5 sai lầm kinh điển cần tránh khi bắt đầu sưu tập đồng hồ

Sẽ luôn là điều tuyệt vời khi bạn bắt đầu nhận ra sở thích cá nhân của mình, đặc biệt khi sở thích đó gắn liền với những thứ có thể sưu tập được như đồng hồ đeo tay. Tuy nhiên, đối với một số người khi mới bắt đầu bước chân vào hành trình xây dựng một bộ sưu tập đồng hồ cho riêng mình, thường sẽ mắc phải những lỗi, hoặc những sai lầm kinh điển mà ngay cả những cá nhân sưu tập lâu năm vẫn thường xuyên mắc phải. Chính vì vậy, Quynh Anh’s Watches trong bài viết này sẽ đưa ra một danh sách tập hợp 5 sai lầm kinh điển cần phải tránh khi sưu tập đồng hồ cho người mới bắt đầu.

1. Chạy theo số đông

Với sự phát triển cực kỳ nhanh của những mạng xã hội như Facebook, Instagram, hay những kênh thông tin tiêu thụ nội dung nhanh như Shorts, Tiktok và Youtube, bạn sẽ dần bị chi phối bởi những gì mà bạn nhìn thấy hằng ngày trên đó. Đôi khi, điều tệ nhất có thể xảy ra chính là việc bạn chi tiền cho những thứ mà bạn không thực sự muốn sở hữu, mà chỉ vì bạn bị Instagram hay Youtube “thao túng tâm lý” bởi những mỹ từ như “biểu tượng” và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Thậm chí, điều này còn thường xuyên xảy ra nếu như bạn có một hội cùng chung đam mê. Người viết không hoàn toàn phủ nhận rằng hỏi ý kiến hoặc có một vài lời khuyên từ bạn bè là tốt. Tuy nhiên, thay vì hỏi chính mình rằng liệu mình có thực sự muốn có chiếc đồng hồ đó hay không, bạn lại ra quyết định dựa trên những gì mà người khác nghĩ là sẽ phù hợp với bạn, và đó là một sai lầm.

Hãy mua một chiếc đồng hồ mà bạn yêu thích, dù cho đó là một chiếc không đến từ những cái tên rất kêu như Rolex, Patek Philippe hay Omega. Đơn giản là bạn yêu và tận hưởng cảm giác đeo nó trên cổ tay.

2. Mua quá nhiều đồng hồ trong một thời gian ngắn

Tất nhiên, khi mới bước chân vào sưu tập đồng hồ, việc hưng phấn mong muốn sở hữu những chiếc đồng hồ khác nhau và “lấp đầy” bộ sưu tập luôn là một cảm giác gây nghiện. Thế nhưng, đây lại không phải là cách đúng.

Điều quan trọng nhất của việc sưu tập chính ở trải nghiệm và hành trình. Việc dành thời gian tìm hiểu sâu hơn, suy nghĩ về những gì bạn thực sự muốn và biết cách tận hưởng hạnh phúc về những gì mình đang có sẽ hữu ích hơn rất nhiều so với việc mua quá nhiều đồng hồ trong một thời gian ngắn một cách vội vã. Hãy luôn nhớ rằng “less is more” và sưu tầm là một hành trình, không phải một cuộc đua.

3. Mua một chiếc đồng hồ thay thế cho những gì bạn thực sự muốn

Điều này thường xuyên xảy ra khi những chiếc đồng hồ mà bạn thực sự mong muốn, một là có mức giá cao hơn phạm vi ngân sách của bạn, thứ hai là khi chúng quá hiếm và đã hết hàng. Lúc này người bán có thể sẽ cố gắng chuyển hướng sự quan tâm của bạn sang những chiếc khác, chúng có thể là những mẫu “alternative” hoặc là một chiếc chung dòng đồng hồ. Ví dụ như Zenith Chronomaster Sport El Primero thay thế cho một chiếc Daytona; hoặc Black Bay Fifty-Eight thay thế cho Rolex Submariner. Người viết xin khẳng định rằng, không có gì sai với những mẫu đồng hồ này; ngược lại, chúng lại còn rất đáng để sở hữu và có tính sưu tầm riêng thay vì là một “kẻ thế thân”.

Sẽ không gì có thể thay thế được bản gốc, và nếu bạn muốn một chiếc Rolex Submariner hay một chiếc Daytona, chắc chắn TudorZenith sẽ khiến bạn sớm chán đeo và dần cảm thấy chúng không còn phù hợp với bản thân mình nữa. Đừng mua một chiếc đồng hồ chỉ để thay thế cho những gì mà bạn thực sự muốn, vì sớm muộn gì bạn cũng sẽ nhận ra đó không phải là chiếc đồng hồ mà bạn thích.

4. Mua đồng hồ khi thiếu kiến thức cơ bản

Ngày nay, có rất nhiều cách để sở hữu những chiếc đồng hồ trong mơ. Tuy nhiên, việc không trang bị đủ kiến thức trước khi mua sẽ dẫn đến những sai lầm và những quyết định tồi tệ trong hành trình sưu tập. Bất cứ khi nào bạn có ý định mua một chiếc mới, hãy đảm bảo rằng bạn biết càng nhiều thông tin về chúng càng tốt (đặc biệt là với những chiếc đồng hồ cổ điển có tuổi thọ trên 20 năm), và tuyệt đối đừng chỉ nghe theo lời của người bán (đôi khi, họ chỉ cố gắng bán thay vì đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn).

Tuy ngày nay đã có rất nhiều đơn vị làm review cũng như cung cấp một khối lượng thông tin khổng lồ, thế nhưng, chúng đều chỉ là những nguồn tham khảo. Quyết định cuối cùng vẫn ở bạn, và điều chúng tôi khuyên là, hãy vẫn nên mua những gì bạn thích, vì cuối cùng, chỉ có bạn đeo và tận hưởng chúng trên cổ tay chứ chẳng phải ai khác. Nhưng hãy đảm bảo bạn hiểu rõ về chiếc đồng hồ đó trước khi “bóp cò” thay vì “nhắm mắt phi lao”.

5. Quá tập trung vào bộ chuyển động

Có lẽ, đây là một lỗi mà không chỉ những cá nhân mới bước chân vào hành trình mà ngay cả những nhà sưu tập lâu năm vẫn thường xuyên bị dính phải. Đồng ý rằng, một chiếc đồng hồ với bộ chuyển động sở hữu những chức năng phức tạp hay được sản xuất in-house sẽ cuốn hút và hấp dẫn hơn rất nhiều khi so với những chiếc chỉ được sử dụng bộ máy của bên thứ ba như ETA.

Tuy nhiên, một chiếc đồng hồ không chỉ có mỗi bộ chuyển động, mà đó là sự tổng hòa của thiết kế, độ hoàn thiện, sự thoải mái khi đeo trên cổ tay, phối màu mặt số và cuối cùng mới là bộ chuyển động. Nên nhớ rằng, bộ chuyển động chỉ là một phần của những linh kiện tạo nên chiếc đồng hồ.

Đôi khi, một chiếc đồng hồ đi vào lịch sử và là biểu tượng của toàn ngành chế tác thời gian, thì không nhất thiết cần đến những bộ chuyển động in-house. Patek Philippe dòng 3970 là một chiếc đồng hồ như vậy, khi bộ máy được xây dựng trên nền tảng của Lemania. Và cũng chính Lemania là bộ chuyển động nền tảng để Omega tạo nên huyền thoại Calibre 321 – bộ chuyển động duy nhất từng đặt chân lên Mặt Trăng.

(Ảnh: tổng hợp)

Bình luận trong “5 sai lầm kinh điển cần tránh khi bắt đầu sưu tập đồng hồ

  1. trần hoàng quân bình luận:

    Đọc qua bài viết mình có 1 số quan điểm riêng, cũng như có 1 số bổ sung kiến thức nho nhỏ:

    Về quan điểm số 5 của tác giả:

    1/ chiếc đồng hồ có cỗ máy in-house là mục tiêu của đa số giới chơi đồng hồ và đã tới level đó thì các thiết kế, độ hoàn thiện…đều được cân đo đong đếm kỹ lưỡng. Nên dùng cái này để so sánh thì hơi cấn cấn, nếu nói lựa chọn để phù hợp với style ăn mặc hay lối sống thì nghe có vẻ hợp lý hơn.

    2/ “Đôi khi, một chiếc đồng hồ đi vào lịch sử và là biểu tượng của toàn ngành chế tác thời gian, thì không nhất thiết cần đến những bộ chuyển động in-house” – sai quá sai…nếu dám đề cập tới biểu tượng của toàn ngành chế tác thời gian thì không có ông nào không tự sx bộ chuyển động, vì đó là 1 trong những thước đo về trình độ và tầm cỡ của 1 hãng đồng hồ.
    Nếu dùng quan điểm 1 chiếc đồng hồ có giá trị lịch sử cũng như được giới chơi đồng hồ đánh giá cao về chất lượng và thiết kế như Tissot, Timex… thì quan điểm này có thể nghe hợp tai hơn.

    3/ Nên hiểu rõ kĩ về khái niệm máy in-house, máy inhouse là cỗ máy được chính hãng đồng hồ đó thiết kế ra, không thông qua bên thứ 2 hay thứ 3 nào, có chứng nhận và bản quyền sở hữu. Quan điểm máy được thiết kế trên nền tảng của 1 máy khác thì không phải là in-house là sai quá sai.

    Chưa kể tới là đề cập tới PP 3970: PP3970 là máy in-house của PP, dựa trên ý tưởng và thiết kế của Lemania 2310 nhưng được làm hoàn toàn bới PP cũng như đã được chỉnh sửa và tuân thủ theo quy chuẩn chất lượng và quy trình kiểm duyệt của Geneve. Bạn chủ bài viết dùng nó làm ví dụ cho quan điểm này lại sai tập 2.

    • Linh Lưu bình luận:

      Trước hết, tác giả xin cảm ơn những đóng góp kiến thức của bạn Quân cho bài viết. Mình luôn trân trọng những đóng góp của tất cả mọi người. Mình xin phép được phản hồi bạn một số ý nhỏ, cũng như kiến thức còn hạn hẹp của mình như sau.

      1/ Chiếc đồng hồ có cỗ máy in-house là mục tiêu của đa số giới chơi đồng hồ và đã tới level đó thì các thiết kế, độ hoàn thiện…đều được cân đo đong đếm kỹ lưỡng. Nên dùng cái này để so sánh thì hơi cấn cấn, nếu nói lựa chọn để phù hợp với style ăn mặc hay lối sống thì nghe có vẻ hợp lý hơn.

      Phản hồi:

      Đầu tiên, mình hoàn toàn đồng ý với bạn về việc những chiếc đồng hồ có máy in-house là mục tiêu của đa số giới chơi đồng hồ và những cỗ máy đó đều có độ hoàn thiện cực kỳ cao. Nhưng, mình không hề so sánh, mình chỉ nói sự thật rằng, những chiếc đồng hồ có bộ máy đó đa số thì sẽ cuốn hút và hấp dẫn hơn khi so với một chiếc đồng hồ không có được một bộ máy in-house. Bên cạnh đó, luận cứ mình cũng đưa ra việc sưu tầm không nên quá chú tâm vào việc “con đồng hồ này có máy xịn không, in-house không?” vì mình đã từng bỏ lỡ nhiều con đồng hồ mình rất thích chỉ vì chúng được trang bị bộ máy không phải in-house. Vậy nên, đó là chia sẻ cá nhân, không phải là so sánh.

      2/ “Đôi khi, một chiếc đồng hồ đi vào lịch sử và là biểu tượng của toàn ngành chế tác thời gian, thì không nhất thiết cần đến những bộ chuyển động in-house” – sai quá sai…nếu dám đề cập tới biểu tượng của toàn ngành chế tác thời gian thì không có ông nào không tự sx bộ chuyển động, vì đó là 1 trong những thước đo về trình độ và tầm cỡ của 1 hãng đồng hồ.

      Nếu dùng quan điểm 1 chiếc đồng hồ có giá trị lịch sử cũng như được giới chơi đồng hồ đánh giá cao về chất lượng và thiết kế như Tissot, Timex… thì quan điểm này có thể nghe hợp tai hơn.

      Phản hồi:

      Thứ nhất, theo ngôn ngữ tiếng việt, “biểu tượng” có thể hiểu là bất cứ cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Trên bản đồ, một hình ảnh lều có thể đại diện cho một khu cắm trại. Một bông hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu và lòng từ bi. Vì vậy, trong câu này, Patek Philippe hay Patek Philippe 3970 là đồng hồ bấm giờ lịch vạn niên và là sản phẩm kế thừa của mẫu 1518 và 2499 mang tính biểu tượng của Patek Philippe. Và tất nhiên, Patek Philippe và Rolex là hai biểu tượng tiêu biểu đối với người viết trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ. Đây là luận cứ chứng minh cho nửa đầu của câu “Đôi khi, một chiếc đồng hồ đi vào lịch sử và là biểu tượng của toàn ngành chế tác thời gian”.

      Thứ hai, trước tiên, theo mình hiểu, một bộ máy được xây dựng dựa trên bộ máy bên thứ ba sẽ không được gọi là in-house. Hãy đi vào trọng tâm, Patek Philippe dòng 3970 có bộ máy CH 27-70 Q, dựa trên nền tảng Lemania 2310. Vì vậy nửa sau “ thì không nhất thiết cần đến những bộ chuyển động in-house” của mình cũng không có gì sai về mặt ý nghĩa. Vậy, nếu suy rộng ra, có chăng sự sai ở đây chỉ ở phần “của toàn ngành chế tác thời gian”, nhưng mình tin là bạn cũng sẽ hiểu phép nói quá đôi khi vẫn được sử dụng trong văn học, giống như so sánh hoặc ẩn dụ.

      3/ Nên hiểu rõ kĩ về khái niệm máy in-house, máy inhouse là cỗ máy được chính hãng đồng hồ đó thiết kế ra, không thông qua bên thứ 2 hay thứ 3 nào, có chứng nhận và bản quyền sở hữu. Quan điểm máy được thiết kế trên nền tảng của 1 máy khác thì không phải là in-house là sai quá sai.

      Chưa kể tới là đề cập tới PP 3970: PP3970 là máy in-house của PP, dựa trên ý tưởng và thiết kế của Lemania 2310 nhưng được làm hoàn toàn bới PP cũng như đã được chỉnh sửa và tuân thủ theo quy chuẩn chất lượng và quy trình kiểm duyệt của Geneve. Bạn chủ bài viết dùng nó làm ví dụ cho quan điểm này lại sai tập 2.

      Phản hồi:

      Một bộ máy in-house theo mình hiểu sẽ là bộ máy được thiết kế, chế tạo và hoàn thiện bởi thương hiệu trên mặt số đồng hồ. Chính vì vậy, mua về một bộ chuyển động từ Lemania, chỉ hoàn thiện lại và lắp thêm chức năng không có nghĩa đó là một bộ chuyển động in-house. Thậm chí năm 2009, TAG Heuer cho ra đời Calibre 1887 và tự gọi đó là in-house. Tuy nhiên, hoá ra TAG Heuer đã dựa trên nền tảng của TC78 của Seiko Instruments Inc. Đây là một sự kiện hoàn toàn có thật khi mọi người thường nói, TAG Heuer đã tự bắn vào chân mình khi tuyên bố “100% thiết kế in-house” nhưng sau đó phải đăng đàn giải thích rằng “Calibre 1887 mới dựa trên nền tảng TC78”. Đây là một dẫn chứng cho việc một máy được dựa trên nền tảng khác thì không phải là in-house.

      Như mình đã nói ở trên. Patek Philippe dòng 3970 có bộ máy CH 27-70 Q, dựa trên nền tảng Lemania 2310. Ở đây, có lẽ bạn đang nhầm lẫn một chút. Patek Philippe chính xác đã sử dụng luôn ébauche (hay bộ máy cơ sở) là Lemania 2310 và sau đó được sửa đổi chi tiết bằng cách tháo bung toàn bộ bộ chuyển động thành từng linh kiện, hoàn thiện riêng biệt theo tiêu chuẩn của Patek Philippe và sau đó lắp ráp chúng lại. Tất nhiên CH 27-70 Q sau đó được Patek lắp thêm chức năng lịch vạn niên lên trên bộ chuyển động này, chứ không phải là “dựa trên ý tưởng và thiết kế”.

      Tiếp đến, con dấu Geneve nếu tìm hiểu kĩ sẽ có hai yêu cầu: một là phải được sản xuất tại Geneve, hai là chất lượng, chủ yếu là ở độ hoàn thiện và trang trí chứ không phải là việc bộ máy in-house hay không. Và chính điều này cũng khiến CH 27-70 Q nhận được con dấu.

      Cuối cùng, có lẽ bạn chưa đọc kĩ bài mình viết. Mình luôn dùng “dựa trên nền tảng” hay tiếng anh là “base” chứ không nói là “được thiết kế”. Điều này có nghĩa rằng, các nhà sản xuất đồng hồ sẽ mua về những bộ máy ébauche, sau đó tinh chỉnh và sử dụng chúng như một nền móng của bộ chuyển động. CH 27-70 Q là một bộ chuyển động như vậy. Patek Philippe chỉ hoàn thiện lại và bổ sung chức năng lịch vạn niên trên chiếc đồng hồ. Và những bộ máy như vậy đều không được coi là in-house.

      Mình xin phép được phản hồi bạn một số ý như vậy. Rất cảm ơn bạn vì đã kiên nhẫn, dành thời gian đọc cũng như đóng góp ý kiến cá nhân cho Sartorial.vn ạ. Mình xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *