Bây giờ là cuối tháng 8. Nền nhiệt chung của Hà Nội vẫn là khoảng trên 30 độ, thế nhưng những ngày mưa và gió lớn cũng đã bắt đầu xuất hiện. Với ý kiến chủ quan của tôi, để bảo mặc theo một cách “chủ quan” nguyên cây linen khi ra đường mà gặp phải chiều mưa như thời tiết tuần vừa rồi thì quả thật là đáng sợ khi phải di chuyển bằng xe máy, và với anh chị em vẫn còn quần là áo lượt trong văn phòng cả ngày gặp giờ tan tầm trong những trận mưa ấy thì quả thật là… chết khiếp!
Vậy nên, việc chuẩn bị dần những lớp áo dày dặn hơn cho ngày mát (và lạnh) sắp tới có lẽ cũng không phải chuyện gì thừa thãi; với cá nhân tôi thì thấy rằng, có một số món này các bạn có thể cùng quan tâm:
Safari jacket
Là kiểu jacket có thể coi như “nhẵn mặt” với cộng đồng người chơi Âu phục cổ điển những năm gần đây – khi mà tôi nhớ từ khoảng những năm 2018-2019 là đã thấy nhà nhà, người người sản xuất và chưng diện tới Safari jacket dù là đồ may đo hay may sẵn, thế nhưng đáng tiếc phải nói rằng khoảng 2 năm trở lại lại đây, “trào lưu” áo Safari đã hạ nhiệt một cách đáng kể (cũng như cổ One piece trên sơ mi, polo mà vài lần tôi đã nhắc tới). Tuy nhiên không thể phủ nhận, mỗi lần nhìn tới kiểu áo này là lòng tôi lại dấy lên đôi phần hứng thú; có thể là từ một số khác biệt về thiết kế kiểu dáng, hoặc vì kiểu vải lên áo trông thật là bắt mắt. Nên rằng, Safari jacket vẫn sẽ là lựa chọn hợp lý nảy lên đầu tiên trong đầu tôi để bảo với anh em.
Theo bài viết từ The Rake, đúng như tên gọi của kiểu áo này, Safari jacket được thiết kế để sử dụng trong chuyến đi săn ở vùng bụi rậm châu Phi. Thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện vào giữa những năm 1930, tuy nhiên, có thể nguồn gốc sâu xa của áo Safari còn lâu hơn thế, với đồng phục Khaki Drills của Quân đội Anh được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1900 khi quân đội đóng quân ở Nam Phi trong Chiến tranh Boer lần thứ hai. Những người lính này yêu cầu quần áo nhẹ, thoáng khí để không bị đè nặng khi trời nóng, vì vậy đồng phục của họ được làm từ vải kaki cotton và thường có bốn túi hộp lớn ở ngực và ngang thắt lưng, lá cổ lớn, thêm cầu vai và sử dụng đai lưng quấn quanh giữ chắc cho chiếc áo.
Đây được coi là kiểu áo “hiệu quả” và mang tính thực dụng trong những buổi săn bắt, vì nhiều lý do. Các túi hộp phía trước thân áo làm tăng khả năng mang được đồ đạc lên gấp nhiều lần, cổ áo trải rộng trước ngực phần nào giúp làm mát cơ thể và dây đai quanh eo đảm bảo mọi thứ được cố định, rất hữu ích khi đi bộ xuyên qua các địa hình không bằng phẳng. Một số thiết kế Safari jacket đã thay đổi thiết kế đôi chút: cầu vai được loại bỏ tạo nên diện mạo đơn giản hơn, phần thân trên có thể thấy thêm các đệm vai (recoil pad) và các lỗ đựng Ammo loops – Cartridge loops, đai quấn quanh hông cũng có thể được thay thế bằng dây rút ẩn – giờ đây việc thêm hoặc bớt các chi tiết này để phục vụ cho tính gọn nhẹ và thời trang thay vì nặng về công năng như trước đó.
Vốn dĩ là kiểu áo khoác nhẹ với màu sắc sáng, nhưng ngày nay không khó để thấy được Safari jacket được làm từ những chất liệu dày và nặng hơn như da, da lộn, nhung tăm, hay thậm chí là cả flannel và tweed đa dạng màu sắc. Một thiết kế được coi là bất hủ, hè sang thu, rồi thu sang đông, vẫn cứ là hợp lý!
Field jacket
Nhiều người nhầm lẫn Field jacket với áo khoác Safari vì số lượng túi của nó. Để bắt đầu với kiểu áo này, chúng ta hãy quay ngược về Thế chiến thứ hai, thời điểm mà phiên bản đầu tiên được giới thiệu là “M-41” khi nó đóng vai trò cốt lõi trong quân phục chiến đấu của Mỹ. Nó được ra mắt vào năm 1941 để thay thế cho áo khoác len được sử dụng trong Thế chiến thứ nhất nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt len vào thời điểm đó. Thiết kế của nó bắt nguồn từ áo gió dân sự được sử dụng vào thời đó nhưng có khả năng cách nhiệt cao hơn nhờ lớp ngoài bằng vải poplin cotton và lớp lót bằng vải nỉ len chống nước và gió. Cổ và tay áo có nút cài và mặt trước được đóng bằng khóa kéo được che bằng vạt áo chống bão cài nút – có thể coi là khá tinh giản. Màu sắc nguyên bản được sử dụng là màu xanh lá cây tự nhiên đặc trưng của quân đội có tên gọi là “ô liu xám số 2”, đó là nguồn gốc của chữ viết tắt “O.D” vẫn còn được thấy cho đến ngày nay. Tuy vậy, M-41 cho thấy một số nhược điểm nếu được mặc như trang phục mặc ngoài trong chiến tranh; lớp lót giữ nhiệt kém và vải ngoài lại không bảo vệ được khỏi mưa gió. Hơn nữa, màu sắc thời đó nhanh chóng bị phai đi khiến khả năng ngụy trang bị giảm theo thời gian. Một cựu chiến binh gọi nó là “vô dụng nếu có đó là loại trang phục chiến đấu bởi màu sắc này cùng độ vừa vặn, lại còn không có túi” và nó được coi là một lỗi thiết kế. Tuy nhiên, M-41 Field jacket vẫn được sử dụng rất nhiều trong chiến tranh không phải vì tính tiện dụng của nó, mà vì không có lựa chọn nào khác.
Những cải tiến sau đó như M-43, M-50, M-51, M-65 đã dần khắc phục được những nhược điểm kể trên và dần được chấp nhận. Vì “xuất thân” từ mục đích chiến sự nên kiểu áo này cũng có nhiều câu chuyện liên quan tới văn hoá ẩn sau nó, bạn có thể tìm hiểu thêm nếu thấy hứng thú. Để nói về điểm khác biệt giữa Safari và Field jacket ngoài mục đích sử dụng ban đầu đã kể bên trên, có thể nói Field jacket sẽ mang lại cái nhìn “thô” hơn, chống chịu mưa gió tốt hơn và hầu như tất cả các thiết kế của kiểu áo này đều sử dụng khoá kéo, cùng với đó màu nguyên bản sẽ tối hơn nếu so với nguyên bản của áo Safari. Và cũng về nguyên bản, áo Safari thường cũng nhẹ hơn do không có các lớp giữ nhiệt bên trong – nhưng đó là nguyên bản thôi, giờ thì… pha phối đủ kiểu hết cả rồi!
Quilted jacket
Nói đến Quilted jacket (áo khoác chần bông) thì đúng hơn là việc nói tới chất liệu tạo thành thay vì kiểu dáng áo, nhưng tôi vẫn muốn nhắc tới trong bài viết này để bạn có thể tham khảo và lựa chọn cho ngày trở gió. Về cơ bản định nghĩa, Quilting dùng để chỉ bất kỳ đường khâu nào – có tính trang trí hoặc chỉ là đường khâu thẳng – kết hợp ít nhất hai lớp vải trên trang phục. Thường thì bạn sẽ thấy một lớp đệm thứ ba hoặc lớp lót giữa các lớp vải, tạo nên vẻ ngoài ba chiều phổ biến trên áo khoác chần bông được dệt bề mặt hình thoi. Thuật ngữ ‘quilt’ được cho rằng có nguồn gốc từ Anh vào thế kỷ 12 và bắt nguồn từ tiếng Latin “cucita”, có nghĩa là đệm hoặc gối. Bài viết về nguồn gốc của Quilted jacket bạn có thể đọc tại chuyên trang Gentleman’s Gazette – một bài viết dài, chi tiết và đầy tâm huyết.
Ba cái tên kể trên là một số kiểu áo tôi muốn giới thiệu đến Quý độc giả nhằm có được những chuẩn bị sắp tới. Thú thật, tủ đồ tôi đã có đủ cả ba từ những mùa trước đó; nhưng nếu năm nay có gì mới hay ho thì… tại sao không!?
(Bài viết và hình ảnh tham khảo từ The Rake, ASKET, Gentleman’s Gazette và nhiều nguồn thông tin khác)
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”