Cá nhân hoá trong trang phục – thể hiện từ đâu?

Nhận thấy bạn bè xung quanh – những người chơi Âu phục cổ điển có cùng sở thích – ít nhiều đều muốn thể hiện tính cá nhân hoá thông qua trang phục, cũng là cách để thể hiện nét cá tính riêng; lại đúng vào thời gian vừa hoàn thiện xong hai món đồ “Sartorial Vietnam” với logo nhận diện rõ nét, tôi xin gửi tới quý độc giả một số cách để ta có thể “tuỳ chỉnh” rõ ràng trên từng mảnh của trang phục để có được cuộc chơi “độc bản” đầy thú vị.

Xin lưu ý, ở bài viết này, tôi sẽ tổng hợp lại những cách thường thấy (và thực tế đã chứng kiến) những người chơi xung quanh ứng dụng chỉnh sửa lên trang phục của mình ở những mảng miếng lớn trên cơ thể là jacket, sơ mi, quần Âu, giày; một số cách “độc lạ” ít xuất hiện có thể sẽ chưa được nhắc tới. Và giờ, cùng bắt đầu thôi.

Cá nhân hoá trên jacket

Với jacket – dù tiếng Việt chúng ta có thể gọi chung là “áo khoác” nghe khá bí bách trong những ngày hè này trên mọi miền đất nước, tuy nhiên mong quý bạn hãy cởi mở vì chúng ta vẫn còn có nhiều kiểu dáng, chất liệu, cấu trúc áo “chấp nhận được” chuyện khoác lên mình một lớp vải khác cho ngày nóng. Nói về mảnh lớn trên trang phục này, tôi nghĩ ta có thể để ý một số điểm sau để có được diện mạo khác biệt hơn so với những món đồ “cơ bản”:

1. Về kiểu dáng, thiết kế tổng thể

Có thể khi nhắc tới jacket, chúng ta vẫn thường quen thuộc với kiểu dáng cơ bản của “áo đờ mi” là jacket một hàng khuy, một túi ngực, hai túi hông (mà mấy kiểu áo này cũng đã có thể tuỳ chỉnh kiểu ve, độ lớn bản ve, điểm đặt khuy, số lượng khuy trên thân và tay,… được rồi), nhưng trong Âu phục cổ điển còn nhiều hơn thế. Chọn Safari Jacket với các chi tiết như đai cầu vai, lỗ đựng… đạn (Ammo loopsCartridge loops, giờ có lẽ thay thế bằng lỗ đựng cigars nghe chừng hợp lý hơn), túi phụ bắp tay, miếng gá khuỷu tay hay dưới cầu vai, túi ốp xếp ly, thêm xếp ly sau lưng và đai nửa lưng cùng nhiều chi tiết khác thì có thể gần như đảm bảo chắc chắn rằng, đi dạo phố bạn-sẽ-là-độc-nhất! Nghe chừng những chi tiết này mang tính chất “biểu diễn” khá nhiều vì rằng có cũng được mà không thì cũng chẳng sao, nhưng ta đang nói về sự cá nhân hoá mà, khác biệt lại là hay đấy chứ.

Chọn thiết kế thế này xem, bạn sẽ nhận ra mình là duy nhất! (Ảnh: Willis&Geiger)

Trên đây chỉ là ví dụ cho một kiểu áo mà tôi nhớ tới ngay vì khá thân thiện với ngày hè, tuy vậy các bạn có thể tìm hiểu thêm về Field Jacket, Harrington Jacket hay thậm chí là các kiểu gown thử xem – tuỳ cá tính mà chúng ta lựa chọn.

2. Về chất liệu, màu sắc, hoạ tiết

Mặc vải sáng màu hoặc hoạ tiết nhiều màu là nhiều khi, ta đã không giống với những người xung quanh. Thậm chí khi viết tới dòng này, tôi đặc biệt nhớ đến những chiếc patchwork jacket – “áo vá” nhiều màu sắc mà những người chơi hay nhắc tới. Hoặc khi nói về chất liệu, giữa rừng suit bóng mượt mang độ trang trọng cao mà bạn lại lựa chọn một chiếc jacket ngày hè như linen hoặc cotton mang phần nào sự thô ráp trên bề mặt vải, cũng đã là sự khác biệt. Nhìn những hình ảnh dưới đây thử xem sao nhé.

Mảnh lưng của một chiếc patchwork jacket “vá chằng chịt” (Ảnh: Urban Village)

Lót áo (lining) cũng là một thành phần tạo sự khác biệt như những bài viết tôi có điểm qua trước đây. Tuy vậy, đây không phải thành phần để ta có thể cố ý thể hiện ra bên ngoài theo cách lộ liễu, vậy nên tính độc bản trong việc lựa chọn lót áo cũng sẽ là cách “sướng âm ỉ” mà chỉ có người chơi mới biết để ghi nhận trong cuộc chơi của bản thân mà thôi.

Lót trong – cách vui âm ỉ mà chỉ người chơi mới thấu (Ảnh: Closet Core Patterns Blog)

3. Về chi tiết tuỳ chỉnh khác

Có thể hai điểm trên là những sự “chơi lớn” dễ nhận thấy, thì dưới đây sẽ là những điểm nhỏ hơn (nhưng có thể vẫn cực kỳ nổi bật) nếu bạn muốn cá nhân hoá tới mức tối đa cho chiếc jacket của mình, ví dụ có thể kể tới như:

– Thay toàn bộ khuy cài sang một bộ khuy với màu sắc, vật liệu khác: ví dụ như thường mặc định cho một bộ navy suit dành cho dân văn phòng sẽ là cúc trơn tối màu như đen, tuy vậy bạn có thể đổi sang thành cúc sừng hoặc cúc đồng như tôi chẳng hạn – không còn “cơ bản” nhiều nữa đâu.

– Đường đột trên áo: đây là yêu cầu khá hiếm thấy nếu chúng ta còn bỏ qua tiểu tiết. Đường đột ve áo thường đang gần để tạo sự tiệp màu cho cả bộ đồ; tuy nhiên cá nhân hoá mà, việc chọn đường đột chỉ trên ve áo hay cả các mép túi tương phản sẽ là điểm nhấn mà bạn có thể nghĩ tới nếu muốn tạo nét riêng cho chiếc jacket của mình.

– Thêu logo: đây, chính là nó đây! Tôi muốn dành điểm này tới cuối để nói, sẽ rất hay khi bạn có một logo để thêu lên trên áo – thường thấy ở túi ngực, đúng với tinh thần của chiếc blazer theo đúng nghĩa là nhận diện đội nhóm; có thể là logo của một tổ chức đoàn thể hoặc đội nhóm mà bạn tham dự, ví dụ như tôi mang niềm tự hào về Sartorial Vietnam chẳng hạn. Hoặc nếu bạn coi tên hoặc chữ ký cá nhân là một loại logo, chúng ta cũng có thể thử nghiệm, tuy rằng tôi thường thấy thêu tên sẽ chọn thêu ở mặt trong jacket là nhiều hơn.

Để rõ hơn về thông tin của chiếc áo này, bạn có thể nhắn tin tới Lehman Brother – thương hiệu đã tìm ra mảnh vải kẻ sọc cho chiếc jacket này và lên ý tưởng mới xem sao.

Vài điểm về jacket, xin tạm thời kết thúc tại đây.

Cá nhân hoá trên sơ mi

Chuyện là trên chiếc sơ mi, tôi nhớ ra được ít hơn những điểm bạn có thể “biến đổi” chúng để trở nên khác biệt. Bỏ qua sơ mi ngắn tay và chi tiết túi ngực vì tôi không khoái mấy món này, ta cùng điểm danh lại theo dàn ý trên, như sau:

1. Về kiểu dáng, thiết kế tổng thể

Khi đã nói tới sơ mi dài tay không túi ngực thì… kiểu dáng của chúng là vậy, có khác chăng là ở những kiểu cổ áo và kiểu cổ tay áo – mà giờ đã là điểm nhận biết khá phổ biến sau nhiều năm các cộng đồng về Âu phục cổ điển hoạt động và nhận được sự chú ý. Thay vì cổ Đức, hãy chọn cổ button-down, hoặc nếu đã nhiều quá rồi thì là spread, cutaway, club, camp, spear point, wing,… Còn tới cổ tay áo (cuff), ta có các kiểu phổ biến thường thấy đó là barrel cuff, single cuff, French cuff hay cocktail cuff,… Vậy nên có thể nói với cùng một chất liệu và màu vải, bạn cũng đã có kha khá những “biến thể” khác nhau – nếu để ý kĩ tới thiết kế sau chọn lựa cổ áo – cổ tay.

2. Về chất liệu, màu sắc, hoạ tiết

Tôi lại thấy sơ mi sáng màu phổ biến hơn tối màu, và càng ít hơn các kiểu sơ mi hoạ tiết (bạn có thể tham khảo series “Muôn trùng hoạ tiết” tác giả Blake Phạm đã viết trước đây – áp dụng được trên vải dành cho sơ mi). Có một kiểu hoạ tiết – hoặc đúng hơn là kiểu vải tên Madras khiến tôi lưu ý đặc biệt vì sự “nhiều màu” của nó, để xem rằng bao nhiêu người bạn của chúng ta sẽ lựa chọn đây nào.

Một chiếc Madras shirt từ Ralph Lauren

3. Về chi tiết tuỳ chỉnh khác

Ngoài các đường chỉ khác màu tương tự khi đã nhắc tới trên jacket, phần logo trên chiếc sơ mi cũng sẽ là tuỳ biến đặc sắc khi ta nói tới sự cá nhân hoá, tuy vậy chuyện thêu logo trên sơ mi cũng có đôi chút khác biệt. Ít thấy hơn việc thêu logo trên ngực áo, mà thay vào đó có thể sẽ là thêu tên trên cổ áo, cổ tay áo và với phần bụng áo trên cạp quần (là nét chơi ít phô trương hơn khi thấy những người chơi chọn việc lộ thành phần này một cách khéo léo vì thường khoác thêm jacket nên ít người để ý).

Đã từng thấy trong Sartorial Guys, có anh bạn được vợ “xuất tiền” cho đi may sơ mi, tuy vậy chiếc nào cũng phải có… tên vợ để đánh dấu chủ quyền?! Chuyện chơi này không biết là của ai đây nữa…

Cá nhân hoá trên quần Âu

Tương tự như với sơ mi, quần Âu hiện giờ không hẳn đã có những sự biến đổi quá mới lạ vì hai mảng miếng này đã quen thuộc hơn với những người… ít mặc jacket. Tuy vậy khi đã viết bài, tôi nghĩ về những người mới nhiều hơn, và chúng ta hãy cùng điểm lại những ý dưới đây:

1. Về kiểu dáng, thiết kế tổng thể

Ta có thể tuỳ chọn những điểm dễ thấy nhất trên quần Âu đó là xếp ly (một, hai ly hoặc không) với ly ngược (hướng ra ngoài hai bên hông – là kiểu thường thấy) hoặc ly xuôi (hướng vào phần moi quần, phía đũng quần tạo sự chú ý hơn), chọn lơ vê hay không (thay vì là “quần Tây xắn gấu”?), cùng với đó chọn lựa những kiểu cạp quần. Thường thấy hiện nay là cạp thường không quai nhê hoặc quai nhê ngắn với đỉa quần đi kèm, rồi vài năm nay là cạp quần kèm sidetab; tuy vậy hãy thử một lần lựa chọn đến cạp quai nhê dài không sidetab, D-ring, Gurkha, DAKS,… và dần thử nghiệm lược bớt đi chiếc thắt lưng trong bộ đồ của bạn. Có cái hay riêng của nó đó, bạn à.

Ở phần này và như mọi phần khác nhắc tới trong bài, tôi sẽ không nhắc đến những độ fit mà bạn mong muốn khi may đo, nên mong quý bạn có thể hiểu rằng việc hai chiếc quần với các chi tiết, thiết kế y hệt nhưng trong hai độ fit khác biệt cũng sẽ là hai chiếc quần khác nhau rất lớn. Một điểm mọi người cũng hay hỏi tôi đó là độ rộng ống quần – tuy nhiên tôi thấy rằng ta không cần quá bận tâm đến vậy, khi mà đây chỉ là điểm nhỏ của độ fit tổng thể mà thôi.

2. Về chất liệu, màu sắc, hoạ tiết

Quần kẻ sọc thôi cũng đã “khó”, chưa nói đến các kiểu hoạ tiết khác rườm rà hơn như kẻ ô lớn nhỏ chẳng hạn. Nếu bạn đã chọn đến Trews – quần Tartan, thì công nhận rằng độ chơi của bạn đã ở tầm vượt trội so với phần đông rồi đó!

Tartan trews – phải công nhận là… khó!

3. Về chi tiết tuỳ chỉnh khác

Tôi chưa thấy ai xung quanh mặc tới những chiếc quần thêu tên (vì những kiểu quần in hoạ tiết monogram như với Louis Vuitton, Gucci xem chừng không cổ điển cho lắm), tuy vậy nhắc tới phần này có thể vẫn còn một vài chi tiết thêm vào được để chiếc quần tăng phần khác biệt. Có thể là đỉa chặn gần khuy cài quai nhê dù là ta dùng quần không đỉa, vạt khuy cài gần đỉnh túi hông để tạo điểm nhấn, thay moi kéo zip bằng moi cài khuy chẳng hạn,… không quá dễ để nhận thấy, nhưng cũng là “bất thường” rồi phải không nào.

Những năm gần đây ở cả sơ mi và quần Âu, việc dựng canvas cho cổ tay, cổ áo hay cạp quần cũng là một thay đổi thêm vào so với những chiếc quần cơ bản. Nếu thấy cần thiết tới chúng, bạn cũng có thể lựa chọn – dù rằng việc nhận biết bằng mắt thường từ mặt ngoài gần như là không thể.

Cá nhân hoá trên giày Tây

Tôi thường nói rằng, có 5 họ giày Tây cơ bản đó là Oxford, Derby, Monkstrap, LoaferBoots. Từ 5 họ giày này, chúng ta đã có kh(qu)á nhiều lựa chọn biến thể, và ngoài ra thì còn thêm nhiều thứ để nói về giày nữa, tôi sẽ ngắn gọn theo vài điểm dưới đây:

1. Về kiểu dáng, thiết kế tổng thể

Ở Việt Nam, Pumps thực sự khác biệt! Để nói rằng đây là kiểu giày đi hàng ngày thì hoàn toàn không phải, nhưng để đi trong tiệc tối là hoàn toàn đúng bài. Nếu bạn là người vừa “chơi”, vừa cần tham dự nhiều tiệc tối thì hãy lựa chọn đến chúng, sẽ không hề tồi khi có một đôi Pumps trong tủ đồ của người đủ điều kiện.

Opera Pumps – một trong những kiểu giày “tối thượng” (Ảnh: Bowhill & Elliott)

Hay như Lazyman cũng sẽ là “điểm sáng” trong tủ giày của người chơi (chứ không phải giày đồng phục trong ngành Công An). Cây viết Nguyễn Việt Dũng đã có bài viết giới thiệu về kiểu giày này, bạn có thể đọc để tìm hiểu thêm ngay với đường link được đính kèm nơi đây.

Với hằng hà sa số phân nhánh nhỏ cho từng họ giày cơ bản kể trên như Adelaide – Balmoral Oxford, Button Shoes, Belgian – Penny – Tassel – Horsbit – Butterfly Loafer, Chelsea – Chukka – Jodhpur – Harness Boots,… cùng với những tinh chỉnh kiểu mũi, số lượng eyelet, kiểu gót, thậm chí cả pha phối để trở thành những đôi Spectators đã tạo nên một cuộc chơi mà đúng ra – giày Tây có thể ở một vị trí ngang bằng so với trang phục phần trên nếu so về độ phức tạp của nó. Còn cấu trúc giày, có lẽ tôi sẽ viết thành một bài viết về sau với các cấu trúc thường thấy là Mckay/Blake – Goodyear Welted – Bologna – Norwegian, mà đó chỉ là một phần nhỏ của cấu trúc mà thôi.

2. Về chất liệu, màu sắc, hoạ tiết

Cái hay của giày da là có da đơn màu và patina – có thể coi như một kiểu “hoạ tiết” cho chất liệu bóng bẩy này. Ở nước ta ngoài đen và nâu, hoạ hoằn lắm ta mới thấy thêm màu đỏ đô cho những người đi giày phổ thông; còn đâu thì những sắc màu khác cùng patina khác lạ đúng thể phải kể tới người chơi. Không chỉ phô bày kĩ nghệ trên phần da mũ, việc sơn màu có thể thể hiện trên cả da đế, hẳn các bạn nếu theo dõi các video trên kênh cá nhân tôi cũng đã thấy được phần nào.

Muôn vàn tuỳ chọn với patina (Ảnh: Berluti)

Da trơn, da hạt, da “bóng nhẫy” (patent leather) hay da lộn không chỉ đơn giản qua một vài gạch đầu dòng mà nói hết được, cũng như khi mà tôi chưa có nhiều chuyên môn để kể quá nhiều về chất liệu này – cả về vải vóc cũng vậy. Chuyện da trơn phối cùng vải hoặc canvas trên một đôi giày cũng chưa thấy quá nhiều nhất là tại nước ta, và hy vọng qua bài viết, chúng ta có thể tìm được những cao nhân mới sẵn sàng chia sẻ cùng cộng đồng như cái cách mà Sartorial Vietnam vẫn kiên trì hoạt động. Với mỗi lựa chọn, đều là một đôi giày khác hẳn nhau!

3. Về chi tiết tuỳ chỉnh khác

Như đã nói ngay trong phần mở bài, sở dĩ tôi nảy ra ý tưởng viết nên bài viết này là từ “đồng phục” Sartorial Vietnam mới được hoàn thiện. Với đôi Belgian Loafer nhận được từ Colin Martin, không chỉ da mà ta đổi sang canvas, ai bảo không làm được giày cơ chứ! Bạn có thể tìm thấy những thiết kế hay tuỳ chỉnh hay khác tại Colin Martin và việc “triển khai” một thành phẩm dành cho bản thân không phải là chuyện xa vời, khi mà mức giá của thương hiệu theo tôi là hoàn toàn phù hợp với khả năng của những người chơi nước nhà.


Để kết lại bài viết, việc bạn có một món đồ may đo, đặt đóng riêng, kể cả là sơ mi, quần Âu – những mảnh “nhỏ” trong trang phục – cũng đều là từng lựa chọn “độc bản” vì chẳng ai giống ai nếu đã gọi là may đo riêng. Tuy vậy, từng chi tiết, từng lựa chọn khác đi lại đem lại thêm cảm hứng mới và khẳng định cái tôi của người sở hữu, nên tôi mong rằng qua bài viết này, chúng ta đã phần nào ghi nhớ được những “yêu cầu thêm” khi tới với các nhà sản xuất. Chưa chắc rằng nhà may, nhà giày nào cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu của bạn; nhưng cứ thử xem sao, biết đâu ta lại nhận được những món đồ ưng ý ngoài sức tưởng tượng.

Một cuộc chơi còn dài, và chuyện Chơi Từ Bản Chất sẽ rất vui nếu ta hiểu chuyện từ bản chất của nó. Chúc bạn vững chân để bước tiếp trên cuộc hành trình dài này, cùng tôi và Sartorial Vietnam. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *