Hai lần “trót dại” khi may sơ mi Seersucker và quần Linen
Vẫn hay đùa: Nóng chỉ là một “state of mind” vì tôi vốn đã quen với kiểu trang phục “tầng tầng lớp lớp” đi cùng áo khoác. Nhưng dù chịu nóng giỏi tới mấy, đoạn từ tháng 4 tới tháng 10 mồ hôi cũng chảy ít nhiều, nên nay chúng ta sẽ nói về hai kiểu vải “cửa miệng” đối với người chơi Sartorial trong ngày hè là Linen và Seersucker – hai “lựa chọn tốt nhất” để xem chúng có ưu, nhược điểm như thế nào.
Tuy vậy, mong bạn đọc bớt chút mong chờ nếu nghĩ bài viết chỉ thuần “khen” hoặc “chê” hai loại vải này. Dưới đây chỉ là những cảm nhận dựa trên trải nghiệm cá nhân thực tế trong quá trình mua sắm cùng kiến thức đọc, nghe và nhớ được; để bạn thêm được góc nhìn trước khi quyết định xuống tiền – nhất là khi ngân sách không cho phép quá nhiều lần thử-rồi-sai – để đáp ứng được nhu cầu và ngữ cảnh hợp lý cho trang phục.
1. Seersucker: lạ mắt, nhưng đừng mong đợi “phải thật mát”
Tự hứa với lòng, tủ đồ sẽ chỉ có duy nhất một chiếc sơ mi may bằng kiểu vải này từ năm 2018, và tới nay tôi vẫn chưa vi phạm lời hứa đó. Thật ra Seersucker không “sai”, cái sai của tôi là đã đặt kỳ vọng quá cao vào lời quảng cáo áo sẽ thật thoáng – cũng như đa phần các bài quảng cáo mà người bán muốn gửi tới các khách hàng tiềm năng.
Điểm qua lịch sử và tên gọi của kiểu vải này, theo tham khảo từ trang The Undercut, Seersucker do người Ấn Độ sáng chế với cái biệt hiệu rất gợi mở: “shir o shekar” – trong tiếng Ba Tư nghĩa là Đường và Sữa, tượng trưng cho cấu trúc tương phản của vải, với nhận biết qua bề mặt là một đường nhẵn mịn như sữa còn một đường thô ráp như đường. Nhìn từ xa sẽ thấy mặt vải khá xù xì, tiến gần quan sát thì nhìn chung, ta lại thấy vải khá “lạ”, như trên đã nhắc tới với hai đừng tương phản tạo nên hiệu ứng đặc biệt cho trang phục, tuỳ từng quan điểm có thể coi đây là điểm nhấn. Các món đồ từ Seersucker phổ biến nhất có lẽ vẫn là trắng sọc xanh, ngoài ra còn thấy nhiều loại sọc hoặc kẻ caro hồng, nâu, vàng,… vậy nên khi chơi không quá lo rằng sẽ bị nhàm chán. Nên lưu ý, đã chọn kiểu vải này, hãy chấp nhận ít nhiều về độ nhăn, xác định là những item dành cho dress down.
Đừng nhầm tưởng rằng cứ cotton là mát. Nãy giờ bạn chưa thấy tôi gọi Seersucker là “chất liệu”, vì tôi hiểu phần nhiều hơn từ này để chỉ kiểu dệt cho cotton với hai đường khác biệt nhưng vẫn là dệt kín, và chính kiểu dệt này đã gây nên sự bí bách hơn dự kiến. Mong chờ một chiếc sơ mi “mát như linen” nhưng không, chiếc áo tôi may năm 2018 (xui thay, lần mặc đầu đúng vào buổi gặp mặt người mới) đã khiến mồ hôi ra khá nhiều dù hôm đó không khoác jacket. Nghĩ bụng có lẽ do tâm trạng khiến mình căng thẳng, tôi cho chiếc sơ mi này thêm vài cơ hội sau đó mà tình hình cũng chẳng khả quan thêm được bao nhiêu: cảm giác khá bí, không khác mấy so với áo chất liệu khác mình đã mặc. Với trải nghiệm này, tôi cho rằng Seersucker sẽ hợp với suit hoặc item lẻ như jacket, quần thì hơn; còn sơ mi cần xem xét lại về độ thoáng mát, tốt nhất đừng nên kỳ vọng quá nhiều nếu bạn đề cao tiêu chí này trong mua sắm.
2. Linen: mát rồi, nhưng xuống dáng nhanh quá!
Cái anh vải này thì ta gọi “chất liệu” là đúng rồi đây. Còn được gọi là vải lanh trong tiếng Việt, Linen được lấy từ thân cây lanh nên là một loại vải với chất liệu tự nhiên, với trải nghiệm thực tế (tới nay là khoảng trên 5 chiếc jacket và sơ mi nhiều màu sắc) thì công nhận, Linen tạo được độ thoáng khí cần thiết giúp cơ thể “dễ thở” hơn. Chơi Linen cũng xác định sẽ dễ nhăn, tuy nhiên là những đường nhăn “đẹp mắt” – vâng, vẫn là tuỳ quan điểm của người chơi; chỉ có “phàn nàn” nhỏ qua trải nghiệm may đo trang phục Linen là như sau.
Tôi may bộ Linen suit màu trắng ngà trong hè 2020 và còn nhớ lần đầu tiên diện bộ trang phục này trong một buổi chụp, trước khi lần tách lẻ quần linen để mặc vào ngày 17/10/2020 trong sự kiện Big Offline HCMC để gặp anh em Sartorial Guys miền Nam sau hơn nửa năm hoạt động cộng đồng. Trong quá trình xử lý đồ may, anh Vũ – người thợ kỹ thuật – có báo đang gặp đôi chút khó khăn trong việc xử lý chất liệu, khi mà ngâm vải gặp tình trạng bai hơn dự kiến khiến phần tay phải chỉnh sửa lại độ dài để phù hợp với số đo trước khi ráp vào áo hoàn chỉnh. Tuy bộ đồ vẫn đúng tiến độ nhưng cũng có thể coi đây là một “điềm” báo trước, sẽ còn vất vả khá nhiều với mấy món này.
Điều tôi lo đã thành sự thật. Sau sự kiện ngày 17/10, phần gối và mông quần bai ra khá nhiều so với dáng ban đầu dù trước đó đã xử lý ngâm trong quá trình cắt may, vì đây cũng là hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất trong quá trình đứng ngồi vận động; trái lại chiếc jacket cùng bộ không có quá nhiều thay đổi do là áo khoác ngoài mà thôi. Vậy nên sau dịp này chiếc quần đã được xếp gọn ghẽ một góc tủ sau hai lần mặc qua; không phải do tay nghề người thợ mà vốn chất liệu đã là như vậy, giờ xử lý lại cũng chỉ là giải pháp tạm thời, cứ lâu hình thái của hai mảnh áo quần sẽ khác nhau. Muốn dùng tiếp quần này, có chăng tôi sẽ tách lẻ chứ không nên diện cả bộ đồng thời thêm nữa.
Linen không tệ nếu dùng cho quần short hay sơ mi, nhưng bạn nên lưu ý. Vì là một chất liệu vải khá mỏng, đối với sơ mi, thường phần thân áo sẽ có chút “màu sắc khác biệt” giữa và thân áo do độ dày khác nhau, thân áo là một lớp còn nẹp sẽ được xếp chồng nhiều hơn nên đỡ “lộ” – nhất là với những màu vải sáng. Đừng lạ nếu gặp người hỏi những câu liên quan đến điều này; cách tránh rủi ro là với quần nên để ý xem lót túi, lót mông có đủ để đỡ nhìn xuyên qua vùng nhạy cảm, còn về áo để an toàn vẫn là những lựa chọn màu vải tối cho Linen. Rồi sẽ ổn cả thôi!
Tổng kết bài viết cũng là lời nhắc lại, với tôi, Seersucker và Linen là hai chất liệu “hay”, phù hợp để làm trang phục thường ngày hoặc gặp gỡ mang tính thân thiện với độ trang trọng không cao, chỉ cần lựa chọn phù hợp với mục đích và hoàn cảnh sử dụng. Seersucker nên chăng coi như một loại vải lạ mắt thay vì đề cao tiêu chí thoáng mát, còn Linen – tốt nhất nên tách lẻ cho từng món và chọn Linen pha Silk, Wool, Cotton để giữ dáng hơn chẳng hạn, nhưng đừng mong chờ quần dài chất liệu này qua vài lần mặc vẫn giữ được dáng hình nguyên bản. Cũng có thể, vải tôi chọn may cũng chưa “chuẩn” hoàn toàn (mà thế giới vải vóc cũng vô cùng lắm) và đặc biệt đây là những cảm nhận cá nhân thay vì chuẩn kiến thức, nên mong bạn có thể coi đây là một số điểm cần để ý để tránh rủi ro trong lựa chọn.
Còn để tóm gọn, hè đến, chơi Linen và Seersucker vẫn vui. Ngại ngần gì đâu, cứ mạnh dạn mà chơi, mà thử (trong khả năng) đi thôi!
(Ảnh: Brook Brothers, DanielRe, The Rake, Luca Faloni)
Đã tới lúc tự tin để nói: “Tôi đam mê Âu phục!”
Được nhắc tới trong: Nhận biết Sơ mi trang trọng và Sơ mi thường ngày - Sartorial
Được nhắc tới trong: Vì sao quần xếp ly ngày càng ít phổ biến? - Sartorial