụ, giày Goodyear Welt có markup 2.5x-3x. Giày đế khâu Blake hay giày dán keo có thể còn không có markup. Và còn chưa kể tới những đôi giày xa xỉ tới từ các thương hiệu nổi tiếng đã nêu trên.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn về những chi phí ẩn sau một đôi giày da, để mỗi quyết định mua hàng của bạn trở nên phù hợp và xứng đáng với số tiền chi trả hơn.
Bài viết được dịch và biên soạn lại từ bài viết gốc “A Guide To Shoe Pricing” bởi Justin FitzPatrick từ The Shoe Snob Blog.
“Tới từng tiểu tiết”