Ta thường nghe câu “chân kinh” là trên cài, dưới cởi cho áo một hàng khuy, vậy thì cài tất cả các khuy có ổn hay không? Sẽ là bình thường, nếu ta mặc lên Paddock Suit.
Theo bài viết của Gentleman’s Gazette cho chủ đề này, “lai lịch” của chiếc jacket đã được giới thiệu vào năm 1938 với tên gọi Paddock – được đặt tên theo nơi kiểm tra ngựa trước cuộc đua trên đường đua. Cái tên này khá phù hợp vì kiểu Paddock (còn được nhìn nhận như “Paddock cut” – dáng cắt kiểu Paddock) hai cúc rất giống với một chiếc áo khoác cưỡi ngựa. Nói về cách nhận biết, cơ bản, chiếc áo của một bộ suit Paddock sẽ khác với áo suit thường thấy, nhất là ở điểm đặt cúc. Ví dụ như ở hình minh họa bạn đang theo dõi, cả hai cúc sẽ được cài là vì thứ nhất, cúc bên trên được đặt cao – gần ngang với nắp túi ngực, và thứ hai, cúc dưới – lẽ ra nên mở với những jacket thông thường để tạo độ mở vạt theo đường cắt – được đóng lại do đặt tại vị trí cao tới tận xấp xỉ ngang hông tự nhiên (có thể trên hoặc dưới đôi chút) của người mặc. Dáng áo này được cho là sẽ tạo nên hiệu ứng thị giác tăng cường chiều cao cho chủ nhân, và một chiếc Paddock coat ngoài điểm nhận diện điển hình bên trên thì sẽ thường thấy với ve notch, 4 nút trên ống tay, túi nắp, lưng xẻ giữa, phù hợp với phong cách nhẹ nhàng thay vì trang nghiêm như business suit.
Bên cạnh đó theo quan sát, để có được cách đặt và cài khuy như vậy thì độ mở vạt áo của những chiếc Paddock coat sẽ ít hơn khá nhiều so với những chiếc jacket vạt mở bay bổng mà ta dễ thấy ngày nay. Cũng phải thôi, nếu vạt mở quá nhiều hai bên mà ta vẫn “cố tình” cài luôn cúc dưới thì jacket sẽ xô lệch và chẳng còn dáng áo ban đầu, hẳn là khó chịu lắm đây.
Vậy đó, khi mà ai cài hết loạt khuy thì từ từ một tí, xem họ đang mặc món gì đã. Nhưng khá là chắc chắn khi Paddock đến nay không còn là một dáng áo phổ biến nên câu “trên cài, dưới cởi” kia vẫn đúng, có gì anh em ta nhắc nhau, để cùng hoàn thiện hơn nữa chứ. Hẹn gặp lại anh em!
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”