Với người chơi mới “nhập môn” giày da, khi qua được giai đoạn “giày Tây nào mà chẳng giống nhau” khi nhận biết được những kiểu giày da cơ bản, thì lúc đó ta bắt đầu để ý nhiều hơn tới chi tiết. Ví thử như đôi này có bao nhiêu eyelet, đôi kia cấu trúc McKay hay Goodyear,… – nếu đã đến “cái tầm” đó rồi, hẳn sớm muộn chúng ta cũng sẽ nói về hình dáng “dị biệt” trên những đôi giày thỉnh thoảng bạn thấy là lạ. Như phía dưới đây, để xem có phải chính là chúng hay không.
Cũng phải nhắc trước, mặc dù khi viết bài này, tôi đang tham khảo tại những nguồn kiến thức mô tả cụ thể về cách tạo nên từng kiểu “eo” (waist) nhưng với mục đích của bài viết chỉ dừng ở việc giúp độc giả nhận biết được các kiểu lạ mắt, nên tôi sẽ tạm thời bỏ qua phần mô tả các công đoạn này. Nào, cùng bắt đầu!
1. Eo vuông (Square waist)
Đầu tiên, phải nhắc tới cụm từ “vuốt eo” khi nhìn vào thân và đế giày. Đôi khi bạn sẽ thấy phần đế có những đường lượn lạ mắt tạo cảm giác như đôi giày thuôn lại, có eo; và khi không phải – hay như một đế-giày-bình-thường phổ thông vẫn gặp, thì đó chính là eo vuông như hình minh hoạ ngay dưới đây. Đơn thuần, eo vuông được nhận diện khi giao điểm của đế tới phần gót giày nhô cao so với mặt đất tạo thành góc xấp xỉ 90 độ – góc vuông.
2. Eo vát (Bevelled waist)
Từ đây, những đôi giày chính thức “có eo”. Bevelled waist được nhận biết khi ở khoảng giao điểm đế – gót này đã có những đường lượn vào tạo thành góc nhỏ hơn 90 độ; ngày nay, thành phần này sẽ được thấy ở những hãng giày thủ công vừa và lớn cả trong lẫn ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sẽ là bình thường nhìn từ phần đế lên, bạn sẽ thấy chúng có một sức hấp dẫn bất ngờ – vì cũng phải thôi, tốn công đẽo gọt tạo eo như vậy cơ mà…
3. Eo vĩ cầm (Fiddle back waist)
Được cho là một phiên bản “cực đoan” hơn so với Bevelled waist, Eo vĩ cầm – Fiddle back waist đúng như tên gọi của nó khi bạn nhìn vào mặt sau của cây vĩ cầm (violin) với phần eo được thể hiện rõ nét nhất ở giao điểm đế với phần gót giày nhô cao. Chúng ta có thể liên tưởng phẩn này tương tự như dáng hình của chiếc đồng hồ cát; tuy vậy, vẫn còn khá nhiều điểm gây nhầm lẫn khi Fiddle back waist được cho rằng luôn tạo một đường gờ (marked ridge) ở chính giữa nhưng đôi khi cũng lại… không thấy. Tuy vậy, với một đường gờ rõ nét cùng eo lượn rõ ràng, chúng ta có thể khá chắc chắn đó chính là eo vĩ cầm được rồi đó.
Và vì sao người ta lại sinh ra những thiết kế thế này cho đế giày, khi mà đây là thành phần tiếp xúc với mặt đường nhiều nhất, ít người để ý tới? Tôi cũng không dám chắc chắn, khi mà một thú chơi đã đến hồi gay cấn rồi thì người chơi ngày càng để ý nhiều tới chi tiết; và những đường eo này nếu được làm hợp lý theo độ rộng của bàn chân thì cũng chẳng hề gây cấn cộm gì khó chịu đâu.
Mỗi thú chơi sẽ hay từ những điều nhỏ nhất, vậy bạn nghĩ sao về “vòng eo uốn lượn” trong bài viết này?
(Tham khảo thông tin từ bài viết của Shoegazing, Wayman Bespoke)
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”