Để tổng quát, “Dress Code” – dịch theo nghĩa của từ – là “luật lệ” (Code) được quy định cho trang phục (Dress). Nhưng nếu không hiểu đúng và đủ về cụm từ này, một số tình huống đáng buồn (cười) có thể xảy đến, từ cả phía người đặt luật và người tham dự.
Ở nam giới, đã đôi lần bạn nghe tới những cụm từ như Business Casual, Business Formal hay Black Tie Dress Code nếu có lưu tâm tới chuyện ăn vận. Đúng vậy, dù ở một số nguồn kiến thức phân chia khác nhau cho Dress Code (như bài viết tại Gentleman’s Gazette, Real Men Real Style, The Trend Spotter,…) nhưng tựu chung, chúng ta cần hiểu:
Dress Code không chỉ là màu sắc!
Tôi đã gặp trường hợp thực tế dở khóc dở cười như sau. Chủ tiệc hôm đó là người có tìm hiểu kĩ càng trước khi tổ chức sự kiện riêng để tiếp đón bạn bè, và như thông lệ, trong các tiệc tối tại Việt Nam thì Black Tie vẫn là dress code trang trọng thuộc top đầu, nên anh bạn này không ngại đưa ra quy định với kiểu trang phục này cho tất cả khách tham dự với mục tiêu hướng tới tính lịch sự, chỉn chu chung cho cả sự kiện. Ấy vậy mà, kết quả tối đó vẫn thấy người ta mặc nào là Streetwear, nào là Avant-garde đến với một buổi tiệc đáng nhẽ cần là Âu phục chỉn chu, mà kỳ lạ thay chỉ toàn thấy màu đen, có lẽ vì từ hiểu nhầm chữ “black” trong Black Tie nên “tiện” luôn như vậy khi sắc đen thực sự vẫn là lựa chọn phổ biến trong tủ đồ của rất nhiều cá nhân. Tôi và chủ tiệc chỉ còn biết đứng cười với nhau, tuy thế chắc là anh ấy… cười trong nước mắt.
Nói đi thì cần nói lại. Khách đã “khó hiểu” về các dress code, thì từ phía chủ tiệc là người đặt luật cũng cần rõ ràng. Chẳng phải tự nhiên tôi để câu bên trên in đậm trong cụm quote, vì từ thực tế hiện nay, rất nhiều chủ tiệc chỉ hiểu sơ sài về dress code qua màu sắc; chắc bạn cũng không lạ các bữa tiệc (sát sườn nhất là Year End Party của công ty) với “Dress code: Trắng, đen, đỏ” chẳng hạn. Nếu đã hiểu về quy tắc trang phục hay đọc qua bài viết này, chúng ta sẽ tự hỏi: cuối cùng tham dự bữa tiệc này, với những màu sắc này, ta nên mặc kiểu trang phục thế nào để tôn trọng quy tắc của sự kiện chung bây giờ? Giả sử họ nêu ra rằng “Dress code: Business Casual in white/black/red” có lẽ đã không còn ai phàn nàn gì, phải không?
Tôi từng nghe nhiều nhận xét về bản thân mình là cầu kỳ, phiền phức, làm quá vấn đề hoặc nhiều câu tương tự. Nhưng với tôi, đã nhắc tới kiến thức là cần chuẩn xác; và việc đặt ra một dress code nào đó – được hiểu là một trong những quy định của sự kiện, nếu với người tổ chức là cần thiết thì người tham dự cần có “ý thức chấp hành” thể hiện sự tôn trọng với chủ tiệc. Hoặc không nếu thấy quá cầu kỳ, xin hãy dùng những cách thức diễn giải đơn giản và rõ ràng như “trang phục lịch sự với các màu trắng, vàng” chẳng hạn, đừng cố gắng đưa vào những cụm từ ngoại ngữ mà chính bạn cũng chưa hiểu rõ.
Để một bữa tiệc, một sự kiện tổ chức được hoàn chỉnh về nội dung, đẹp về hình ảnh, thì sự trao đổi và thấu hiểu giữa người tổ chức và người tham dự cũng là rất quan trọng. Nên chăng, mỗi cá nhân nên tự trang bị cho mình thêm nhiều hiểu biết – trước mắt là về chuyện ăn vận, để không còn rơi vào những tình cảnh khó xử cho tất cả mọi người.
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”
Được nhắc tới trong: Winchester - From Shirts to Shooters - Sartorial