Thế nào là Cut, Size & Fit?

Khi tìm hiểu hay mua sắm về quần áo, 3 từ “cut”, “size”, “fit” sẽ xuất hiện với tần suất vô cùng nhiều. Đáng buồn là không phải ai cũng hiểu được sự khác biệt giữa những khái niệm này, trực tiếp làm trải nghiệm mua sắm của bạn thêm phần “lú lẫn”. Buồn hơn nữa là 3 khái niệm này cũng… có những điểm giống nhau nhất định.

Trong bài viết này, hãy cùng tôi phân biệt 3 khái niệm “Cut”, “Size” & “Fit” nhé!

Định nghĩa cơ bản

Cut là hình dạng, silhouette tổng thể của trang phục khi mặc trên cơ thể.

Size là kích cỡ trên đồ may sẵn, giúp người mua dễ dàng ước lượng với tỉ lệ cơ thể của bản thân. Có nhiều thước đo, tiêu chuẩn size khác nhau được sử dụng. Khi là size S, M, L, XL; khi là 29, 30, 31… Một số thương hiệu lại có bảng size khác hoàn toàn so với các thương hiệu khác.

Fit là sự kết hợp của Cut và Size trên cơ thể bạn. Tức là, nếu độ Cut và Size của trang phục phù hợp với cơ thể của bạn, thì bộ đồ đó Fit với bạn.

Ảnh: DRAKES

Trong khuôn khổ bài viết này, suit sẽ được dùng làm “giáo cụ trực quan” để giúp bạn hiểu hơn về các khái niệm này. Bởi đây là loại trang phục có nhiều chi tiết cần xử lý hơn khi may đo, do đó rất phù hợp để minh họa cho sự khác biệt giữa 3 khái niệm trên.

Độ Cut tạo nên Silhouette

Khi tìm hiểu về các nhà may trong Âu phục cổ điển, mỗi nhà may sẽ có một kiểu hình dáng, thiết kế riêng (ít nhất tại các thị trường châu Âu, quốc tế). Đây chính “house cut” của tailor, hay cũng chính là silhouette đặc trưng của họ.

Ví dụ, Anderson & Sheppard rất nổi tiếng với drape cut đặc trưng, còn Huntsman thì lại nức danh với military cut. Dù cả hai đều mang âm hưởng của Âu phục Anh Quốc, mỗi nhà may lại có những sự khác biệt nhất định trong độ cut của mình.

Odd jacket – Trái: Anderson & Shepard; Phải: Huntsman (Ảnh: Gentleman’s Gazette)

Trong những năm gần đây, các thương hiệu may sẵn cũng đã chú trọng hơn rất nhiều về việc phát triển phong cách cut riêng cho sản phẩm của mình. Lấy SuitSupplyOliver Brown làm ví dụ. Âu phục của SuitSupply có độ cut sát với cơ thể, điểm đặt khuy cao, vạt áo ngắn, ít đệm vai – mang phong cách Ý. Oliver Brown lại mang những âm hưởng của Âu phục Anh Quốc, với đệm vai, phần eo chiết nhẹ, vạt áo đóng và dài.

Size: chọn thấy… sai sai?

Như đã nói, mỗi thương hiệu có thể có một bảng size khác nhau. Việc mua đồ may sẵn đôi khi trở nên khó khăn hơn rất nhiều, bởi trên thế giới chưa có một hộ thống kích cỡ tiêu chuẩn cho đồ may sẵn.

Sự bất tiện này có thể tới từ nhiều lý do. Đôi khi là do nhà máy sản xuất thiết kế size… như thế (một thương hiệu thời trang không cần phải có nhà máy riêng để sản xuất. Họ có thể gửi bản thiết kế tới nhà máy may và đặt hàng theo số lượng). Đôi khi thiết kế của một số kiểu trang phục có tính phá cách cao. Thật may mắn khi các loại áo sơ mi, áo polo trong Âu phục cổ điển ít khi gặp tình trạng này.

Fit tạo nên độ thoải mái

Nếu cut là hình dáng của trang phục, size là kích cỡ, thì độ fit là độ thoải mái mà bạn mặc trang phục trên người. Silhouette của chiếc jacket có đẹp tới đâu, thì nếu mặc trên người bạn cảm thấy bùng nhùng, chật chội, thì chiếc áo đó không fit với bạn.

Ảnh: DRAKES

Với các trang phục may đo và made-to-measure, 3 khái niệm này sẽ hòa lẫn vào nhau. Số đo cơ thể của bạn sẽ quyết định xem bộ đồ sẽ có độ cut như thế nào để vừa vặn nhất với cơ thể. Nhiệm vụ của các nhà may chính là tinh chỉnh, hoàn thiện bộ đồ để vừa fit với khách hàng, vừa thể hiện được house style hay house cut của mình.

Size và Fit thì dễ chỉnh sửa, chứ Cut thì khó

Có thể nói, độ Cut của trang phục chính là đặc điểm thiết kế, “khung xương” mà nhà thiết kế tạo ra cho món đồ đó. Việc thu nhỏ, nới rộng một số chi tiết trên khung xương đó rất đơn giản. Nhưng thay đổi cấu trúc “khung xương” hay thiết kế đó thì lại là một yêu cầu làm nhiều nhà may quan ngại. Bởi khi thay đổi những chi tiết quan trọng như vậy, về cơ bản là bạn đang tạo ra một trang phục mới – và may mới trang phục đó sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với việc “phẫu thuật chỉnh hình” trên món đồ gốc.

Ảnh: Percy Stride

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các chi tiết có thể tinh chỉnh trên bộ đồ Âu phục cổ điển trong bài viết này.

Tóm lại là…

Cut, Size, Fit là 3 khái niệm vừa giống mà lại khác nhau, và trong thế giới may đo chúng gần như hòa vào trở thành một. Cá nhân tôi nghĩ rằng việc rạch ròi rõ 3 khái niệm này là điều cần thiết trong hành trình trải nghiệm thời trang của mỗi người. Ít nhất thì trong những lần mua sắm tới, bạn sẽ hiểu hơn về món đồ mình đang cầm trên tay, ít nhiều tránh được những lời tư vấn chưa phù hợp của một số nhân viên bán hàng chưa được đào tạo bài bản.

Bài viết được dịch và biên soạn lại từ bài viết gốc “Cut, Size, & Fit: What Are the Differences?” bởi Preston Schlueter từ Gentleman’s Gazette.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *