Runaway Collar: Nhìn thì nhiều nhưng mặc cho “đúng kiểu”!

Nếu thi thoảng bạn tự nghĩ thầm trong đầu: “Mặc kiểu mẹ gì thế này?!” khi thấy một anh chàng với phần cổ áo bên trong “nhảy” ra ngoài jacket, thì đó là một kiểu chơi được-của-nó nếu thực sự biết cách. Hãy lưu ý, Runaway Collar sẽ tạo thành cái vibe không hề nghiêm túc và chỉ nên được sử dụng đúng lúc.

Đầu tiên, Runaway Collar là gì?

Cụm từ này dịch sát nghĩa cũng sẽ phần nào giải thích được cái nhìn mà nó tạo ra. “Runaway” có nghĩa là chạy trốn, và “Collar” dĩ nhiên thì là cổ áo; vậy nên Runaway Collar chỉ cách mặc đưa phần cổ áo bên trong (sơ mi, polo – dĩ nhiên là chỉ áo có cổ) ra bên ngoài lớp jacket thay vì là tên của một loại cổ áo sơ mi riêng biệt nào đó. Thử bẻ cổ những chiếc áo của bạn một lần và đứng trước gương, để soi xem đầu tiên bạn nghĩ thế nào?

Ta nên chơi “cổ chạy” thế nào, nhất là tại Việt Nam?

Trước khi viết, tôi tìm đọc blog a little bit of rest của Ethan M. Wong (bạn có thể xem thêm tại phần đã được highlight – một bài viết rất tâm huyết về sự nghiên cứu và những góc nhìn thú vị) nhưng sẽ có ít nhiều suy nghĩ khác với anh ấy. Vì rằng, cá nhân tôi trước giờ chưa bao giờ dùng tới Runaway Collar, dĩ nhiên là có lý do của nó; và vì vậy sẽ gửi tới các bạn một số ý kiến khi dùng cách chơi này tại Việt Nam – quốc gia mà phần đông đại chúng nhìn thấy mảnh nào đó của Âu phục sẽ còn nghĩ là “ca sĩ, diễn viên, MC, giám đốc hay… đa cấp à!”. Ý kiến của tôi như sau:

Cổ áo đủ lớn, và phải có… cổ áo cái đã

Dĩ nhiên, để mặc theo kiểu bẻ cổ thì cần có cổ áo. Bạn không thể diện áo thun cổ tròn, cổ tim hay sơ mi cổ trụ theo cách chơi này, tuy vậy, kể cả lá cổ đã xuất hiện thì không phải kiểu nào cũng được.

Cổ Wing – no!

Cổ Club – đừng cố,

hay cổ Button-down – còn để xem…

Điều quan trọng đầu tiên khi chơi theo lối Runaway Collar là phải có cổ áo đủ lớn. Phần lá cổ của bạn ít nhất phải phủ đến đủ 90% cổ jacket (notch và peak được gọi là kiểu ve ở hai bên ngực áo, được kết nối bởi phần cổ chính giữa chạy vòng sau phía sau phần cổ người mặc), từ đó có thể thấy được một số kiểu cổ áo phù hợp sẽ là cổ một mảnh (cổ nhạn – One Piece collar), cổ Cuban hoặc Button-down… Tuy vậy nên nhớ, cổ đủ lớn thì hãy cởi bớt cúc trên nẹp khuya và bẻ ra, còn không để chúng ngoan ngoãn nằm bên dưới mà thôi.

Đừng diện đồ “chính uỷ” với cách chơi Runaway Collar

Ví dụ bạn mặc một bộ suit sọc màu navy đậm nét dân tài chính trong môi trường văn phòng, thì đừng dùng tới cách bẻ cổ áo! Những bộ đồ “chính uỷ” đúng nghĩa sẽ phù hợp để bạn cài cúc áo và dùng tới các loại tie; hoặc chí ít là mở lấy một cúc cổ nhưng được xếp gọn ghẽ, chứ không phải là cách bẻ cổ “phá cách” – nhất là tại môi trường nước nhà mà tôi đã nhắc tới bên trên. Tuy vậy để nói, khi đã thoát khỏi những bộ business suit và chọn cách chơi casual thì người chơi chúng ta đều có thể thử nghiệm, ví dụ như broken suit cùng polo hoặc sơ mi cổ bẻ nhẹ nhàng – để thấy là dress shirt sẽ không phù hợp mà hãy chọn casual shirt với lá cổ đủ giữ form dáng và xin đừng “èo uột”.

Diện cho đúng điệu khi dùng trong đúng chỗ

Thật ra đây là điểm phát triển từ ý trên, khi mà với tôi, Runaway Collar không phải dùng lúc nào cũng được. Cấp 3 tôi học tại trường THPT Chu Văn An, một ngôi trường “nghiêm túc” mà lứa học sinh bọn tôi không hề làm chủ cuộc chơi – hay đúng ra là đừng nên coi việc mặc đồng phục là trò chơi khi tới trường. Ấy thế mà một vài anh bạn cùng trang lứa coi việc phá cách này là hay ho; tôi không hề đồng tình, và từ đó đến giờ “ghét” Runaway Collar bởi lẽ như vậy.

Ác cảm cá nhân thời xưa của tôi sẽ không đại diện cho suy nghĩ của tất cả mọi người, nhưng Runaway Collar thật sự nên được sử dụng phù hợp trong đúng ngữ cảnh. Khi bạn là chủ tiệc – đám cưới của chính bạn với một vài bạn bè thân quen: hãy thoải mái, nhưng nếu bạn là chú rể đứng giữa khán phòng với hàng trăm ánh nhìn của “các vị lão thành” lớn tuổi thì tôi nghĩ rằng không nên. Từ đó hãy xem xét rộng ra, đâu là “được và không được”, có lẽ với sự chín chắn của các đọc giả Sartorial Vietnam, tôi nghĩ bạn sẽ tự tìm ra mà thôi.


Điểm lại, Runaway Collar không phải là cách chơi mới khi từ giai đoạn Golden Era của Classic Menswear những năm 1920-1940, ta đã thấy những cậu trai Tây (mà giờ là các cụ của ta cả rồi) chơi theo lối này, khi để cổ mở đầy phóng khoáng và táo bạo. Runaway Collar lại được gợi nhắc theo một cảm nhận rất khác trong thời kỳ vàng song của Disco, hoặc từ diện mạo này nhiều người lại nhớ tới Cuba (có thể là vì Cuban shirt chăng?). Để nhắc thêm, ta nhìn thấy thì nhiều nhưng đã mặc lên thì mặc cho “đúng kiểu”, vì rằng qua mấy điểm tôi đã nhắc tới thì một sự phá cách nhỏ đúng nơi sẽ tạo nên điểm nhấn, còn sai thời điểm lại thành nỗi đáng quên ở một diện mạo lôi thôi và nhếch nhác.

Sơ qua về cổ bẻ chất chơi này là vậy, xin chờ ý kiến của quý bạn chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *