Bài viết được dịch từ bài viết “8 Things Men Should NEVER Wear to a Wedding” của tác giả Sven Raphael Schneider từ Gentleman’s Gazette. Bài viết đã được chỉnh sửa, lược bớt một số chi tiết không quan trọng. Các phần chữ in nghiêng là giải thích của người dịch.
Đám cưới là một trong những ngày đặc biệt nhất của đời người. Hãy trân trọng những tấm thiệp mời cưới từ những người bạn, người thân thiết; nhưng đồng thời, hãy nhớ rằng, trân trọng đi cùng với tôn trọng: đừng làm gì ngốc nghếch, ví dụ như ngay từ chuyện ăn vận. Dưới đây là 8 lưu ý chúng ta nên để tâm khi nói về trang phục mùa cưới, để bạn luôn đáp ứng được tiêu chí “tôn trọng” đó.
Ngày nay, nhiều cặp đôi tổ chức những đám cưới với chủ đề “độc lạ”, nên dress code cho những đám cưới này thật sự muôn hình vạn trạng. Những lưu ý dưới đây sẽ dành cho những đám cưới có dress code truyền thống hơn mà chúng ta thường được thấy và tham dự.
1. Đừng mặc xuề xòa (under dress)
Dress code rất quan trọng, góp phần tạo nên không khí cho đám cưới và giúp khách mời biết rõ mình nên mặc gì.
Một trong những lỗi phổ thông khi diện đồ tới đám cưới là mặc xuề xòa không theo dress code. Điều này không chỉ làm bạn trở nên “dị biệt” trong dàn khách mời dự đám cưới, mà còn phần nào đó không tôn trọng cô dâu chú rể.
Tại Việt Nam, nhìn chung các đám cưới đều không quy định dress code do những khác biệt giữa văn hóa Á Đông và châu Âu. Và, dường như dress code “ngầm hiểu” duy nhất cho những đám cưới phổ thông tại Việt Nam chỉ đơn giản là: mặc lịch sự, gọn gàng là được.
2. Nhưng cũng đừng mặc quá lộng lẫy (overdress)
Dù hiếm xảy ra, nhưng có một vài người “tận dụng” những đám cưới để mặc đẹp quá mức, quá trang trọng. Ta đều thích được mặc đẹp. Nhưng đám cưới là một trong những dịp cực tệ để overdress chủ tiệc, giống như việc underdress vậy.
Mặc quá lộng lẫy có thể khiến bạn trông giống một kẻ hợm hĩnh đáng ghét ở tiệc cưới, cũng như làm nhiều người nghĩ chủ tiệc không quy định dress code rõ ràng. Hơn cả, overdress tức là bạn đã biến mình trở thành tâm điểm, thay vì là cô dâu và chú rể.
3. Mặc đúng vai trò của mình
Giống như việc tránh underdress hay overdress, bạn không hề muốn mình bị người khác hiểu nhầm là chú rể, phù rể, hay người phục vụ đâu. Những đám cưới hiện đại thường có các trang phục đặc biệt để phân biệt khách mời dự đám cưới với những người có nhiệm vụ đặc biệt trong buổi tiệc.
Ở Việt Nam, đám cưới thường được tổ chức ở các venue, nơi nhân viên phục vụ sẽ có bảng tên và đồng phục riêng. Chú rể sẽ thường đứng tiếp khách ở cổng chào, và hầu hết khách mời sẽ biết trước dung mạo của chú rể. Nên dù đây là một lỗi khó mắc phải, xin bạn đừng chủ quan!
4. Tránh mặc “màu mè” nổi bật
Luôn nhớ rằng: đây là ngày trọng đại của chú rể, không phải ngày của bạn! Đừng chủ đích cướp lấy “hào quang” của chú rể bằng cách diện những bộ trang phục có màu sắc quá nổi bật như một bộ suit màu hồng hoặc chiếc sơ mi nhiều màu sắc.
Bạn cũng cần lưu ý tới những món phụ kiện, như những món trang sức quá khổ sáng loáng (phản quang), đồng hồ quá khổ, thậm chí là cả đôi giày cồng kềnh của mình nữa.
Hãy chọn những trang phục có màu sắc trung tính, hoặc có tone đất trầm. Đây là những màu sắc hoàn hảo để không thu hút sự chú ý, nhưng vẫn có thể phần nào thể hiện cá tính của bạn.
5. Mặc đúng size, đừng mặc sai
Với nhiều người, đám cưới là một dịp yêu cầu họ ăn vận trang trọng hơn trang phục thường ngày của mình. Đồng nghĩa với việc họ sẽ mặc những món đồ không thường dùng với thói quen ăn mặc – hoặc mua đồ mới, hoặc “đào” lại một món đồ cũ lâu ngày không sử dụng. Hệ quả là, những món đồ này có độ fit không hợp lý, tạo nên một cái nhìn gây khó chịu với người khác.
Chẳng ai muốn thấy bạn xuất hiện trong buổi tiệc cưới với một chiếc quần slim fit bó chặt đùi, hay “bơi” trong một bộ suit rộng thùng thình đâu. Một khi bạn biết mình muốn mặc gì tới đám cưới, hãy mặc thử trước để chắc rằng bộ đồ có độ fit vừa vặn với bản thân và chỉnh sửa nếu cần.
Nếu bạn định đầu tư một bộ đồ mới, hãy dành nhiều thời gian cho bộ trang phục. Để đảm bảo bộ suit được hoàn thiện một cách chỉn chu, hãy dành một vài tuần để lựa chọn kiểu suit, chất liệu mình muốn, cũng như lựa chọn một nhà may uy tín, có kinh nghiệm.
Nếu bạn muốn thuê suit, cân nhắc một số thương hiệu chuyên về thuê Âu phục chuyên nghiệp để lựa chọn được bộ suit có độ fit phù hợp với bản thân nhất.
6. Mặc sao cho thoải mái
Không chỉ cần chú ý về độ fit, hãy chú ý tới độ thoải mái của trang phục. Tiệc cưới sẽ diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ, với nhiều hoạt động thú vị.
Dù tại Việt Nam, khách mời sẽ có chỗ ngồi riêng chứ không phải đứng, nhưng bạn vẫn sẽ cần bộ trang phục có độ thoải mái nhất định mà vẫn đảm bảo được tính chỉn chu. Điều này có nghĩa là áo quần của bạn cần có độ fit đủ rộng để thoải mái vận động. Do đó, hãy lựa chọn thật thông minh để luôn cảm thấy dễ chịu trong suốt buổi tiệc cưới.
7. Tránh mặc trang phục “ngớ ngẩn”
Tiệc cưới sẽ có nhiều khách mời tới từ nhiều nhóm tuổi khác nhau, từ người cao tuổi, trung niên, giới trẻ, trẻ em… Bạn thật sự không muốn làm bẽ mặt chính mình và những người khác bằng những món đồ có nội dung phản cảm, thiết kế dung tục. Đây là tiệc cưới, chứ không phải bar club.
8. Đừng mặc quá casual!
Chúng tôi hiểu chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng casual, nhưng trong hầu hết các dịp cưới, bạn hãy tạm cất những món đồ casual của mình đi trong ngày trọng đại ấy.
Đồ thể thao
Hãy tránh mặc đồ thể thao tới đám cười, trừ khi sự kiện hôm ấy có cuộc thi chạy. Tracksuits, quần jogger, và những trang phục tương tự là những món đồ không phù hợp tại tiệc cưới.
Áo phông
Mặc áo tới đám cưới, dài tay thôi là chưa đủ, mà nên có cả cổ áo nữa. T-shirt là một món trang phục rất casual, không phù hợp với không khí trang trọng của hầu hết các tiệc cưới – kể cả khi mặc cùng với jacket.
Quần Jeans
Quần Jeans đang ngày càng trở nên phổ biến khi được phối chung với sport coat, blazer, cùng những trang phục mang tính trang trọng khác. Nhưng điều đó không thay đổi được việc chúng vẫn là một kiểu trang phục casual không thật sự phù hợp với không khí nghiêm túc của các đám cưới.
Quần Shorts
Dù quần Shorts có một món item quan trọng trong phong cách cổ điển, chúng không xuất hiện nhiều trong những buổi tiệc cưới do thiết kế của những chiếc quần này đem lại cái nhìn và cảm giác quá thoải mái. Bạn có thể mặc quần Shorts tới những buổi tiệc cưới được tổ chức tại bãi biển.
Dép tông, các loại sandals
Nhắc tới tiệc cưới bên bờ biển, bạn cũng không nên xuất hiện cùng với một đôi dép tông, hay bất kỳ các kiểu sandals nào khác. Hãy lựa chọn sử dụng những đôi giày dùng trong mùa hè, vừa lịch sự, vừa phù hợp với không gian của buổi tiệc cưới.
Sneakers
Chúng tôi hiểu những đôi sneaker là một item gây tranh cãi nhiều trong chủ đề này, nhất là khi có ngày càng nhiều những đôi dress sneaker, do đó chúng tôi sẽ chỉ đề cập tới những đôi casual sneaker. Bạn có thể tìm đọc một vài hướng dẫn về cách lựa chọn sneaker sao cho phù hợp với những dịp trang trọng như thế này. Nhưng với tiệc cưới, chúng tôi tin rằng, sử dụng một đôi giày trang trọng sẽ giúp bạn có cái nhìn hoàn chỉnh hơn nhiều.
Kết luận
Như đã đề cập bên trên, sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa tại phương Tây ảnh hưởng rất nhiều tới thói quen ăn mặc trong dịp cưới xin. Tuy vậy, chúng vẫn có điểm chung cần lưu ý hơn cả: hãy mặc thật chỉn chu! Nếu không có điều kiện chuẩn bị một bộ suit, thì ít nhất hãy dành thời gian là ủi chiếc áo sơmi của mình thật kỹ, cũng như lựa chọn trang phục có độ fit và màu sắc phù hợp.
Sau cùng, ngày cưới là ngày vui, hãy mặc sao cho bản thân cảm thấy thật tự tin và thoải mái, để thật sự chia vui cùng với cô dâu và chú rể!
“Tới từng tiểu tiết”