Viết về sự xuề xòa trong Sprezzatura, quần áo nhăn nhúm “có chủ đích” cũng là một chi tiết người chơi thời trang để ý trên outfit. Nhưng người tiêu dùng đại chúng lại thường có xu hướng tìm kiếm “áo sơ mi chống nhăn”, “quần tây chống nhăn” khi mua sắm. Để khi thực tế sử dụng sản phẩm thì… mồ hôi túa ra như thác. Liệu vải chống nhăn có thực sự tốt hơn không, vì sao vải trên trang phục lại nhăn? Và cách lựa chọn vải ít nhăn là gì?
Vì sao vải lại nhăn?
Có hai nhóm nguyên nhân chính làm nhăn vải: nhiệt độ – độ ẩm; và mật độ dệt.
Nhiệt độ – Độ ẩm
Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao bàn là và bàn là hơi nước làm phẳng quần áo chưa? Khá chắc là… chưa. Nhưng chính là bởi nhóm tác nhân nhiệt độ và độ ẩm này đây. Đầu tiên, cần hiểu đôi chút về chất liệu và cấu tạo của sợi vải. Có thể phân chất liệu sợi thành bốn nhóm chính:
1. Sợi làm từ cellulose tự nhiên như cotton, lanh, gai dầu. Đây là loại sợi dễ nhăn nhất.
2. Sợi làm từ cellulose tái sinh như bamboo, rayon, Tencel, Lyocell. Đây là loại sợi được tạo ra nhờ xử lý nhiều hoá chất, chống nhăn tốt hơn.
3. Sợi lấy từ động vật như wool, cashmere chống nhăn rất tốt.
4. Sợi nhân tạo làm từ nylon, nhựa PET chống nhăn tốt nhất.
Cả bốn nhóm sợi trên đều có cấu tạo từ hợp chất polymer (nên bảo mặc quần áo là mặc “tiền” trên người cũng không sai). Polymer là hợp chất tạo nên sự liên kết trong các sợi vải, và sự liên kết này bị tác động bởi nhiệt và độ ẩm.
Polymer trong các sợi khác nhau có nhiệt độ làm nhăn vải khác nhau. Bốn nhóm vải nêu trên được sắp xếp theo thứ tự tăng dần, với các sợi làm từ cellulose tự nhiên có nhiệt độ làm nhăn vải thấp nhất, và ngược lại. Ngoài ra, độ ẩm cũng là một tác nhân quan trọng ảnh hưởng tới độ nhăn của vải. Trong một nghiên cứu tại Đại học Hyogo, 1% độ ẩm trong vải có thể làm giảm 10⁰C nhiệt độ làm nhăn vải.
Nhiệt độ và độ ẩm làm nhăn quần áo trong quá trình sử dụng, nhất là nhiệt độ và độ ẩm tỏa ra từ cơ thể người mặc. Những chiếc áo làm từ 100% cotton hay linen bởi vậy mới dễ bị nhăn khi mặc, bởi nhiệt độ cơ thể là đủ để làm suy yếu các polymer liên kết trong sợi vải.
Cũng chính bởi sự suy yếu này, mà nhiệt độ được thoát ra ngoài, tạo nên cảm giác thoáng mát cho cơ thể. Vậy nên cũng có thể hiểu: vải càng ít nhăn thì càng giữ nhiệt tốt. Một ví dụ tiêu biểu là các sản phẩm quần áo giữ nhiệt của Uniqlo không sử dụng bất kỳ sợi tự nhiên nào để tối ưu hoá khả năng giữ ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh.
Mật độ dệt của vải
Ngoài nhiệt độ và độ ẩm, mật độ dệt của vải cũng là một tác nhân quan trọng khiến vải dễ bị nhăn hay không. Những mảnh vải có mật độ dệt dày (tốn nhiều sợi hơn) thường ít nhăn hơn những mảnh vải có mật độ dệt mỏng, bởi các sợi vải ít có khoảng trống thừa để xô dịch.
Lựa chọn vải ít nhăn thế nào?
Nếu sợi thuần tự nhiên dễ nhăn, còn sợi thuần nhân tạo quá nóng, thì loại vải kết hợp (blend) giữa hai loại sợi này sẽ là lựa chọn tối ưu hơn cả. Những trang phục được làm từ vải cellulose tái sinh như bamboo, rayon, Tencel, Lyocell cũng là một phương án phù hợp với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam. Cũng cần phải nói, với sự phát triển của công nghệ sản xuất vải, đôi khi những chiếc áo sơ mi được làm từ 100% cotton lại có chất lượng vượt trội hơn nhiều những chiếc áo có kết hợp sợi tự nhiên – tổng hợp và ngược lại. Lời khuyên nêu trên cũng chỉ mang tính chất tham khảo, hãy có sự chọn lọc khi mua hàng.
Tuy nhiên, cần phải chấp nhận một thực tế là “tiền nào của nấy”, và chi phí tạo ra vải nhân tạo thường rẻ hơn vải tự nhiên hay vải blend rất nhiều. Cá nhân tôi cũng đang sở hữu vài chiếc sơ mi vải thuần nhân tạo, dù phải công nhận chúng giữ dáng và chống nhăn tốt, song với thời tiết nóng ẩm tại Hà Nội thì thật chẳng đáng tiền. Do đó, hãy cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định mua sắm; nếu có thể mua quần áo từ các thương hiệu nêu rõ thành phần cấu tạo thì vẫn tốt hơn cả!
“Tới từng tiểu tiết”